Trong tháng 4, ở Tứ Xuyên (Trung Quốc) đã xảy ra một trận động đất mạnh làm khoảng 200 người bị thiệt mạng. Nhiều người lo lắng rằng, Tứ Xuyên (Trung Quốc) khá gần với Việt Nam, liệu động đất ở đây có liên hệ hoặc ảnh hưởng tới động đất xảy ra ở khu vực Việt Nam. Để giải đáp thắc mắc này, phóng viên VOV phỏng vấn TS Nguyễn Hồng Phương, Phó Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, Phó Giám đốc trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần.

PV: Thưa TS, ngày 20/4 vừa qua ở tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc) đã xảy ra một trận động đất gây hậu quả nặng nề. Trước đây, năm 2008 ở khu vực này cũng đã xảy ra động đất với cường độ lớn. Các nhà khoa học có thể so sánh cường độ cũng như mức độ thiệt hại của 2 trận động đất?

nguyen-hong-phuong.jpg
TS Nguyễn Hồng Phương

TS Nguyễn Hồng Phương:Cả hai trận động đất vừa nhắc đều đã xảy ra ở Tứ Xuyên. Năm 2008, trận động đất mạnh 7,9 độ richter đã làm cho hơn 80.000 người thiệt mạng. Trận động đất ngày 20/4 vừa qua có cường độ nhỏ hơn nhiều, năng lượng phát ra chỉ bằng 1/90 trận năm 2008. Tuy nhiên nó cũng làm thiệt hại lớn về người, theo báo cáo đã có gần 200 người thiệt mạng.

Nguyên nhân của hai trận động đất đều xảy ra từ cùng một nguồn đứt gãy, có tên là nguồn đứt gãy Long Môn, nó là vết nứt rất dài trên bề mặt rắn của quả đất, kéo dài khoảng 240 km. Đặc điểm thứ hai là tâm chấn của hai trận động đất này tỏa ra từ độ sâu thấp, cỡ trên 10 km. Chính vì năng lượng tỏa ra từ độ sâu thấp như vậy nên phá hủy mạnh trên mặt đất, gây ra rất nhiều thiệt hại về người và nhà cửa.

PV: Vậy động đất có thường xảy ra lặp đi lặp lại tại một điểm hay không và nguyên nhân tại sao, thưa TS?

TS Nguyễn Hồng Phương:Thông thường động đất có quy luật xảy ra trên các đới đứt gãy hoạt động, tức vết nứt trên vỏ quả đất. Nó giải phóng năng lượng đang sôi sục trong lòng trái đất và thường xảy ra ở một khu vực nhất định, cứ sau một khoảng thời gian lại xảy ra trên khu vực đó. Nó không phân bố đều trên bề mặt trái đất mà bám theo những đới đứt gãy hoạt động. Đới đứt gãy Long Môn cũng là một nguồn như vậy, từ năm 2008 đến nay nó lại xảy ra, các nhà khoa học đã biết được quy luật này.

PV: Trên thế giới những điểm nào là nơi thường xảy ra động đất?

TS Nguyễn Hồng Phương:Trên thế giới người ta đã xây dựng những bản đồ các đới đứt gãy từ rất lâu, gọi đó là các vành đai lửa. Vành đai lửa kéo dài hàng trăm, hàng nghìn km, là những vết nứt rất lớn trên bề mặt trái đất, như vành đai lửa xuyên Thái Bình Dương, vành đai lửa Âu-Á, ở đó động đất núi lửa xảy ra rất nhiều. Hiện những sơ đồ đó đã được đưa lên internet và nhiều người có thể biết để ứng phó với động đất.

PV: Tứ Xuyên rất gần với Việt Nam. Vậy động đất ở nơi này liệu có ảnh hưởng hoặc gây ra động đất ở Việt Nam?

TS Nguyễn Hồng Phương:Nếu trên một diện rộng phạm vi khu vực nó sẽ không có ảnh hưởng liên tục liên hoàn được. Đứt gãy ở Tứ Xuyên mặc dù nằm gần biên giới Việt Nam, nhưng điểm đứt gãy chỉ mang tính khu vực. Hay nói cách khác động đất ở Tứ Xuyên không có liên hệ gì với những động đất xảy ra ở khu vực Việt Nam.

PV: Ngày 16/4 vừa qua, ở Iran cũng xảy ra động đất. Vậy động đất ở Tứ Xuyên (Trung Quốc) và Iran có liên quan đến nhau?

TS Nguyễn Hồng Phương:Như tôi đã nói những khu vực như Iran, Việt Nam, Tứ Xuyên không có mối liên hệ hữu cơ với nhau về động đất. Nhưng nhìn trên phạm vi toàn cầu, có thể hiểu động đất ở Tứ Xuyên là sự va chạm giữa hai mảng kiến tạo có tầm cỡ từng đại lục. Ví dụ hiện có hai mảng hiện hay va vào nhau là mảng Ấn Độ và mảng Âu-Á. Mảng Ấn Độ đi theo hướng húc vào mảng Âu-Á. Chúng ta có thể đo những dịch chuyển ấy bằng máy móc rất chính xác, nhưng cảm nhận con người không thể biết được. Phạm vi mang tính toàn cầu thì ta có thể biết động đất xảy ra ở Tứ Xuyên do sự va húc của mảng Ấn Độ va húc vào mảng châu Á.

Việt Nam không nằm trong các vành đai lửa của thế giới

PV: Theo Tiến sĩ, Việt Nam có nằm trong các đới đứt gãy gây ra những trận động đất lớn?

TS Nguyễn Hồng Phương:Rất may mắn là Việt Nam nằm ngoài hoàn toàn những vành đai lửa được biết trên thế giới. Những vành đai lửa đó chạy qua các quốc gia lân cận Việt Nam như Indonesia, Philippine. Tuy nhiên không có nghĩa là Việt Nam không có các đới đứt gãy.

Chúng ta đã có bản đồ trên đó vạch ra các đới đứt gãy hoạt động trên toàn lãnh thổ Việt Nam và vùng thềm lục địa Việt Nam. Có thể nói ngắn gọn, toàn lãnh thổ Việt Nam thì miền Bắc nhiều đới đứt gãy hoạt động nhất. Cụ thể nó nằm ở khu vực Tây Bắc như Điện Biên, Lai Châu và một loạt các đới đứt gãy đặt tên theo các con sông, như đới đứt gãy sông Hồng, đới đứt gãy sông Lô, đới đứt gãy sông Cả, đới đứt gãy Sông Đà. Đó chính là những nguồn phát sinh động đất.

Thực tế trong vòng vài năm gần đây, chúng ta đã ghi nhận những trận động đất ở Quan Sơn-Thanh Hóa hoặc Đô Lương-Nghệ An. Đó chính là những động đất xảy ra do các đới đứt gãy như đới sông Cả Đò Nậy, đới sông Mã. Tất cả những quy luật như vậy ta đã phát hiện ra và có bản đồ ghi nhận những khu vực động đất có khả năng xảy ra.

Mặc dù chưa xảy ra các trận động đất mang tính hủy diệt lên đến 7,8; 7,9 độ richter như trên thế giới, những chúng ta đã ghi nhận được những trận động đất lớn tới 6,8 độ richter xảy ra ở Tuần Giáo, Điện Biên năm 1983. Vì vậy những cảnh báo động đất ở Việt Nam vẫn rất cần thiết.

PV: Các nhà khoa học có thể biết được các điểm đứt gãy và khả năng xảy ra động đất, vậy tại sao mỗi khi động đất xảy ra thì thiệt hại vẫn nặng nề, thưa TS?

TS Nguyễn Hồng Phương:Thực ra chúng ta có thể khoanh ra được những vùng có khả năng xảy ra động đất. Nhưng trình độ khoa học thế giới chưa đủ để dự báo động đất chính xác tại thời điểm nó xảy ra. Vì vậy, động đất xảy ra luôn bất ngờ đối với người dân, không như bão lụt hoặc sóng thần có thời gian tương đối dài sau khi hiểm họa bắt đầu xảy ra để sơ tán. Không thể dự báo chính xác thời điểm xảy ra mặc dù biết đới đó thường xuyên xảy ra động đất mạnh. Trên thế giới, người ta chỉ có thể phòng ngừa trước cơn địa chấn xảy ra ở các khu vực nguy hiểm chứ với động đất mạnh, không thể dự báo được.

PV:Xin cảm ơn TS./.

Hãy ghi nhớ 10 điều sau để giúp bạn bình tĩnh trong khi động đất xảy ra:

Nguyên tắc 1: Bảo vệ bản thân và gia đình mình!

Những sự rung lắc mạnh đầu tiên của trận động đất chỉ diễn ra trong một vài phút. Hãy nấp dưới những cái bàn vững chắc như bàn ăn, bàn làm việc… để chống đỡ và bảo vệ đầu mình khỏi những đồ vật rơi xuống.

Nguyên tắc 2: Ngắt các nguồn ga, lò sưởi dầu… ngay khi bạn cảm thấy động đất, nếu lửa bùng ra, cần dập tắt nhanh chóng !

Hành động nhanh của bạn khi dập lửa sẽ ngăn ngừa những thảm họa lớn. Hãy tạo thành thói quen tắt nguồn ga thậm chí cả trong những trận động đất nhỏ.

Nguyên tắc 3: Tránh việc vội vã đi ra khỏi nhà khi động đất đang xảy ra!

Thật nguy hiểm để vội vã ra khỏi nhà. Kiểm tra cẩn thận tình hình xảy ra xung quanh mình và cố gắng hành động một cách bình tĩnh.

Nguyên tắc 4: Mở cửa để đảm bảo lối thoát!

Đặc biệt trong những căn hộ bê tông cốt sắt, cửa có thể bị biến dạng do động đất mạnh và không thể mở ra, bạn có thể bị nhốt ở trong phòng. Để tránh tình trạng trên, phải mở cửa ngay lập tức để đảm bảo đường thoát ra ngoài.

Nguyên tắc 5: Khi ở ngoài trời, bảo vệ đầu và tránh xa khỏi những vật gây nguy hiểm.

Nếu bạn gặp phải động đất khi đang ở ngoài trời, bạn nên bảo vệ mình khỏi những khối tường bê tông đổ xuống và các đồ vật rơi xuống như các bộ phận của cửa sổ, các biển tên cửa hàng, biển quảng cáo. Trú ẩn tại tòa nhà an toàn hoặc nơi có không gian ngoài trời rộng.

Nguyên tắc 6: Nếu bạn ở cửa hàng lớn, siêu thị, rạp hát hoặc các địa điểm tương tự, theo sự chỉ dẫn của nhân viên.

Ở những nơi đông người, một vài người có thể hoảng sợ. Tránh để bị hốt hoảng theo và cần bình tĩnh.

Nguyên tắc 7: Đỗ xe vào sát lề đường, Việc lái xe có thể bị cấm tại một số khu vực.

Lái xe vì những việc cá nhân, ích kỷ làm cho sự hỗn loạn trở nên tồi tệ hơn. Lắng nghe đài để có hành động phù hợp.

Nguyên tắc 8: Cẩn thận đá rơi, lở đất và sóng thần.

Tại những nơi có nguy hiểm vì đá rơi, lở đất và sóng thần, tìm nơi trú ẩn ở vị trí an toàn ngay.

Nguyên tắc 9: Di chuyển đến nơi trú ẩn bằng cách đi bộ hơn là đi xe ôtô, và chỉ mang theo những vật cần thiết

Lái xe ôtô có thể gây ra tắc đường và gây trở ngại cho xe cứu hỏa và các hoạt động cứu hộ. Vì vậy di chuyển đến nơi trú ẩn bằng cách đi bộ thay vì đi ôtô. Khi di chuyển, chỉ mang theo những vật bạn cần.

Nguyên tắc 10: Tránh việc hiểu nhầm vấn đề vì tin đồn sai, cố gắng thu thập và hành động theo những thông tin đúng.

Trong thảm họa con người thường có khuynh hướng lan truyền các tin đồn thất thiệt và những thông tin không chính xác. Cố gắng có được thông tin chính xác qua các phương tiện thông tin đại chúng, chính quyền sở tại, trạm cứu hỏa và cảnh sát.