Nậm Pồ là một trong những huyện nghèo nhất của tỉnh Điện Biên, được chia tách, thành lập năm 2013 trên cơ sở nhận bàn giao từ 5 xã của huyện Mường Chà và 10 xã của huyện Mường Nhé (Điện Biên). Thời điểm mới chia tách, thành lập, Nậm Pồ có tới 80% dân số thuộc diện hộ nghèo.

Thế nhưng, sau 10 năm, tỷ lệ hộ nghèo ở đây đã giảm mạnh, đến hết năm 2023 chỉ còn hơn 44%. Và chuyện những lá đơn xin thoát nghèo từ Nậm Pồ cũng không còn là hiếm. Ông Hạng Nhè Ly, Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên cho biết: " Một số hộ trong thời gian vừa qua có đơn tự nguyện đăng ký thoát nghèo, chúng tôi cho rằng đây là thay đổi của nhận thức người dân rất đúng đắn, mà tôi cho rằng đây là một chiều hướng rất tích cực".

 Chú trọng tuyên truyền để nâng cao nhận thức và ý thức của người dân trong công tác giảm nghèo; tận dụng tối đa nguồn lực từ các chính sách của TW, địa phương cho công tác giảm nghèo. Đó là cách mà Nậm Pồ đã triển khai để đạt các kết quả nêu trên. 

Thống kê trong giai đoạn 6-7 năm đầu thành lập, ngoài các chính sách hỗ trợ đặc thù, huyện còn huy động và lồng ghép các chương trình khác để đầu tư cho phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, với tổng số tiền gần 800 tỷ đồng. Năm 2013, từ nguồn vốn các chương trình MTQG, huyện đã tập trung vào các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, như chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi ngựa sinh sản, trồng mít, quế, mắc ca, khoai tây, chanh leo… Qua đó, tạo sinh kế để người dân vươn lên thoát nghèo bền vững.

Ông Khoàng Văn Né ở bản Nà Ín 2, xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ - một trong những hộ đã viết đơn xin thoát nghèo cho biết: "Mình cũng được Nhà nước hỗ trợ bò, xi, cát để cho làm chuồng trại. Thế là cũng vươn lên xin thoát nghèo, xin thoát nghèo được thì cuộc sống của gia đình cũng khá lên. Trồng rau, chăn nuôi trâu, gà, vịt cũng đủ trang trải cuộc sống cho gia đình".

Phát huy lợi thế có cánh đồng Mường Thanh rộng lớn bậc nhất Tây Bắc, nổi tiếng với câu ca “Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc”, huyện Điện Biên đã và đang ưu tiên nguồn lực, chính sách phát triển vùng sản xuất chuyên canh lúa gạo chất lượng cao trên cánh đồng này. Hiện với diện tích đất sản xuất lúa khoảng hơn 4.000ha, năng suất bình quân đạt khoảng 65 tạ/ha, trung bình mỗi năm cánh đồng Mường Thanh sản xuất gần 50.000 tấn thóc. Khoảng 95% diện tích trồng các giống lúa chất lượng cao, ngoài việc cung cấp nhu cầu tại chỗ, mỗi năm nông dân lòng chảo Điện Biên cung cấp hàng chục nghìn tấn gạo chất lượng cao cho thị trường.

Anh Lò Đức Hạnh, ở đội 15, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên cho biết: "Trước đây gia đình gieo theo cách truyền thống thì tình trạng lúa tạp rất nhiều, sâu bệnh cũng nhiều nên chất lượng gạo không được như mong muốn, thương lái họ cũng không thích. Sau khi được nhà nước quan tâm xây dựng mô hình cánh đồng một giống, đưa máy cấy vào sử dụng thì chất lượng, năng suất tăng lên".

Xác định “an cư” mới “lạc nghiệp”, những năm gần đây, tỉnh Điện Biên đã huy động mọi nguồn lực tích cực xóa nhà tạm cho các gia đình thuộc diện nghèo, cận nghèo, giúp các hộ có điều kiện vươn lên thoát nghèo bền vững.

Đặc biệt, tháng 5 năm 2023, hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, chương trình xóa nhà tạm cho 5.000 hộ nghèo, gia đình chính sách ở Điện Biên được triển khai theo Đề án do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chủ trì, phối hợp với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Điện Biên xây dựng càng như cú hích, giúp các hộ nghèo, người yếu thế ở địa phương có cơ hội vươn lên.

Ông Lò Văn Mừng, Trưởng ban Dân vận kiêm Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Điện Biên cho biết, bằng nguồn lực huy động từ sự ủng hộ, hỗ trợ của các bộ, ngành TW, các tổ chức, cá nhân hảo tâm trong cả nước, sau 9 tháng kể từ thời điểm phát động, toàn bộ 5.000 căn nhà đã hoàn thành, được bàn giao đưa vào sử dụng, về đích trước 3 tháng so với kế hoạch đề ra. Sau khi được hỗ trợ làm nhà từ đề án, đã có hơn 1.130 hộ ở Điện Biên thoát nghèo và hiện đang quyết tâm vươn lên thoát nghèo bền vững.

"Thủ tướng Chính phủ đã đánh giá rất cao cách làm của tỉnh Điện Biên trong việc huy động nguồn lực giúp xoá nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo. Từ đó, Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục tham mưu cho Đảng, Nhà nước lấy mô hình, cách làm của tỉnh Điện Biên để phát động trở thành cuộc vận động xoá nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo trên địa bàn cả nước, với cách làm như Điện Biên là vừa huy động nguồn lực Nhà nước, nguồn lực xã hội và chính những người dân tại cơ sở, tạo ra sức mạnh tổng hợp to lớn để thực hiện thắng lợi các mục tiêu xoá nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Điện Biên, Tây Bắc và cả nước"- ông Mừng nói.

Từ mảnh đất hoang tàn bởi chiến tranh, 70 năm sau giải phóng, Điện Biên hôm nay đã “thay da, đổi thịt”, đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được nâng lên rõ rệt, khi tỷ lệ hộ nghèo nay chỉ còn 26%. Điện Biên phấn đấu đến năm 2025, có 2 huyện thoát nghèo; tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 18,9%; đến năm 2030 trở thành tỉnh có điều kiện kinh tế phát triển khá trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc.