UBND tỉnh Điện Biên vừa sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 18, ngày 17/10/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.

Theo đó, sau 3 năm thực hiện cải cách chính sách Bảo hiểm Xã hội, nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân trên địa bàn về Bảo hiểm Xã hội được nâng lên so với trước; vì vậy mà số người tham gia BHXH tăng lên, đến cuối năm 2021 là hơn 52.700 người, đạt gần 15% trong tổng số lao động trong độ tuổi ở địa phương.

Theo đánh giá, việc giải quyết và chi trả các chế độ chính sách về Bảo hiểm Xã hội, Bảo hiểm Tự nguyện ở tỉnh luôn đảm bảo chính xác, khách quan, minh bạch, công tác chi trả lương hưu, trợ cấp Bảo hiểm Xã hội cũng được quản lý chặt chẽ, kịp thời, không để xảy ra thất thoát....Nhờ vậy mà chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia Bảo hiểm Xã hội đạt 82%.

Ông Vừ A Bằng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho biết: mục tiêu của tỉnh là đến năm 2030 có khoảng 60% người trong độ tuổi lao động tham gia Bảo hiểm Xã hội và khoảng 55 - 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, Bảo hiểm Xã hội hàng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội; Chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia Bảo hiểm Xã hội đạt khoảng 90%.

Giải pháp trọng tâm để thực hiện hoàn thành mục tiêu này là yêu cầu cấp ủy chính quyền các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị, xã hội đưa chỉ tiêu phát triển số người tham gia Bảo hiểm Xã hội, Bảo hiểm Y tế vào trong Nghị quyết của cấp ủy, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của ngành, địa phương; huy động nguồn lực địa phương và bố trí ngân sách hỗ trợ người dân tham gia Bảo hiểm Xã hội tự nguyện, Bảo hiểm Y tế hộ gia đình, nhất là đối với đồng bào dân tộc vùng đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó là tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm kịp thời ngăn chặn, phát hiện và xử lý các trường hợp lạm dụng, trục lợi quỹ Bảo hiểm Xã hội, Bảo hiểm Y tế.../.