Trung bình mỗi ngày tại Bệnh viện Phục hồi chức năng thành phố Đà Nẵng có hơn 30 trẻ đến khám, lượng giá và cho nhập viện và khoảng 300 trẻ can thiệp ngôn ngữ trị liệu, hoạt động trị liệu, vận động trị liệu, vật lý trị liệu kết hợp châm cứu.

Chỉ trong năm 2023, Bệnh viện này  đã khám cho 3.083 lượt bệnh nhi, 2.890 bệnh nhi nhập viện điều trị, trong đó 1.061 bệnh nhi nội trú và nội trú ban ngày, 1.829 bệnh nhân ngoại trú. Nhu cầu can thiệp cho trẻ tự kỷ tại Đà Nẵng nói riêng và các tỉnh lân cận nói chung ngày càng tăng cao. Bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải, công suất sử dụng giường bệnh trong năm 2023 là 192,5%, năm 2022 là 134,6%.

Tại Khoa Phục hồi chức năng Nhi, nhiều trẻ tự kỷ được người nhà đưa tới thăm khám và điều trị với nhiều biểu hiện khác nhau. Điển hình là trẻ khó khăn đáng kể về giao tiếp, tương tác xã hội kèm theo các mẫu hình hành vi, sở thích, hoạt động định hình, lặp đi lặp lại và giới hạn của trẻ.

Tại đây, trẻ được khám, tư vấn và can thiệp theo hướng đa chuyên ngành gồm: Phục hồi chức năng (vật lý trị liệu, hoạt động trị liệu, ngôn ngữ trị liệu và công nghệ dụng cụ trợ giúp…); Y học cổ truyền (châm cứu, xoa bóp bấm huyệt…); Dinh dưỡng, tâm lý lâm sàng và công tác xã hội…; Nội khoa: các bệnh đồng mắc (rối loạn giấc ngủ, tăng động giảm chú ý, động kinh, ...). Các bác sỹ cũng kết hợp hướng dẫn cho từng phu huynh nhằm đem lại hiệu quả nhanh chóng và tích cực nhất cho trẻ.

Một bác sĩ khoa phục hồi chức năng nhi cho biết: “Một trẻ tự kỷ có thể có khó khăn ở nhiều lĩnh vực khác nhau, vì vậy không có một phương pháp can thiệp duy nhất tác động tất cả vấn đề. Để đảm bảo tính nhất quán, hệ thống và hiệu quả trong suốt quá trình can thiệp thì cần phối hợp làm việc nhóm đa ngành”.

TS.BS Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng thành phố Đà Nẵng chia sẻ: “Cũng giống như chẩn đoán, can thiệp trẻ có rối loạn phổ tự kỷ cần có sự phối hợp đa chuyên ngành, gồm: cán bộ y tế (bác sĩ, điều dưỡng, kĩ thuật viên), các nhà giáo dục, cán bộ tâm lý…với những tác động có chủ đích, có kế hoạch, có phương pháp và được cá nhân hóa theo từng trường hợp của các nhà chuyên môn. Trong đó, tất cả hoạt động đều đặt trẻ vào vị trí trung tâm, cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ được đào tạo, hướng dẫn cụ thể về cách can thiệp tại gia đình”.

“Thời gian can thiệp lý tưởng là trước 3 tuổi. Can thiệp bắt đầu càng sớm càng tốt, có thể ngay khi phát hiện trẻ có khó khăn hoặc chậm trễ. Phụ huynh cần chủ động đưa trẻ đến các cơ sở y tế có uy tín để được khám, phát hiện sớm, can thiệp sớm. Việc phát hiện và can thiệp trong “giai đoạn vàng” sẽ giúp  tăng cơ hội hòa nhập cho trẻ tự kỷ.”- TS.BS Nguyễn Văn Dũng khuyến cáo.

Đáng chú ý, để nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ y tế và chất lượng khám chữa bệnh, Bệnh viện Phục hồi chức năng TP Đà Nẵng đã phối hợp với trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Bệnh viện Điều trị bệnh nghề nghiệp – Phục hồi chức năng TP Hồ Chí Minh…để tổ chức các Hội thảo khoa học, đào tạo liên tục y khoa, hội chẩn với các chuyên gia, cũng như công tác nghiên cứu khoa học, nhiều sáng kiến được thành phố công nhận có tác dụng ảnh hưởng. Ngoài ra, đơn vị cũng đã đầu tư, mở rộng cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế tiến tiến.

Chính những điều đó đã góp phần phát hiện sớm, can thiệp sớm, đem đến cơ hội hòa nhập cho nhiều trẻ tự kỷ, giảm tải được gánh nặng xã hội. Tạo niềm tin cho người dân thành phố Đà Nẵng và các tỉnh lân cận trong lĩnh vực khám chữa bệnh phục hồi chức năng nói chung, trẻ phổ tự kỷ nói riêng.