Điểm chuẩn của trường Đại học Giao thông vận tải TP.HCM giảm khá nhiều so với năm 2021, trung bình từ 6,3-11 điểm. Cụ thể ngành học có điểm chuẩn cao nhất năm nay rơi vào ngành Kỹ thuật ô tô với 19 điểm, trong khi năm 2021, điểm chuẩn cao nhất thuộc nhóm ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng với 27,1 điểm, điểm chuẩn năm nay của nhóm ngành này giảm còn 17 điểm.

Nguyên nhân được cho là năm nay, trường tăng chỉ tiêu tuyển sinh gần gấp 5 lần so với năm 2021 nên điểm chuẩn hạ nhiệt nhiều. Năm 2021, trường chỉ tuyển hơn 1.610 thí sinh. Nhưng năm 2022, tổng chỉ tiêu của trường là hơn 5.000, những ngành học nói trên có số lượng chỉ tiêu tăng rất nhiều nên điểm chuẩn giảm xuống. Đại diện của trường cũng cho biết, có thể các thí sinh thấy điểm chuẩn năm ngoái cao nên ngại nộp hồ sơ. Bên cạnh đó cũng do tình hình dịch COVID-19 trong hai năm vừa qua nên nhiều gia đình chưa đảm bảo kinh tế, do vậy  dù học phí rất thấp, số lượng thí sinh đăng ký không nhiều.

Ngoài ra, các trường đại học khác cũng có điểm chuẩn chênh lệch không nhiều so với năm 2021. Trong sáng 16/9, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP.HCM cũng công bố mức điểm chuẩn, dao động từ 20 đến 28,25 điểm. Ngành Báo chí (tổ hợp C00) có điểm trúng tuyển cao nhất với 28,25 điểm. Số liệu thống kê cho thấy, có 65% số tổ hợp xét tuyển có điểm chuẩn từ 24 trở lên, 35% có điểm chuẩn dưới 24. Ngành Báo chí (tổ hợp C00) có điểm trúng tuyển cao nhất với 28,25 điểm. Điểm chuẩn năm 2022 tăng, giảm ở một số ngành. Năm 2021, điểm chuẩn trúng tuyển của trường dao động từ 21 đến 27,90 điểm, ngành có điểm cao nhất là Truyền thông đa phương tiện.

Năm nay, điểm chuẩn vào Đại học Y Dược TP.HCM cũng có phần “hạ nhiệt” so với năm ngoái, dao động từ 19,05 đến 27,55. Ngành có đầu vào cao nhất là Y khoa với 27,55 điểm, giảm 0,65 điểm so với năm ngoái. Kế đến là ngành  Răng - Hàm - Mặt với 27 điểm. Năm 2021, điểm chuẩn trúng tuyển dao động từ 22-28,2, cao nhất vẫn là ngành y khoa với 28,2 điểm./.