Những ngày tnày, địa đạo Vịnh Mốc, xã Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh rất đông du khách trong, ngoài nước đến tham quan. Đây là địa đạo tiêu biểu nhất của hệ thống địa đạo, làng hầm ở Vĩnh Linh.

Trong chiến tranh đánh phá miền Bắc, quân Mỹ giội xuống mảnh đất này hơn nửa triệu tấn bom đạn nhưng dưới địa đạo Vịnh Mốc, cuộc sống của người dân vẫn diễn ra bình thường. 

Trần Quốc Kiên, sinh viên Khoa Quản trị Du lịch, Trường Đại học Giao thông Vận tải đến tham quan địa đạo Vịnh Mốc vào dịp 30/ 4 này cảm nhận: “Em cảm thấy ngày xưa những anh hùng và những dân quân có một lòng quyết chiến quyết thắng thì mới đào ra đường hầm để có thể sinh tồn dưới thời bom đạn như thế. Đó là một điều em cảm thấy khâm phục, tự hào là công dân của người Việt Nam. Đọng lại cho em đến bây giờ vẫn là sự kiên cường của các anh trong gian khó, cực khổ nhưng vẫn đào được những hầm sâu như thế bảo vệ người trong làng, trong tỉnh vượt qua thời bom đạn”.

Hiệp định Genevơ năm 1954, Quảng Trị bị chia cắt làm đôi bởi vĩ tuyến 17. Từ năm 1965, đế quốc Mỹ mở đầu cuộc chiến tranh phá hoại ở miền Bắc Việt Nam bằng không lực, mảnh đất Vĩnh Linh phía bắc sông Bến Hải trở thành túi bom, tuyến lửa của cuộc chiến. Do đó hệ thống làng hầm, địa đạo Vĩnh Linh đã ra đời để người dân sống và chiến đấu trong hoàn cảnh mưa bom bão đạn.

Ông Nguyễn Tri Phương ở làng Vịnh Mốc, xã Kim Thạch, huyện Vĩnh Linh, người tham gia xây dựng địa đạo cho biết: Để tránh mưa bom, bão đạn, địa đạo Vịnh Mốc được thiết kế có không gian sinh sống của người dân, kho vận vũ khí đạn dược - lương thực, cơ quan của Đảng và chính quyền, quân sự, các công trình công cộng, hội trường, nhà hộ sinh, trạm phẫu thuật, trạm thông tin. 

“Ban đầu những người đoàn viên, thanh niên lực lượng dân quân là những người xung kích đào địa đạo, sau thấy khối lượng quá nhiều, đào xuyên ngày xuyên đêm. Người dân được bố trí từng kíp 4 người, 2 người đào, một người xúc đất và 1 người vận chuyển cứ luân phiên nhau như thế. Một ngày đào có 2 kíp, một kíp đào ngày và 1 kíp đào đêm tầm đến 10 giờ 11 giờ đêm là nghỉ”, ông Phương nói.

Từ tháng 6/1966 đến đầu năm 1968, quân và dân Vĩnh Linh đã tham gia hơn 18 nghìn ngày công, đào và vận chuyển hơn 6.000 m3 đất, đá, xây dựng nên địa đạo Vịnh Mốc gồm 3 tầng, dài trên 1.700 m với 13 cửa. Mưa bom bão đạn, trong lòng địa đạo đã có 17 em bé được chào đời, mọi sinh hoạt của người dân vẫn được duy trì dẫu muôn vàn khó khăn.

Anh Brian, du khách Anh và nhiều du khách nước ngoài đến địa đạo Vịnh Mốc thốt lên đầy kinh  ngạc: “Thật không thể tin được, chỉ bằng ý chí, niềm tin và đôi tay của mình người dân Vịnh Mốc đã xây dựng được một công trình vĩ đại như vậy. Trong địa đạo, người dân nơi đây vẫn sống, chiến đấu và sinh con ngay giữa bom đạn ác liệt. Có lẽ chính vì ý chí, sức mạnh và tình yêu đất nước mà họ đã làm nên chiến thắng”.

Vịnh Mốc là địa đạo nổi bật nhất trong số 114 địa đạo của hệ thống làng hầm Vĩnh Linh. Một làng quê thu nhỏ được người dân Vịnh Mốc kiến tạo bằng cuốc xẻng thủ công và sức người ngay dưới lòng đất. Dưới con đường hầm sâu hun hút, những căn hộ gia đình, nhà hộ sinh, nhà tắm, giếng nước, hội trường, hầm vũ khí… được xây dựng kỳ công, phục vụ cho cuộc sống người dân nơi đây trong chiến tranh. 

Ông Phan Trường Định, Trưởng ban Quản lý Di tích lịch sử Địa đạo Vịnh Mốc cho biết: Hàng năm Khu di tích địa đạo Vịnh Mốc, xã Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị thu hút từ 6-7 vạn người đến chiêm ngưỡng “huyền thoại trong lòng đất”.

“Trong dịp lễ 30/4 và 1/5 đối với di tích địa đạo Vịnh Mốc lượng khách đến rất đông. Các đoàn học sinh ở các trường Tiểu học, THCS, THPT, các đoàn sinh viên của các trường đại học  đến tham quan học tập. Các đoàn cựu chiến binh theo các chương trình về nguồn cũng đến tham quan trải nghiệm tại di tích.

Còn đối với du khách Quốc tế đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Các đoàn khách rất ấn tượng với hệ thống di tích độc đáo có 1 không 2 ở Việt Nam. Họ đến đây với tinh thần học hỏi về những giá trị văn hóa, lịch sử của di tích”, ông Định cho biết.