Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu một số loại sản phẩm, bao bì phải có trách nhiệm xử lý chất thải. Những doanh nghiệp không trực tiếp xử lý chất thải phải có trách nhiệm đóng góp tài chính để hỗ trợ xử lý chất thải. Còn về việc tái chế doanh nghiệp phải tự mình làm hoặc đóng góp tài chính để hỗ trợ hoạt động tái chế nếu doanh nghiệp không tự làm.

Ông Phan Tuấn Hùng- Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: Nguồn tài chính do các doanh nghiệp đóng góp sẽ tuân thủ nguyên tắc quản lý, sử dụng minh bạch, hiệu quả và đúng mục đích. Tuyệt đối không sử dụng cho mục đích khác ngoài tái chế, xử lý chất thải. Đây là điểm khác biệt giữa khoản đóng góp tài chính này so với các loại thuế, phí môi trường hiện nay. Nguồn tài chính này không chỉ tạo ra cơ hội, động lực phát triển ngành công nghiệp tái chế của Việt Nam mà còn giải quyết vấn đề rác thải, nhất là ở các địa phương khó khăn.

Bà Nguyễn Thị Hoài Linh- Giám đốc Tổ chức Hành động vì môi trường và phát triển Việt Nam cho rằng: Các hợp tác xã thu gom rác dân lập tại TP.HCM đang thu gom đến 70% lượng rác sinh hoạt hàng ngày. Còn tại một số quận như Quận 5, Quận 10 hay quận Thủ Đức cũ lực lượng này thu gom đến 90% lượng rác sinh hoạt. Tuy nhiên, lực lượng này rất khó tiếp cận chính sách về an sinh xã hội, hầu như chỉ nhận phí thu gom từ các hộ dân hoặc bán chính rác thải tái chế.

Bà Linh đề xuất có chính sách hỗ trợ lực lượng thu gom rác dân lập tiếp cận được nguồn kinh phí đóng góp vào quỹ bảo vệ môi trường để hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải.

"Lực lượng rác dân lập hay lực lượng ve chai là lực lượng nghèo đô thị trong thành phố. Khi nghĩ vấn đề môi trường nên nghĩ vấn đề cộng hưởng lợi ích, vừa kinh tế, vừa xã hội và môi trường. Nên chăng cân nhắc để mở rộng nhóm đối tượng ra và có cơ chế quản lý nào đó cho hiệu quả"./.