Theo thống kê của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, mỗi năm Việt Nam có hơn 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước. Đuối nước là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ em, chiếm 48,8% tai nạn do thương tích.
Đặc biệt, hàng năm, vào thời điểm mùa hè khi thời tiết nắng nóng, học sinh được nghỉ học, số vụ trẻ em tử vong do đuối nước lại tăng cao, nhất là ở những vùng nông thôn, miền núi và biên giới biển...
Cụ thể, chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng qua, tại nhiều địa phương trên cả nước liên tiếp xảy ra nhiều vụ việc đuối nước thương tâm mà nạn nhân là các em học sinh đang trong thời gian nghỉ học tại nhà.
Mới đây nhất, từ ngày 13-17/5 vừa qua, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã xảy ra 3 vụ đuối nước thương tâm khiến 5 học sinh thiệt mạng, các em đều trong độ tuổi từ 9-13 tuổi. Nguyên nhân của những vụ thiệt mạng này là do tắm ở sông, hồ hoặc chơi trên bờ hồ rồi trượt chân ngã xuống.
Trước đó, ngày 24/4, 3 học sinh (trong độ tuổi 8 và 10 tuổi), cùng ngụ ấp Nghĩa Chí, xã Phước Trung, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang, xin phép gia đình đi chơi. Chiều cùng ngày, không thấy các em về nhà nên các gia đình đã đi tìm kiếm. Khi đi đến ao nước mới đào trên phần ruộng của một người dân tại ấp Nghĩa Chí, xã Phước Trung, thấy có vết chân trẻ em trên bờ ao, mọi người mò tìm và phát hiện 3 thi thể dưới đáy ao. Kết quả khám nghiệm cho thấy, những học sinh này tử vong do đuối nước.
Một vụ đuối nước thương tâm khác xảy ra tại thôn Thanh Xuân, xã Hoằng Hải, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa vào ngày 23/4 vừa qua. Một nhóm học sinh rủ nhau đi tắm biển thuộc địa phận thôn thì không may bị nước biển cuốn trôi 4 em…
Đây chỉ là một số vụ đuối nước thương tâm và điển hình trong hàng trăm vụ đuối nước khác xảy ra với trẻ em Việt Nam hàng năm.
Bà Nguyễn Thị Chiên, Phó Vụ trưởng Vụ Thể thao quần chúng - Tổng Cục Thể dục thể thao cho biết, có nhiều nguyên nhân khiến tỷ lệ trẻ em tử vong vì đuối nước ở nước ta tăng cao, trong đó, phải kể đến điều kiện tự nhiên với hệ thống kênh ngòi, hồ đập dày đặc, bờ biển dài. Trong đó, có cả nguyên nhân trẻ em không biết bơi hoặc trẻ em biết bơi nhưng lại chưa có kiến thức, kỹ năng để phòng, chống đuối nước. Cùng với đó, tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi học sinh tiểu học, trung học cơ sở biết bơi còn rất thấp.
Một nguyên nhân rất quan trọng được bà Chiên chỉ ra, đó là trẻ em thiếu sự giám sát của người lớn, nhất là những khu vực nông thôn, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, hàng ngày, bố mẹ phải tập trung mưu sinh, không có thời gian quan tâm, giám sát con cái một cách chặt chẽ... Nhiều bố, mẹ còn chủ quan, lơ là trong việc quản lý con trong những ngày hè.
Ở một khía cạnh khác, bà Chiên cho rằng, trẻ em bị đuối nước còn phản ánh một thực trạng đó là thiếu sân chơi cho trẻ em. Những ngày nghỉ hè, do không có chỗ chơi nên các em thường tự tìm đến sông, suối, ao hồ, kênh, mương để đùa nghịch, trong khi những nơi này không có rào chắn, biển cảnh báo, biển cấm hoặc ở xa khu dân cư, ít người qua lại, nên khi trẻ rơi vào tình thế nguy hiểm không nhận được sự trợ giúp kịp thời của người lớn. Mặt khác, các em nhỏ không có điều kiện được học bơi và chưa có phong trào học bơi để bảo vệ bản thân… điều này dẫn đến tỷ lệ trẻ em tử vong do đuối nước ở nông thôn tăng cao.
Do đó, muốn giảm được tình trạng đuối nước, trước hết phải dạy trẻ biết bơi. Cùng với đó, cần dạy kỹ năng an toàn cho trẻ; dạy cho các em các kiến thức an toàn khi tham gia môi trường nước và nhận biết môi trường nước nguy hiểm để không xuống chơi, xuống bơi; giúp các em có kỹ năng nhận biết vùng nước sâu, nguy hiểm để phòng tránh.
Hiện nay, với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, sự thay đổi trong nhận thức của các bậc phụ huynh, những lớp học bơi phòng, tránh tai nạn đuối nước cho trẻ em đã được mở nhiều hơn trên tinh thần xã hội hóa, phối hợp của nhiều đơn vị cùng thực hiện và bước đầu cho thấy những hiệu quả tích cực.
Là một trong những trường học đã phổ cập môn bơi lội cho học sinh gần 10 năm nay, thầy Tạ Như Việt, Hiệu trưởng trường Tiểu học Lê Quý Đôn, (Phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, từ năm 2012, nhà trường đã triển khai phổ cập môn bơi lội cho học sinh. Vào mùa hè, nhà trường tổ chức câu lạc bộ bơi lội, đăng ký với các cung thể thao, bể bơi có uy tín trong quận, phối hợp với đội ngũ giáo viên là các thầy, cô giáo dạy môn thể chất của các câu lạc bộ để đào tạo các em. Ngoài ra, trong chương trình ngoại khóa của nhà trường cũng rất chú trọng môn thể thao này.
“Mục tiêu của nhà trường là đào tạo, huấn luyện cho học sinh biết bơi lội, biết xử lý các tình huống trong môi trường nước, điều này sẽ hạn chế được những rủi ro khi học sinh đi tắm sông, biển hay đi bơi. Cùng với đó, môn bơi lội cũng giúp học sinh phát triển toàn diện về cơ thể, do vậy, nhiều học sinh và phụ huynh rất quan tâm đến vấn đề này. Hiện tại, nhà trường đã xây dựng khu trải nghiệm riêng, ở đó có bể bơi lớn, tới đây, sẽ có cuộc thi bơi dành cho học sinh của trường. Trong chương trình giáo dục phổ thông mới năm học mới này sẽ có hoạt động trải nghiệm 3 tiết học bơi/tuần”, thầy Tạ Như Việt cho biết.
Về phía cơ quan chức năng, bà Nguyễn Thị Chiên cho hay: “Việc định hướng, dạy con trẻ biết bơi là vô cùng cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Chúng tôi sẽ triển khai các giải pháp đồng bộ. Trong đó, ngành Văn hóa - Thể thao - Du lịch sẽ tập trung vào giải pháp đó là phổ cập, dạy bơi cho các con trong các trường học, từ đó hạn chế tình trạng đuối nước, đồng thời, dạy các kiến thức kỹ năng để các con an toàn trong môi trường nước. Khi trẻ có kỹ năng sống và kỹ năng ứng phó để tự cứu mình trong những tình huống nguy cấp thì nỗi lo của cha mẹ cũng vơi bớt đi phần nào”.
Đuối nước ở trẻ vị thành niên luôn tiềm ẩn nguy cơ cao, vì vậy, việc cần thiết nhất vẫn là gia đình cần quan tâm, nhắc nhở các em biết những nguy cơ có thể gây ra tai nạn, nên bơi lội ở đâu để đảm bảo an toàn. Cùng với đó, rất cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương trong việc kiểm tra, rà soát, kịp thời cảnh báo và khắc phục ngay các địa điểm, công trình tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, dễ gây tai nạn cho trẻ... giúp trẻ em có một mùa hè đúng nghĩa./.