Có một thông tin nhói lòng được nhắc đi nhắc lại nhiều năm gần đây khiến chúng ta không khỏi giật mình: Mỗi năm ở nước ta có hơn 10.000 người chết và ngần ấy người bị thương do tai nạn giao thông. Vì sao tai nạn giao thông lại trở thành thảm họa đau lòng đến vậy ở một quốc gia hòa bình, được coi là điểm đến thân thiện của bạn bè quốc tế?

Đã có nhiều ý kiến phải coi tai nạn giao thông là “thảm họa quốc gia”; thảm họa ngang với sóng thần; là quốc nạn, ngang bằng với sự mất mát trong chiến tranh… Ai có thể đẩy lùi thảm họa tai nạn giao thông? Câu trả lời: chính mỗi người trong cộng đồng sẽ làm được việc này, bởi các cấp chính quyền, đoàn thể có thể đẩy mạnh tuyên truyền hoặc ra quân kiểm tra phương tiện, tăng mức xử phạt… bao nhiêu đi chăng nữa cũng sẽ không nhiều tác dụng, nếu mỗi người không tự ý thức được “thảm họa” đang rình rập chính mình.

Một vấn đề cũng cần nhắc tới là văn hóa giao thông. Có người dự báo, phải mất một thời gian dài nữa, chúng ta mới có văn hóa giao thông thực sự. Vậy thời gian nữa là bao nhiêu năm, và ngần ấy năm sẽ có bao nhiêu người nữa thương vong? Phải chăng đó là cái giá quá đắt?

tai-nan222.jpg

Vụ tai nạn ở cầu Serepok khiến 34 người chết tại chỗ (Ảnh: NLĐ)

Nhưng trên thực tế, không hẳn như vậy, vì văn hóa giao thông cũng rất gần gũi với mỗi người trong cộng đồng. Đó là hành động tự giác chấp hành luật lệ, là hành động nhường nhịn nhau trên đường; là nụ cười hoặc cái bắt tay thân thiện thay vì “xưng hùng xưng bá” nếu chẳng may có va chạm giao thông…

Và để nâng cao ý thức tham gia giao thông thì việc việc xử phạt phải thật nghiêm. Có thể nói, hệ thống luật lệ đã được ban hành khá đầy đủ, với hàng loạt quy định tới từng chi tiết về từng hành vi vi phạm và mức xử phạt. Chỉ cần lực lượng thực thi công vụ thượng tôn pháp luật, không loại trừ bất cứ một ai, giúp cho sự công tâm, công bằng trong xử phạt vi phạm giao thông thật nghiêm túc, không bị bẻ cong.

“Phía trước tay lái là sự sống”; “Hãy lái xe bằng cả trái tim”; “Nói không với rượu bia trước khi lái xe”; “Hãy đội mũ bảo hiểm, thắt dây an toàn; kiểm tra xe trước khi lên buồng lái”; “An toàn mọi lúc, hạnh phúc mọi nơi”… đều là những lời kêu gọi tha thiết, gần gũi và rất dễ thực hiện với tất cả mọi người.

Những lời kêu gọi ấy không ở đâu xa, mà ở ngay trong mỗi trái tim tình cảm, có trách nhiệm trước sinh mạng của chính mình và người khác. Lời kêu gọi ấy muốn nhắn nhủ với tất cả mọi người trước khi tham gia giao thông một điều: Hãy nghĩ đến sự an toàn của mình, nghĩ đến sự mong đợi của người thân trong gia đình, anh em, bè bạn và sự an toàn của những người đồng hành khác. Nếu ai đó còn hững hờ, vô cảm với những lời kêu gọi ấy, còn đùa giỡn với sự an toàn của mình và người khác trên đường đi rồi gây ra tai nạn, thì sẽ bị cộng đồng lên án, coi đó như một tội ác không có cơ hội chuộc lại lỗi lầm.

Sau tai nạn là những ám ảnh, dằn vặt về tinh thần. Trong tận cùng sự đớn đau, đã có rất nhiều người phải hối hận: “giá mà tôi cẩn thận hơn”, “giá như lúc đó tôi bình tĩnh hơn”, “giá như tôi không uống rượu bia trước khi lái xe”... vì thực tế có người đã “nhanh một phút để chậm cả đời”.

Thay vì hối hận muộn màng của những người gây ra tai nạn, mỗi chúng ta cần biết cách tự bảo vệ bản thân, gia đình mình và cộng đồng bằng cách tham gia giao thông bằng ý thức tự giác, để ngày càng bớt đi những đau thương mất mát vì tai nạn giao thông.

Ngày tưởng niệm nạn nhân tai nạn giao thông muốn truyền đi một thông điệp: Những người đang sống, hãy hành động cho chính mình và cộng đồng; hãy tự mình góp sức đẩy lùi thảm họa tai nạn giao thông, để mỗi khi rời khỏi nhà rồi trở về - mỗi chúng ta đều được an toàn, vì “An toàn giao thông là hạnh phúc của mọi nhà”./.