Phó Tổng Giám đốc Ngô Minh Hiển vui mừng chào đón hai vợ chồng Giáo sư Trần Thanh Vân và Giáo sư Lê Kim Ngọc cùng đoàn ICISE tới thăm Đài Tiếng nói Việt Nam. 

“Trong nhiều năm qua, VOV đã có nhiều chương trình về hai giáo sư. Nhân dịp hai giáo sư về Việt Nam và thăm VOV, đây là vinh hạnh của VOV khi được đón những người con yêu quê hương trở về. Có một câu nói nổi tiếng của giáo sư mà tôi đọc trên báo nhiều năm, đó là: "Nếu tôi còn sức thì tôi còn yêu Việt Nam và một nhà khoa học không còn gì mong muốn hơn là được cống hiến cho quê hương đất nước. Hôm nay, VOV rất vui mừng được đón vợ chồng giáo sư đến thăm và làm việc”, Phó Tổng Giám đốc Ngô Minh Hiển nói.

Phó Tổng Giám đốc Ngô Minh Hiển giới thiệu với hai giáo sư về quá trình xây dựng và phát triển của Đài TNVN hiện nay, đồng thời cảm ơn hai giáo sư đã dành thời gian hỗ trợ thông tin, trả lời phỏng vấn trong các chương trình của VOV thời gian qua, để khán giả, thính giả, độc giả của Đài cả trong nước và quốc tế hiểu hơn về các hoạt động nghiên cứu khoa học, cũng như các chương trình hỗ trợ trong lĩnh vực đào tạo cho học sinh, sinh viên Việt Nam.

Phó Tổng Giám đốc Ngô Minh Hiển khẳng định, đối với tâm huyết của hai giáo sư với Việt Nam cũng như trung tâm khoa học nghiên cứu ở Bình Định và hàng chục nghìn suất học bổng bền bỉ trong 20 năm qua, đó là đóng góp vô giá cho nước nhà.

Giáo sư Trần Thanh Vân và Giáo sư Lê Kim Ngọc bày tỏ sự vui mừng và cảm ơn trước sự đón tiếp của lãnh đạo và đội ngũ làm báo VOV.

Giáo sư Trần Thanh Vân chia sẻ, ông cảm thấy hết sức may mắn khi được ra nước ngoài học tập và trở về đóng góp cho đất nước, đồng thời gửi lời cảm ơn đến những người bạn đã hỗ trợ hai vợ chồng giáo sư trở về Việt Nam.

Giáo sư Trần Thanh Vân khẳng định: “Mình còn sức chừng nào thì còn cống hiến cho đất nước chừng ấy”.

Giáo sư cho biết, hai vợ chồng ông mong muốn Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục Liên ngành (ICISE) sẽ trở thành nơi gặp gỡ, trao đổi của các nhà khoa học thế giới và các nhà khoa học Việt Nam, từ đó giúp nền khoa học nước nhà tiến xa hơn. 

“Chúng tôi rất vui mừng khi thấy sự phát triển của Việt Nam. Đó là sự phát triển mà chúng tôi không thể tưởng tượng được. Tất cả những người nước bạn mà chúng tôi gặp gỡ đều khâm phục trước sự tiến bộ của Việt Nam, nhất là về mặt kinh tế”, Giáo sư Trần Thanh Vân chia sẻ. Ông mong muốn Việt Nam sẽ ngày càng vững mạnh và phát triển hơn nữa.

Hai giáo sư cũng khẳng định sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động cầu nối đưa các nhà khoa học, chuyên gia uy tín đến Việt Nam để trao đổi kinh nghiệm với các nhà khoa học ở Việt Nam, cũng như gặp gỡ, truyền cảm hứng nghiên cứu khoa học cho các sinh viên; đồng thời tiếp tục tổ chức các hoạt động gây quỹ, trao học bổng cho học sinh, sinh viên. 

Với vai trò là cơ quan truyền thông chủ lực, đa phương tiện của quốc gia, thời gian qua, VOV đã đưa thông tin kịp thời về hoạt động nghiên cứu khoa học và các hoạt động của Hội Bảo trợ Trẻ em Việt Nam, của Tổ chức “Gặp gỡ Việt Nam”, của Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành, chương trình học bổng Gặp gỡ Việt Nam - Vallet… mà 2 giáo sư tham gia đến với đông đảo người dân trong nước và quốc tế.

Hai giáo sư mong muốn, thời gian tới, VOV sẽ tiếp tục hỗ trợ truyền thông cho các hoạt động này để nhiều người dân Việt Nam được tiếp cận với các chương trình này. 

Phó Tổng Giám đốc Ngô Minh Hiển cho biết, VOV sẵn sàng đồng hành cũng như hỗ trợ hai giáo sư và trung tâm về mặt truyền thông đối với các dự án của hai giáo sư trong thời gian tới.

Giáo sư Trần Thanh Vân: Ông là giáo sư ưu tú của Đại học Paris XI (Orsay, Pháp), Giám đốc nghiên cứu Viện nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (CNRS). Ông là người thứ 2 của Pháp và là người gốc Á thứ 3 được Hội Vật lý Mỹ trao tặng Huy chương Tate năm 2012 dành cho những đóng góp dẫn dắt ngành Vật lý của thế giới (International Leadership in Physics) trong nhiều thập niên; đã được Chính phủ Pháp trao Huân chương Công trạng Quốc Gia năm 1995 và Huân chương Bắc đẩu Bội tinh năm 1999; Chủ tịch nước Việt Nam trao tặng Huân chương Hữu nghị năm 2015.

Giáo sư Lê Kim Ngọc - Chủ tịch “Hội Bảo trợ Trẻ em Việt Nam”. Giáo sư sinh học Lê Kim Ngọc là người đầu tiên trên thế giới đưa ra khái niệm "lát mỏng tế bào" (Thin Cell Layer) tạo ra bước phát triển cách mạng trong công nghệ sinh học thực vật. Một trong công trình khác của bà gây chấn động là nghiên cứu khám phá quy luật của quá trình nở hoa ở thực vật. Những năm 1970, các báo, tạp chí Pháp nhắc đến công trình của bà như "cuộc cách mạng trong thực vật", "khi rễ cây nở hoa", "bắt phong lan nở hoa theo đơn đặt hàng".

Vợ chồng giáo sư gặp nhau vào năm 1958 tại buổi hoạt động giúp đỡ sinh viên Việt Nam tại Paris (Pháp) và kể từ đó, luôn sát cánh bên nhau trong các hoạt động hướng về quê hương.

Vì những đóng góp không mệt mỏi cho khoa học và cho trẻ em mồ côi Việt Nam, năm 2016, bà được Tổng thống Cộng hòa Pháp - François Hollande - trao tặng Huân chương hiệp sĩ Bắc đẩu Bội tinh.

Tổ chức “Gặp gỡ Việt Nam”: Xuất phát từ niềm đam mê khoa học và mong muốn kết nối các nhà nghiên cứu khoa học, Giáo sư Trần Thanh Vân đã sáng lập ra các cuộc gặp gỡ khoa học Morion, Blois và năm 1993, thành lập tổ chức “Gặp gỡ Việt Nam” – một hiệp hội phi chính phủ và phi lợi nhuận.

Trong 30 năm, Hội đã tổ chức 19 lần chuỗi các hội nghị khoa học quốc tế “Gặp gỡ Việt Nam” làm cầu nối giao lưu khoa học giữa cộng đồng khoa học Việt Nam và quốc tế; đón 18 Giáo sư đạt giải Nobel, 1 Giáo sư đạt giải Fields và nhiều nhà khoa học danh tiếng khác đến với Việt Nam.

Hội đã tài trợ tổ chức hơn 60 lớp học quốc tế để đào tạo nhân lực khoa học chất lượng cao cho Việt Nam và giúp đỡ các sinh viên, nghiên cứu viên trẻ có cơ hội tiếp xúc, học hỏi các giáo sư giỏi, tìm kiếm các cơ hội làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài.