Cách đây hơn mười ba năm, khi gia đình tan vỡ, sự nghiệp lao dốc không phanh, đang ở vào tình trạng bế tắc, tiêu cực, tôi đã tình cờ nghe được lời động viên từ một người bạn thời đại học gửi qua radio cho mình, bằng quà tặng âm nhạc.

Nếu bạn là fan của những chương trình "quà tặng âm nhạc" trên các đài địa phương, thì sẽ biết hình thức gửi tặng cho bạn bè, người thân một bài hát kèm theo lời nhắn.

Thời gian đó, tôi không ngủ được nên thường nghe đài vào buổi tối, và nghe đến khuya. Chương trình tôi luôn mong chờ là “Đọc Truyện Đêm Khuya”. Nhưng có lẽ vũ trụ muốn tôi biết mình không đơn độc, nên vào một trưa vắng, khi đang rà tần số đài Tiếng Nói Việt Nam cho mẹ nghe thì tôi lại bỗng dưng nghe phát thanh viên của một đài địa phương Đông Nam Bộ đọc rõ họ tên mình, và họ tên của cậu bạn.

“Dù vất vả thế nào, khó khăn ra sao, bạn K cũng sẽ vượt qua được mà! Tôi luôn tin bạn K là người mạnh mẽ.”

Tôi oà lên khóc, sau nhiều tháng cố nuốt nước mắt vào trong. Cảm giác mệt nhọc, bất lực, cô độc vẫn dày vò tôi suốt, lúc ấy bỗng nhiên được giải tỏa, nhẹ lòng đi rất nhiều.

"...Qua dầm dề mưa tuyết, mới vui ngày nắng về,

Có một thời khóc than, mới hiểu đời đá vàng."

("Đời Đá Vàng" - Vũ Thành An)

Cùng với lời nhắn đó, bạn tôi gửi tặng "Đời Đá Vàng" của nhạc sĩ Vũ Thành An, bài hát mà tôi yêu thích. Bạn chắc không bao giờ ngờ rằng quà tặng của mình đến không thể đúng lúc hơn, vì nó đã vực dậy một người thật sự kiệt quệ về tinh thần. Liên tục gần một tháng trước đó, không biết bao nhiêu lần tôi từng đứng nhìn dòng nước chảy xiết, tự hỏi làm sao để được yên thân. Như bất cứ người tuyệt vọng nào, khi không còn yêu thương bản thân nữa, tôi đã vô cùng chông chênh.

"Luôn sẽ có một cánh cửa nào đó chờ bạn mở, khi cánh cửa cũ đóng lại, nên hãy kiên nhẫn với mình thêm chút nữa nhé. Bạn sẽ vượt qua được."

Tiếng phát thanh viên động viên cho tôi thấy mình không vô hình, mình vẫn có ý nghĩa với gia đình, hay bè bạn; và rằng mỗi một sự hiện diện đều có giá trị. Tôi nhận ra ở vào thời điểm đau lòng nhất, buồn khổ nhất, chỉ cần có ai đó nói lời ái ngữ, hoặc kiên nhẫn nghe mình nói, tin tưởng mình, chỉ cho mình thấy còn nhiều điều đáng hy vọng, thì năng lượng tiêu cực sẽ dần bị đẩy lùi. Nhờ mẩu tin nhắn và quà tặng âm nhạc từ bạn cũ, tôi đã bình tâm và sống tốt hơn trước rất nhiều.

Có thể nói, đó là lần đầu tiên tôi thấy thật lòng yêu quý radio, và một chương trình phát thanh cụ thể.

Nhớ ngày còn học đại học, khi tham gia chiến dịch “Mùa Hè Xanh”, có dịp đến những địa phương vẫn hay được gọi là “vùng sâu vùng xa”, chứng kiến các bác, các chú, các dì… ôm chiếc đài mỗi lúc rảnh rỗi, tôi chỉ nghĩ về radio như phương tiện truyền bá thông tin, giúp nâng cao hiểu biết pháp luật và xã hội, thỏa mãn một phần nhu cầu giải trí của người dân, khi sóng wifi và tivi không có; chứ không hề để ý đến giá trị nhân văn từ các chương trình phát thanh.

Cho đến khi chính mình được nâng đỡ tinh thần bằng quà tặng âm nhạc, tôi bắt đầu cảm nhận được ý nghĩa xã hội to lớn của các chương trình mới nghe qua tưởng chỉ mang tính giải trí, nhưng kỳ thực rất tích cực, và ích lợi đối với cộng đồng.

Tôi bắt đầu nghe nhiều chương trình hơn, như chương trình giao thông, nơi các tài xế có thể chia sẻ thông tin về những gì đang xảy ra trên đường, giúp những người khác tránh được nhiều rắc rối, giảm gánh nặng cho lực lượng chức năng. Tôi cũng trở thành thính giả quen thuộc của các chương trình tư vấn tâm lý, pháp luật, sức khỏe và học ngoại ngữ trên radio.

Cùng với thời gian, tôi nhận ra việc chỉ nghe thông tin mà không bị chi phối bởi hình ảnh đem lại những cảm xúc rất đặc biệt. Nó giống như bạn trải nghiệm nghe CD thay vì xem MV của một bài hát. Do không còn phải chăm chú vào màu sắc, bối cảnh, ngoại hình ca sĩ, hay diễn xuất của các diễn viên..., bạn sẽ tập trung hơn vào âm thanh, và cảm nhận về bài hát vì thế sẽ có chiều sâu nhất định. Cảm nhận đó cũng đúng với các thông tin xã hội, phổ biến kiến thức, tư vấn, hay các tác phẩm văn hóa - văn nghệ.

Cuộc sống càng áp lực, như cầu tương tác càng bị giảm thiểu, nên việc được nghe nhau nói sẽ giúp cho mỗi chúng ta giữ thăng bằng cảm xúc tốt hơn. Radio thật sự đã làm tốt điều này, hơn bất kỳ phương tiện truyền thông nào khác, thậm chí vượt cả truyền hình.

Vì sao?

Vì không công khai hình ảnh, cho phép khán thính giả dám nói, dám thổ lộ hơn. Người nói và người nghe đều sẽ từ bỏ được mối quan tâm đối với vẻ ngoài để tập trung vào những vấn đề bên trong của mình, của mọi người, của xã hội. Vì lẽ đó, liên kết giữa người với người cũng sẽ thực thà hơn, đáng tin hơn.

13/02 là Ngày Phát thanh Thế giới, tôi gửi bài viết này như một nghĩa cử biết ơn đến một trong những phương tiện thông tin kỳ diệu nhất của xã hội chúng ta. Dù mỗi ngày, các phương tiện truyền thông càng tiến bộ, người ta quan tâm đến các trải nghiệm nặng tính hình thức hơn, thực dụng hơn, nhưng radio vẫn sẽ có các khán thính giả trung thành của nó.

Tôi gọi tôi và nhóm khán thính giả này là những người thích nghe, thích được nghe, và chia sẻ.