Thanh xuân là khoảng thời gian đẹp nhất trong cuộc đời mỗi con người, thanh xuân được ví như cơn mưa rào mà ai cũng muốn ướt thêm một lần nữa. Vậy thanh xuân của bạn có gì? Còn tôi đó là nghe đài FM một thời và bây giờ vẫn như thế.

Là thế hệ 6x, tôi bắt đầu nghe Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN) từ rất lâu khi quê tôi vẫn chưa có điện lưới quốc gia. Những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, nhà tôi có cái radio cũ kỹ hình chữ nhật to bằng viên gạch mà tôi cũng chẳng nhớ nhãn hiệu gì, chạy bằng 2 cục pin to hiệu “con thỏ”, phía trên đầu gắn cây ăng ten có thể điều chỉnh thu ngắn lại hoặc kéo dài ra.

Vào buổi sáng sớm, khi bật đài lên, câu xướng“Đây là Tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, thủ đô nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, liền sau đó là nhạc hiệu đã trở nên rất đỗi quen thuộc với nhiều thính giả. Sau khi nghe tin tức buổi sáng xong thì tắt đài, anh em tôi đi học, còn cha mẹ đi làm đồng áng. Vào buổi tối chỉ có cái đài nhỏ làm bạn. Bên bữa cơm đạm bạc thắp ngọn đèn dầu, cả nhà quây quần vừa ăn cơm vừa lắng nghe tin tức thời sự, văn nghệ, kể chuyện cảnh giác...

Kỷ niệm nhớ nhất là vào mùa mưa bão, năm nào cũng vậy cứ vào độ tháng 8, tháng 9 âm lịch là quê tôi đón vài cơn bão, kèm theo lụt lội. Nhớ những khi nghe đài FM báo bão, thông tin về cơn bão, là cả nhà tôi lại tất bật chuẩn bị, mẹ đi mua thêm gạo, mì tôm, mì chính nước mắm... nhất là mấy hũ mắm cà vì trời lụt mà được ăn cơm với mắm cà thì ngon tuyệt. Tôi phụ giúp mẹ chuẩn bị ít củi khô chất cao trên chạn bếp, mua đèn, dầu; rồi gom giày dép, áo quần sách vở và những vật dụng trong nhà cho sẵn vào bao nilông vì sợ khuya nước lớn đồ đạc trôi mất. Ở quê tôi hầu như nhà nào cũng làm một cái gác bằng gỗ để ngồi tránh lụt. Khi lụt về mọi sinh hoạt đều diễn ra trên cái gác gỗ rộng mấy m2 đấy và vừa tránh lụt vừa nghe đài để cập nhật thêm thông tin. Nhưng khổ nổi gặp khi thời tiết xấu ngoài trời gió hun hút đập lá cây xào xạc, âm thanh của Đài cũng rè đi, tiếng loẹt xoẹt đè lên âm thanh chính, lúc ấy chúng tôi mở volume to hơn, căng tai lên để nghe. Mỗi khi thấy sóng thu được không tốt thì tôi lại kéo dài cái ăng ten và xoay tứ phía để tìm vị trí có âm thanh tốt nhất.

Rồi kỷ niệm những lần nghe đài FM ở góc bếp. Bếp của nhà tôi ngày xưa giản dị lắm, chỉ là là một cái kiềng ba chân. Phía trên bếp, mẹ làm thêm một cái giàn bằng tre để chất củi. Mùa mưa củi ẩm ướt có khi khói cay xè mắt. Xung quanh bếp mẹ treo những hạt giống khô để khi đến mùa đem gieo. Đơn giản, mộc mạc, nhìn thấy gian bếp là thấy luôn cả nỗi vất vả của gia đình tôi thuở xưa. Tôi thích cái góc bếp ấy nhất là vào những ngày Tết hay mùa rét. Một khoảng không gian tôi tối mà ấm áp đến lạ thường. Vì tôi sợ rét, nên mỗi lần mẹ nhóm bếp là tôi bắc cái đòn gỗ ngồi bên cạnh phụ giúp mẹ đun lửa nấu nước, nấu cám lợn và dĩ nhiên vừa đun củi vừa nghe đài FM với biết bao thông tin, chương trình hay thú vị. Tôi luôn nhớ giọng nói của các phát thanh viên và nhạc hiệu của Đài TNVN đã in sâu trong tâm trí đến nỗi thuộc lòng. Tôi không thể kể hết những chương trình mà mình đã từng nghe, nhưng có những chương trình mà tôi đặc biệt yêu thích đó là: Kể chuyện cảnh giác vào tối thứ 7, Ca nhạc theo thư yêu cầu, Tiếng thơ, Đọc truyện đêm khuya (khoảng 10 giờ đêm), Văn nghệ quân đội vào sáng chủ nhật, Tường thuật bóng đá (vào chiều chủ nhật)... Đặc biệt đêm giao thừa, nghe lời chúc Tết của Chủ tịch nước qua sóng FM. Lúc đó các chương trình Tết chỉ có nghe đài chứ không có nhiều chương trình truyền hình như bây giờ. Tôi rất thích ngồi đó nghe đến bao lâu cũng không thấy chán. Từ góc bếp ấy đã dệt lên một ký ức thanh xuân còn lưu giữ nơi tâm hồn tôi mãi cho đến giờ. 

Bước vào những năm 2000, lúc đó quê tôi đã có điện phủ trên diện rộng, nhà tôi sắm một cái máy casette. Và thế là chúng tôi chuyển từ nghe đài chạy bằng 2 cục pin to sang nghe casette chạy bằng điện. Tôi nhớ hồi ấy trên Đài TNVN có chuyên mục “Ca nhạc quốc tế theo yêu cầu”, cô phát thanh viên đọc thư của thính giả khắp nơi trên cả nước gửi về và phát những bài hát theo yêu cầu của thính giả. Các bài hát quốc tế rất hay, đặc biệt là giọng nói của phát thanh viên rất truyền cảm, gần gũi và thân thiện.

Mặc dù chẳng giỏi tiếng Anh nhưng mỗi lần nghe những ca khúc quốc tế vang lên tự dưng tôi rất thích và cảm thấy vui vẻ. Tôi thích nhất các ca khúc của ban nhạc ABBA, Boney M, Modern Talking… Thế là tôi bỏ tất cả việc nhà chăm chú nghe những ca khúc quốc tế một cách say sưa, khi nào hết chương trình thì thôi. Ngôi nhà cũng rộn rã hẳn lên. Nhiều người không có điều kiện mua casette cũng sang nhà tôi nghe nhờ, từ đó tình cảm bà con, láng giềng cũng gần gũi, gắn bó hơn.

Trong số các ca khúc của ban nhạc Boney M, có lẽ ca khúc Daddy Cool với ca từ Daddy, Daddy Cool/ Daddy, Daddy Cool..." rất gần gũi, dễ nhớ dễ thuộc và gắn với chiếc xe máy Chaly nhất - được coi là dòng xe máy "nữ hoàng" của thời bao cấp. Chính vì thế nhiều người không biết tiếng Anh khi ấy đã đọc “chệch” tên bài hát thành "Chaly cúc cu" cho dễ nhớ, và hát theo giai điệu là "Chaly... Chaly cúc cu... Chà lỳ... Chà lỳ cu...".

Đài FM trong tôi là như thế ấy, đến nay hơn 30 năm kể từ lần đầu được nghe Đài TNVN, tôi không biết mình nghe theo sở thích hay là thói quen nữa, chỉ biết rằng đài FM của Đài TNVN không thể thiếu trong cuộc sống của tôi.

Ngày nay, người dân có thể dễ dàng nghe Đài TNVN trên mạng Internet, điện thoại di động… Giờ đã có tuổi, tôi vẫn là thính giả trung thành của Đài TNVN. Và Đài là người bạn gần gũi đồng hành với tôi. Tôi có thể nghe Đài TNVN mọi lúc mọi nơi, trong lúc lái xe ô tô đi làm hoặc vừa tưới cây, đeo tai nghe Đài TNVN…mang đến cho tôi sự phong phú về tâm hồn trong cuộc sống.

Dẫu thời gian có trôi đi nhưng đài FM trong tôi vẫn không hề thay đổi. Thời gian trôi qua, chiếc đài đã không còn nghe được nữa nhưng tôi vẫn cẩn thận cất giữ nó để làm kỷ niệm trong cuộc đời. Mỗi lần ngắm nhìn chiếc đài phủ đầy bụi dấu thời gian, tôi nhớ quê những năm tháng chưa có điện, âm thanh của đài phát ra mỗi sáng như đánh thức mọi người một ngày mới. Nhiều lần vợ và các con bảo “sao ba không bán đồng nát đi cho đỡ chật nhà?”. Bán làm sao được. Chiếc đài ấy trở thành kỷ vật riêng tôi, đã lưu giữ giúp tôi bao hồi ức mà đôi lúc tôi cứ ngỡ mình đã quên đi giữa dòng đời xuôi ngược. Chiếc đài lấp đầy những thiếu thốn về mặt tinh thần trong giai đoạn khó khăn chung của đất nước và dệt nên những thăng hoa cảm xúc mơ màng theo những giai điệu, những câu chuyện nhân văn. Cảm ơn chiếc đài nhỏ hàm chứa bao ý nghĩa, bao kỷ niệm thổn thức một thời, nghe vọng về thanh âm của khoảng trời ký ức thanh xuân.