Hồn quật khởi của núi sông vào trong bài giảng của tôi sống động, quá khứ một thời Hà Nội giữ đất giữ trời bất khuất hiện ra theo giọng đọc huyền thoại NSND Tuyết Mai, nữ phát thanh viên của Đài Tiếng nói Việt Nam.

Khi bầu trời Hà Nội rung chuyển bởi khói bom rải thảm, Đài phát thanh Mễ Trì chịu đựng hàng ngàn tấn bom B52 suốt 3 ngày đêm, Học viên tĩnh lặng lo lắng theo nhịp phim trích dẫn. Bên hố bom tấn và trong khói bom chưa tan, vượt lên tiếng pháo rít ngang trời, giọng đọc NSND Tuyết Mai vang lên: “Đây là tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, Thủ đô nước Việt Nam dân chủ cộng hòa”. Nhà đổ đất cày nhưng Tiếng nói Việt Nam vẫn phát đi từ Hà Nội, tiếng nói đĩnh đạc của Nhân dân ta, như Hà Nội và Tổ quốc Việt Nam.

Học viên của tôi sau giờ giải lao vẫn hỏi về giọng đọc cô cho nghe trong bài giảng… Đó là một giọng đọc huyền thoại chúng ta còn gặp dọc chiều dài lịch sử đất nước, tôi đặc biệt để học viên của mình nghe lại giọng đọc Tuyết Mai trong các sự kiện trọng đại: Bản tin Bác Hồ mất tại Hà Nội, bản tin chiến thắng ngày 30/4/1975, bản tin thời sự đặc biệt phát lệnh Tổng động viên bảo vệ Biên giới phía Bắc năm 1979. Trong giọng đọc của bà có hồn của sông của núi, có nét kiêu hãnh của một thời cha ông giữ bờ cõi, thổi thêm những tự hào, trầm ngâm trong bài giảng của tôi, thôi thúc đến học viên những tình cảm với Đảng, với Bác, với Tổ quốc chúng tôi đang tiếp bước xây dựng bảo vệ.

Nhắc đến NSND Tuyết Mai là nhắc đến giọng nữ phát thanh đặc biệt trong nhiều thế hệ bạn nghe đài, quen thuộc với một người tham gia giảng dạy lịch sử như tôi. Trong xu thế ứng dụng đa phương tiện vào bài giảng, với lịch sử và sự kiện, giọng đọc Tuyết Mai có trong những bản tin hào hùng và đanh thép với cách truyền tải thông điệp uy tín và rất riêng. Chất giọng ấy đã in dấu ở nhiều sự kiện trọng đại của đất nước. Chất giọng ấy cũng đã trở thành một phần yêu thích trích dẫn minh họa trong các bài giảng của tôi mà học viên rất mong chờ như thêm hoa, thêm lụa, thêm hồn núi sông trong mỗi sự kiện trọng đại. Giọng đọc của bà đối với các vấn đề lịch sử xã hội đặc biệt là các sự kiện lịch sử trọng đại trầm hùng và có sức hút, với một người hâm mộ chất giọng đẹp của bà như tôi thì khó có giọng đọc phát thanh nào có sức hút thay thế được. Từ cách nhả chữ, nhấn nhá, khả năng tái hiện hình ảnh trong lời tin, thanh âm khiến giọng đọc như vẽ, như họa nên sự kiện. Chính yếu tố đó khiến các giáo viên lịch sử như chúng tôi trong những điểm nhấn của bài giảng thích minh họa bởi giọng đọc của bà trên sóng phát thanh.

Cũng có lẽ do yếu tố giọng đẹp, giọng chuẩn, tâm huyết, trách nhiệm với nghề trong hoàn cảnh lịch sử đặc biệt nên giai đoạn 1945-1980 chúng ta dễ gặp giọng đọc Tuyết Mai trong những bản tin đặc biệt của lịch sử. Bà trở thành một phần của tư liệu lịch sử dân tộc, lịch sử Đảng trên sóng phát thanh mà nhiều giáo viên như tôi tìm kiếm trong quá trình giảng dạy của mình. Điều đặc biệt là những tư liệu ngắn mà tôi giới thiệu qua giọng đọc của bà tạo nên hứng thú tìm hiểu sâu hơn, khơi vẽ nên niềm tự hào về truyền thống vẻ vang của dân tộc, của Đảng trong mỗi học viên.

Thời chống Mỹ, trong các buổi phát thanh thời sự, chính luận của bà cùng với các giọng phát thanh đương thời, giọng đọc Tuyết Mai đã làm nức lòng đồng bào, chiến sĩ cả nước. Từ chiến trường trong lòng địch đến những khu căn cứ, các trạm vận chuyển dọc Trường Sơn đã làm hân hoan lòng quân dân, thôi thúc bước chân hành quân, tin vào ngày chiến thắng sẽ đến, tin vào con đường Đảng và Nhân dân ta đã lựa chọn. Khi giọng đọc ấy cất lên, thông tin tuyên truyền không chỉ chạm vào trái tin, khối óc của đồng bào và chiến sĩ mà chạm vào nỗi chờ mong, sự sắt son còn mãi. Nơi đó những bà mẹ hạnh phúc vì ngay mai chiến thắng con trai sẽ trở về, những mối tình thủy chung Bắc - Nam nhen lên hi vọng về ngày gặp lại người thương sau vết xước của Trường Sơn, nỗi đau của những dòng sông bởi chiến tranh.

Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử dành thắng lợi, non sông liền một dải. Máu xương của cha ông nhiều thế hệ dệt nên chiến thắng. Tin chiến thắng lẫy lừng từ Sài Gòn qua giọng đọc Tuyết Mai mang hạnh phúc, hi vọng, sự chờ đợi trong người người vợ, người mẹ nghẹn ngào. “Chiến dịch Hồ Chí Minh đã toàn thắng. Thành phố Sài Gòn đã hoàn toàn giải phóng. Cờ Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã tung bay trên nóc phủ Tổng thống Ngụy quyền…”. Dù là bản tin đọc lại theo ghi nhận của lịch sử nhưng giọng đọc ấy với những người làm công tác giảng dạy và tuyên truyền như chúng tôi vẫn là một tư liệu lịch sử quý báu. Giọng đọc nhả chữ rất riêng, mang niềm kiêu hãnh, đem cả hành trang chiến thắng của một đoàn quân lớp “lớp cha đi trước lớp con sau”

Trải qua những đổi thay của thời cuộc, trong bài giảng của tôi phát lên 2 lần giọng đọc của bà trong nhạc hiệu phát thanh quốc gia khi đã thay đổi tên nước sau năm 1976. “Đây là Tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, thủ đô nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Bản tin thời sự đặc biệt sáng thứ 2 ngày 5/3/1979 mở đầu bằng giọng Tuyết Mai đọc toàn văn lời kêu gọi của Ban chấp hành Trưng ương Đảng gửi đồng bào và chiến sĩ cả nước. Khi lời kêu gọi cất lên: “Hỡi đồng bào và chiến sĩ yêu quý: Quân thù đang giày xéo non sông đất nước ta…”. . Những học viên thế hệ hôm nay như sống lại những ngày tháng hiên ngang ra trận giữ bờ cõi, như hiện lên tinh thần của những lớp người còn mang trên mình những vết thương chưa lành vẫn hiên ngang ra chiến trường. Đặc biệt yêu thích truyền tải giai đoạn lịch sử chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, trong các bài giảng của mình tôi gợi nên khát vọng thịnh vượng cho học viên mình, những khoảng trời yên bình mà thanh cao, chính vì vậy đôi lúc nhấn trong bài giảng của mình, vang lên giọng đọc Tuyết Mai trong các sự kiện lịch sử trọng đại góp phần tạo nên niềm thôi thúc rất tích cực trong người học. Giá trị to lớn, vẻ vang trong sứ mệnh của phát thanh là tính giáo dục, góp phần tạo nên nhân sinh quan tốt đẹp trong nhiều thế hệ, chung tay xây dựng một xã hội tốt đẹp. Trong sứ mệnh cao cả ấy, một thời giọng đọc vàng Tuyết Mai đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng quân dân cả nước. Giọng đọc ấy vẫn theo dấu chúng tôi trong hiệu quả tuyên truyền, giáo dục trong mỗi bài giảng của mình.

Năm 2022, giọng đọc thân quen trong các bài giảng của tôi về trời, nỗi nhớ niềm thương còn mãi. Một thời lịch sử non sông qua giọng đọc bà hào hùng và vọng vang mãi mai sau. Dù NSND Tuyết Mai đã ra đi nhưng bạn nghe đài, những người yêu lịch sử như tôi vẫn gặp được bà qua giọng đọc thân quen trong nhạc hiệu chương trình phát thanh, trong các sự kiện lịch sử một thời máu và hoa của dân tộc. Nhiều thập kỷ trôi qua, dường như chưa ai thay thế được giọng đọc ấy, rất riêng, rất đẹp và đầy sự kiêu hãnh, trong sáng của Tiếng Việt, tạo nên một nét văn hóa một thời của phát thanh, đặt dấu chuẩn mực cho một trong những đặc thù nghề nghiệp về những giọng nói đẹp truyền tải hồn của đất, hương của trời, nét đẹp của non sông trên sóng phát thanh, hun đúc những giá trị chân thiện mĩ, vì một xã hội đẹp xinh!