Tôi là thính giả thuộc thế hệ 7X. Vào thập niên 1980-1990, khi tôi là học sinh tiểu học, rồi vào học cấp hai, cấp 3, chiếc radio cũ kỹ của gia đình phát các chương trình quen thuộc của Đài Tiếng nói Việt Nam luôn được tôi coi là người thầy, người bạn thân thiết. 

Tuổi thơ của tôi gắn bó với âm thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam vào khoảng những năm 1982-1986, thời điểm mà ở vùng nông thôn Hưng Yên quê tôi ngày ấy, thông tin giải trí chủ yếu chỉ là chiếc đài và chiếc ti vi đen trắng. Hồi đó, với lũ trẻ chúng tôi, có được trong tay tờ báo hoặc cuốn truyện để đọc đã là một điều xa xỉ. Nhớ hồi đi học, tôi được cậu bạn (có bố làm bưu tá ở xã) thi thoảng giúi cho tờ Tiền Phong để đọc. Cất tờ báo mới trong cặp sách, tôi đi từ trường về nhà mà thấy lòng háo hức, hồi hộp, cảm giác như mình sắp được thưởng thức một bữa cỗ thịnh soạn sau bao tháng ngày ăn độn ngô khoai. Giờ đây, khi đang có quá nhiều phương tiện thông tin giải trí, rất khó để tôi có lại cho mình cái cảm giác “ngon miệng” do quá “thèm” và “đói” thông tin như ngày ấy.

Việc đọc báo với lũ trẻ chúng tôi hồi đó là ước muốn xa vời, thư viện của nhà trường thì số đầu sách, truyện quá ít ỏi, “cung” không đủ “cầu”, vì thế, đài và ti vi là những phương tiện thông tin, giải trí chủ yếu, riêng ti vi thì phải nhà giàu mới có, và thời điểm những năm 1980-1990, ở nông thôn quê tôi, số “nhà giàu có ti vi” trong một thôn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Do điện lưới phập phù, lúc có lúc không nên các gia đình đều phải sắm ắc quy để nghe đài và xem ti vi. Nhà tôi lúc đó chưa có ti vi, thỉnh thoảng mới có dịp sang nhà hàng xóm xem nhờ. Vì thế, cả nhà chỉ biết nghe thông tin, giải trí qua chiếc đài rẻ tiền chạy bằng ắc quy. Cũng để tiết kiệm điện ắc quy nên không phải lúc nào bố tôi cũng bật đài, chỉ những chương trình thật đặc sắc hoặc nhiều người yêu thích thì bố tôi mới mở để cả nhà cùng thưởng thức.

Do nghe đài nhiều nên từ âm thanh của các chương trình, không cần nhìn đồng hồ, tôi và mọi người trong nhà đã hình thành một phản xạ: Có thể đoán được các khung giờ thông qua âm thanh quen thuộc của các chương trình, tiết mục trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Nào là “tút tút” lúc 6 giờ sáng, 12 giờ trưa, 21 giờ tối; 11 giờ 30 phút là “Chương trình dân ca và chèo, hôm thì là “Chương trình Khắp nơi đàn và hát dân ca”... Ra đồng làm ruộng, chỉ cần nghe âm thanh réo rắt tiếp sóng Đài Tiếng nói Việt Nam trên hệ thống loa truyền thanh xã, cữ 11 giờ 30 phút, mọi người bảo nhau: “Chương trình dân ca và chèo rồi các ông ơi, về thôi...”; “Chuẩn bị “tút tút” 12 giờ rồi, các bà chưa thấy kiến bò bụng à?...”.

Có hôm tôi vừa quét sân, nhặt rau, nấu cơm, băm bèo... vừa cố dỏng tai lên nghe đọc truyện thiếu nhi trên đài. Và qua thời gian, tôi đã được nghe trích đọc hàng loạt truyện yêu thích của trẻ em, như: “Túp lều bác Tom”; “Dế mèn phiêu lưu ký”; “Đội thiếu niên du kích Đình Bảng”... trong các chương trình thiếu nhi. Rồi tôi còn được lẩm nhẩm hát theo các chương trình dạy hát dành cho thiếu nhi được phát trên đài - một kiểu hát karaoke bằng... tai, thay vì bằng mắt phổ biến như những năm sau này.

Đó thực sự là những tháng năm tâm hồn tuổi thơ tôi được tưới mát bằng những bài hát, những truyện kể dành cho thiếu nhi..., và chiếc radio đã thực sự trở thành người bạn tâm tình của tôi mỗi ngày.

Có một tiết mục phát thanh được cả nhà yêu thích và ngồi quây quần nghe vào mỗi tối thứ bảy, đó là tiết mục “Kể chuyện cảnh giác” của Chương trình Vì an ninh Tổ quốc. Có hôm đang nghe thì nhà có khách đến chơi, thế là tiếc đứt ruột, vì sau buổi hôm ấy, chẳng ai có cơ hội được nghe lại...

Trong số các nhạc hiệu phát trên đài, tôi ấn tượng mãi với nhạc hiệu réo rắt của tiết mục “Đọc truyện đêm khuya” (hiện nhạc hiệu da diết này vẫn được Đài Tiếng nói Việt Nam duy trì vào mỗi buổi đọc truyện đêm khuya). Tôi ấn tượng mãi tiếng nhạc ấy vì với lũ trẻ chúng tôi ở vùng nông thôn, giữa làng quê khuya vắng, tiếng nhạc cất lên, nếu giờ ấy còn đi ngoài đường thì đứa nào cũng thấy... chờn chợn. Hơn nữa, tiếng nhạc còn làm tôi nhớ mãi bởi đấy là tiết mục mà thường thì tôi chỉ nghe khi đã chui vào màn và rất hiếm khi một đứa trẻ đang tuổi ăn, tuổi ngủ như tôi có thể nghe trọn vẹn một buổi đọc truyện, bởi chỉ nghe vài câu mở đầu từ giọng đọc của phát thanh viên là tôi đã “khò khò” rồi...

Không chỉ giúp tưới mát tâm hồn tuổi thơ, với tôi, chiếc đài còn là “ân nhân” khi tôi đang ở “tuổi teen”.

Chuyện là, khoảng tháng 7 năm 1991, tôi đang thất vọng vì kết quả điểm thi đại học thấp, không vào nổi một trường đại học nào. Lòng dạ rối bời vì chưa biết chọn ngành nghề gì cho phù hợp để bước ra khỏi lũy tre làng, hằng ngày, tôi vẫn chăm chỉ, cặm cụi gặt hái, cấy cày bên những thửa ruộng cùng mẹ. Một hôm, khi đang phơi thóc trên sân, tôi nghe thấy trên đài oang oang phát ra thông tin sau chương trình thời sự 6 giờ chiều: “Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội thông báo tuyển bổ sung chỉ tiêu vào nhóm ngành 6, đối tượng tuyển sinh là thí sinh dự thi khối D vào trường có tổng điểm 3 môn là...”. Tôi nghe mà tim đập thình thịch, theo thông báo trên đài thì đúng là mình thuộc diện “chết đuối vớ được cọc”!

Ngẫm lại, thấy mình thật may, không phải bởi số điểm sít sao so với chỉ tiêu tuyển sinh, mà may vì mình biết được thông tin một cách kịp thời vào đúng giờ ấy, phút ấy; may vì thông tin lọt vào tai mình, bởi không dám chắc sau đó nhà đài có phát lại thông báo tuyển sinh của nhà trường vào khung giờ khác nữa hay không...

Từ thông tin về việc tuyển sinh của Trường Đại học Tổng hợp năm ấy, tôi đã có một chặng đường học tập hanh thông... 

Hơn 30 năm đã qua kể từ ngày chiếc đài trở thành “ân nhân”, giúp tôi sớm toại nguyện ước mơ đặt chân vào giảng đường đại học. Vì thế, trong chặng đường “một thế kỷ phục vụ thông tin, giải trí và giáo dục”, có tới hơn 3 thập kỷ tôi coi phát thanh không chỉ là người thầy, người bạn mà còn thực sự là một “ân nhân” giúp tôi bước ra khỏi lũy tre làng và có những bước đi trưởng thành trong sự nghiệp. Chắc chắn trong thời gian tiếp theo, từ những tiếng nói truyền cảm vang lên trong mỗi gia đình, những câu chuyện tâm tình qua mỗi chuyến đi ngắn đến công sở hay trên đường thiên lý tới mọi miền Tổ quốc, các chương trình phát thanh phong phú, đa dạng của Đài Tiếng nói Việt Nam vẫn sẽ là người bạn tâm tình, tri kỷ của mọi người dân, để phát thanh tiếp tục thực hiện sứ mệnh “phục vụ thông tin, giải trí và giáo dục” của mình.