Mình chợt nhớ đến âm thanh phát ra từ chiếc đài của ông ngoại, khi tình cờ được biết nhân kỷ niệm 13 năm Ngày Phát thanh thế giới, Đài TNVN phát động cuộc thi viết về phát thanh với chủ đề của năm nay là “Phát thanh - một thế kỷ phục vụ thông tin, giải trí và giáo dục”. 

Bài tâm sự dưới đây như một chiếc vé đưa mình quay về tuổi thơ bình dị thân thương, ngày mà tiếng đài còn vang lên văng vẳng trong căn nhà mái ngói.

Ông ngoại kính yêu

Bà ngoại mình mất đã 15 năm rồi, khi ấy mình mới học lớp 5. Còn ông ngoại mình mất 2 năm trước, năm nay mình 27 tuổi.

Ông bà mình đã cùng nhau trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp chống Mỹ của dân tộc, rồi khi thời bình trở về quê hương tần tảo lao động nuôi dạy con cái. Trên tay ông mình còn vết sẹo to do một viên đạn sượt qua để lại.

Hồi bé mình nghe ai đó kể khi đó mắt ông ngoại bị mờ, phải đi mổ, sau đó thì cụ mất, ông khóc nhiều rồi mắt càng mờ dần, rồi không còn thấy nữa. Từ khi mình sinh ra mình đã thấy mắt ông không nhìn thấy rồi.

Nhà mình cách nhà ông ngoại 1km nên hồi nhỏ gần như ngày nào chị em mình cũng về nhà ngoại. Hồi ấy khi bà ngoại còn, kỷ niệm mình còn nhớ là những buổi trưa hè chị em mình phụ ông bà ngồi vặt lạc, rẽ ngô hay tuốt cây thanh hao. Ngày bà mất mẹ gọi mình vào để nhìn mặt bà lần cuối. Ngày hôm ấy ông khóc nhiều, ông xót và thương bà. Bà con hàng xóm ngồi cạnh an ủi ông. Có lẽ sự quý mến có phần ngưỡng mộ của bà con hàng xóm là minh chứng rõ nhất cho mối tình sâu đậm thủy chung son sắt của ông bà.

Sau khi bà ngoại mất, bố mẹ cho mình xuống nhà bác ở cho ông đỡ buồn. Hai bác mình bán thịt bò ở chợ. Hàng ngày, cứ 4h sáng là hai bác đã dậy sang Cổ Điển, Hải Bối lấy thịt về bán cho các quán ăn và bán ở chợ đến 11h trưa mới về nhà. Chiều, hai bác lại ngồi cộng sổ chợ và nhận đơn đặt của các quán đến tối. Con bác người đi làm xa, người ra nước ngoài xuất khẩu lao động. Trước kia khi bà còn, bà là người bạn tri kỷ, là đôi mắt của ông, vậy mà nay...

Và rồi cứ như vậy, mình ở hẳn với ông từ lớp 6 đến khi thi đại học (thi đại học xong mình ra Hà Nội học rồi đi làm). Chỉ 7 năm vậy mà khi nhìn lại mình thấy đó là quãng thời gian thật dài bởi có lẽ quãng thời gian đó gần như là tuổi thơ của mình.

Hồi ấy ông còn khỏe nên mọi việc cá nhân ông vẫn tự làm được. Sáng, ông dậy sớm rồi lọ mọ men theo thành giường, men theo tường, theo mép hiên ra giếng lau mặt, súc miệng. Mình lấy cơm cho ông ăn rồi đi học. Đến trưa mình lại về cơm nước cho ông. Ban ngày mình đi học nên gần như cả ngày chỉ có ông ở nhà một mình. Buổi tối là thời gian nhà có đông đủ người nhất.

Cứ thế mình dần quen với cuộc sống, nếp sinh hoạt của ông. Và ông cũng dần làm quen với cuộc sống vắng bà! Nếu trước kia khi bà dậy bà sẽ đánh thức ông thì giờ đây âm thanh đánh thức ông là tiếng gà, rồi ông sẽ bật đài nghe xem mấy giờ. Nếu hôm nào ông ngủ quên mà mình dậy sớm mình sẽ đánh thức ông dậy, lo cơm nước cho ông xong rồi mình đi học. Câu mà ông hay hỏi mình nhất sẽ là: Bây giờ là mấy giờ rồi con?

Với một người bình thường ban ngày và ban tối sẽ rất quan trọng, bởi ban ngày dành cho công việc, ban tối dành để nghỉ ngơi nhưng với một người lớn tuổi và kém mắt như ông mình thì hỏi giờ là cách để ông biết cuộc sống đang trôi đi ở khoảnh khắc nào trong ngày. Buổi sáng trước khi mình đi học mình luôn chào ông để ông biết mình đi rồi, ông lại bảo: “Ừ con đi đi” hay “Sao nay con đi sớm thế” và sau đó là quãng thời gian ông ở nhà một mình đợi đến trưa mình về học nhà mới lại có tiếng người. Buổi tối ông biết giờ để ông nhắc mình ăn cơm, học bài và đi ngủ để mai dậy đi học. Ở tuổi ấy mình đã có thể chủ động giờ giấc nhưng ông vẫn luôn quan tâm mình như thế!

Cuộc sống của ông hàng ngày là vậy, tất cả bị bao phủ bởi một màu đen. Quãng đường dài nhất ông đi cũng chỉ là mấy vòng trong sân để tập thể dục. Một thế giới bị giới hạn rất nhiều.

Giờ mình cũng gần 30 tuổi rồi, cũng đã suy nhiều hơn về cuộc sống, khi nghĩ về ông mình khóc thật nhiều chứ không còn là đứa trẻ ngây thơ ngày xưa nữa. Mình tự hỏi sao ông có thể mạnh mẽ và dịu dàng sống qua mấy chục năm kém mắt như thế? Nếu đó là mình thì sao? Mình thật sự không dám nghĩ. Giờ đây mình thấy mình thật may mắn khi mình còn có đôi mắt sáng để thấy thế giới này... Vậy mà mình vẫn luôn chỉ nhìn vào những cái mình không có mà chán nản thất vọng... Đúng là những thứ sẵn có và dễ có con người lại thường ít xem trọng!

Có nhà văn đã từng nói: Đọc sách giúp người ta ngồi trong xó nhà mà biết được chuyện trong thiên hạ, còn đối với ông mình nghe đài là cách giúp ông biết được cuộc sống bên ngoài ra sao. Mình không biết ông mình bắt đầu nghe đài từ khi nào, liệu có khi nào cái đài ấy còn hơn tuổi mình không nhỉ? Bởi bao năm mình vẫn thấy ông dùng chiếc đài ấy. Ủa sao nó bền vậy nhỉ? Chắc nó thương ông mình nên đã làm bạn với ông mình lâu đến thế!

Chiếc đài - người bạn của ông ngoại

Thường thì ông và mình thức dậy lúc 5 giờ, ông rửa mặt, pha trà, còn mình học bài trước khi đến lớp. Ông hay mở đài sớm để nghe dự báo thời tiết. Khi có tiếng chuông vang lên và kèm theo lời nhắc “Xin thông báo bây giờ là 6 giờ” thì hai ông cháu mình ăn cơm rồi mình chuẩn bị đi học. Trước khi mình đi học ông luôn nhắc nhở mình mùa hè thì đội mũ kẻo nắng, mùa đông phải mặc ấm, hay hôm nay trời mưa nên con mang áo mưa đi, con nhớ đóng cửa sổ kẻo mưa hắt vào nhà... Ông vẫn luôn quan tâm nhắc nhở mình từ những điều nhỏ nhặt như thế!

Khi mình đi học là lúc căn nhà trở nên yên ắng, chỉ còn ông làm bạn với chiếc đài. Ông cứ mở đài để nó nói cả ngày vậy cho khuây khỏa. Sáng, trưa, tối đều có chương trình thời sự nhờ đó mà ông có thể cập nhật thông tin cuộc sống bên ngoài, những bước phát triển kinh tế xã hội của đất nước trong thời bình. Thỉnh thoảng có những người bạn hàng xóm sang chơi, các ông vừa nhâm nhi trà vừa nghe đài vừa nói về cuộc sống.

Có lẽ với những người lính đã về hưu như ông mình, dõi theo và ủng hộ những chủ trương chính sách mà Nhà nước đề ra nhằm phát triển đất nước trong thời kỳ mới là một trong những mối quan tâm lớn. Vì vậy mà mình chưa thấy ông mình bỏ qua kỳ họp Quốc hội nào, ông cứ trầm ngâm nghe và suy ngẫm.

Nền hòa bình ngày hôm nay được đánh đổi bằng xương máu của thế hệ ông cha đi trước. Có những người trở về từ chiến trường mang thương tích như ông mình, có những người mãi mãi nằm lại nơi chiến trường khốc liệt. Mỗi khi Chương trình phát thanh Quân đội vang lên lời hiệu: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, Vì chủ nghĩa Xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng” mình lại thấy ông mình nhẩm đọc theo. Năm ông mất là năm ông mình tròn 75 năm tuổi Đảng. Mình thật sự rất ngưỡng mộ và tự hào về ông!

Ngày ấy mình còn nhớ trên đài có chương trình Thông tin về những người con hy sinh vì Tổ quốc- nơi mà nhà đài thông báo về hài cốt các liệt sĩ hy sinh được tìm thấy, cũng là kênh mà các gia đình đăng tin tìm người thân hy sinh nơi chiến trường hay chuyên mục Nhắn tìm đồng đội. Có những người lính đã hy sinh vô danh “không ai nhớ mặt đặt tên nhưng họ đã làm ra đất nước”.

Ông mình cũng hay nghe chương trình Chuyện kể ở đại đội với câu mở đầu “Các đồng chí ạ”. Thỉnh thoảng mình lại thấy ông mỉm cười.

Khi nghe những chương trình như vậy hay chương trình Vì an ninh Tổ quốc, Quân đội nhân dân, Những bài ca đi cùng năm tháng, Đọc chuyện đêm khuya... chắc hẳn ông mình rất nhớ những kỉ niệm, những người đồng đội một thời cùng chiến đấu nơi chiến trường. Mình hay bảo ông kể cho nghe về những kỷ niệm ngày ông còn tham gia chiến đấu. Với mình những câu chuyện ấy luôn có sức hấp dẫn kỳ lạ, nó giúp mình hiểu thêm về những trang thơ ông viết, về cuộc sống của ông bà mình ngày ấy.

Ngoài làm thơ thì ông mình cũng rất thích bóng đá. Những mùa bóng đá mình thấy ông hay nhắc về lịch thi đấu giữa các đội, nào là đội Thể Công, Hoàng Anh Gia Lại, Hà Nội T&T... và cả những trận đấu với các đội trong khu vực Đông Nam Á. Ông mình háo hức đến mức chưa đến ngày đá nhưng ông cứ đã nhắc đi nhắc lại từ mấy ngày trước rồi. Đến ngày đá, ông dõi theo từng đường chuyền bóng, thỉnh thoảng lại xuýt xoa, thỉnh thoảng lại phấn khích khi có bàn thắng. Mùa bóng đá ông nghe đấu bóng đá, bình luận bóng đá cả chiều.

Ông mình mê bóng đá còn mình thì cứ mỗi tối ăn cơm học bài xong là mình lại ngóng nghe chương trình kể chuyện, dạy hát và hát ru cho bé. Có những bài hát mà mình ấn tượng và nhớ đến giờ. Những ca từ ngày ấy sao mà da diết, sâu lắng, bình dị, dễ đi vào lòng người đến thế! Niềm vui của đứa trẻ những ngày thiếu thốn sao mà giản đơn thế!

Có những chương trình mình không còn nhớ rõ nhưng có những nhạc hiệu chương trình mà tình cờ nghe lại, lại kéo theo kí ức tuổi thơ ùa về. Nó mang trong mình bóng dáng của quê hương đất nước, của làng quê xưa, của cây tre giếng nước sân đình, của cánh đồng, của lũy tre làng, mang hơi thở của những ngày xưa cũ còn vất vả khó khăn nhưng chứa chan tình làng nghĩa xóm. Nhiều thập kỷ đã trôi qua nhưng những giọng đọc huyền thoại đi cùng năm tháng vẫn để lại dấu ấn không phai trong trái tim triệu triệu thính giả: Mời quý vị và các bạn đoán nghe chương trình đại gia đình các dân tộc Việt Nam; Mời quý thính giả nghe 15' dân ca và nhạc cổ truyền của Đài Tiếng nói Việt Nam, chương trình gửi tặng các chiến sĩ nơi biên giới hải đảo; Mời các bạn nghe buổi phát thanh văn nghệ của Đài Tiếng nói Việt Nam; Đây là buổi phát thanh Vì an ninh tổ quốc; Câu lạc bộ của những người cao tuổi; Tiết mục kể chuyện cảnh giác; Chương trình phát thanh dành cho người Việt Nam ở xa Tổ quốc... Mình chưa từng gặp các ông các bà ở ngoài đời nhưng qua giọng đọc thân thương ấm áp ấy mình cảm nhận được niềm tự hào dân tộc, tình yêu dành cho quê hương đất nước, tâm huyết biên tập dựng bài gửi trong từng câu chữ khiến bản tin không còn là bản tin mà trở thành những câu chuyện có hồn.

Ngày xưa khi thiết bị công nghệ còn chưa phổ biến thì các chương trình của nhà Đài là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân Việt Nam. Ngôn ngữ trong các chương trình đều trong sáng, chắt lọc và nội dung rất giá trị. Đã lâu rồi mình không nghe đài. Bây giờ công nghệ số phát triển mọi người dùng điện thoại nhiều hơn, lướt facebook, tiktok, Instagram nhiều hơn, các kênh thông tin nhiều hơn nhưng chất lượng lại đi xuống.

Tuổi thơ sống với ông, với tiếng đài thân thương bắt đầu từ gà gáy cho đến đêm khuya, giờ nghe lại những nhạc điệu này ông đã là người thiên cổ. Nhớ biết bao! Chỉ mong mình mãi là cô bé để được sống với ông ngoại, sống trong những giai điệu truyền thanh ấm áp ngày nào!

Lời kết

Khi lời xướng: “Đây là Tiếng nói Việt Nam…” vang lên đầy kiêu hãnh, tự hào từ Thủ đô Hà Nội vào đúng 11h30 phút ngày 7/9/1945, cũng là thời khắc lịch sử đánh dấu sự ra đời của Đài Tiếng nói Việt Nam. Từ đây, tiếng nói của một nước Việt Nam độc lập, khát vọng hòa bình, tự do đã được truyền tới đồng bào trong nước, bà con ta ở nước ngoài và bạn bè thế giới.

Suốt chiều dài lịch sử 75 năm, “Tiếng nói Việt Nam” đã luôn đồng hành cùng dân tộc, cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trải qua 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” và 21 năm chống đế quốc Mỹ để làm nên Đại thắng Mùa Xuân 1975, thống nhất đất nước.

Trong 10 năm từ 1998 đến 2008 cùng với sự phát triển của Internet, từ chỗ chỉ làm phát thanh, Đài đã phát triển thêm 3 loại hình truyền thông nữa là báo in, báo điện tử và báo hình trở thành cơ quan truyền thông đa loại hình, đa phương tiện, lan tỏa mạnh mẽ thông tin trên các nền tảng truyền thông hiện đại, phục vụ công chúng trong và ngoài nước. Đài Tiếng nói Việt Nam đã khẳng định vai trò là một trong những cơ quan ngôn luận quan trọng hàng đầu của đất nước, là tiếng nói của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam.

Khác với những người làm truyền hình xuất hiện trên ti vi những người làm đài họ như những chiến binh thầm lặng dùng ngòi bút và tiếng nói để làm đẹp cho đời... Xin cảm ơn các thế hệ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên, văn nghệ sĩ, nhân viên của Đài Tiếng nói Việt Nam qua các thời kỳ đã và đang ngày đêm làm việc để mang đến các thông tin trên mọi lĩnh vực chính trị, văn hóa, kinh tế, quốc phòng, an ninh và đối ngoại với các chương trình hấp dẫn, lay động, cuốn hút lòng người. Đó chính là những giá trị vượt thời gian, còn đọng mãi trong tâm trí bạn nghe Đài.

Nhân ngày đầu năm chúc các cán bộ nhà Đài nhiều sức khỏe để tiếp tục công tác tốt, tiếp tục viết dài hơn chặng đường “Phát thanh - một thế kỷ phục vụ thông tin, giải trí và giáo dục”. Chúc Đài mãi mãi xứng đáng với tên gọi Tiếng nói Việt Nam vinh quang, tự hào.

Câu chuyện của mình chỉ là một câu chuyện rất nhỏ trong rất rất nhiều những câu chuyện của các thính giả nghe đài qua bao thế hệ. Một lần nữa mình xin cảm ơn Đài Tiếng nói Việt Nam đã trở thành một phần kí ức rất đẹp với ông mình và tuổi thơ của mình!

Rất yêu mến và trân trọng Đài Tiếng nói Việt Nam!