Dòng sông Quán Trường được tỉnh Khánh Hòa đầu tư nạo vét, xây bờ kè, để giải quyết thoát lũ cho khu vực phía Tây thành phố Nha Trang. Thế nhưng, mấy tháng nay, trên sông này xuất hiện dày đặc phao, bè nổi.

Các phao nổi bằng nhiều vật liệu như xốp, can nhựa, thùng nhựa được thả thành hàng, cách nhau chừng 1-2m. Còn bè nổi được kết bằng khung tre với quy cách mỗi ô bè 3x4m, mỗi khu vực có hàng chục ô bè dọc, ngang, diện tích mặt nước bị bao chiếm lên đến hàng trăm mét vuông.

vov_nguoi_dan_tha_vem_tren_song_yiix.jpg
Người dân thả vẹm dày đặc trên sông Quán Trường.

Người dân còn lắp, dựng nhà bè trên sông để trông coi các bè nhử vẹm. Việc nhử vẹm bằng phao đơn khá đơn giản, chỉ cần một sợi dây, một đầu gắn phao nổi, đầu còn lại gắn bao tải chứa cát, gạch và đá. Sau đó, thả ngư cụ tự chế này xuống sông, vẹm sẽ bám vào các sợi dây.

Khi vẹm lớn, hàng ngày người dân đi dọc bãi sông để thu hoạch bằng cách kéo sợi dây có vẹm lên, sau đó, dùng tay tuốt vẹm đổ vào thuyền. Anh Nguyễn Văn Tuấn, thường xuyên nhử vẹm tại khu vực này cho biết: “Tôi ở trong Đồng Bò ra đây, thấy người ta bắt thì mình bắt theo. Vẹm này để bán cho những người nuôi tôm hùm”.

Không chỉ người dân địa phương mà nhiều người từ nơi khác đến khu vực này để nhử vẹm. Vẹm được thu hoạch, đóng bao, sau đó, thương lái đến mua ngay tại bờ với giá từ 5.000-7.000 đồng/kg. Một ngày, mỗi gia đình có thể thu hoạch từ 1-5 tạ vẹm, tùy theo diện tích nhử. Việc nhử vẹm tràn lan gây cản trở dòng chảy, ô nhiễm môi trường.

Cách đây khoảng 2 năm, thành phố Nha Trang đã cưỡng chế xử lý tình trạng này. Dòng sông Quán Trường trước đây chảy quanh co, lau sậy, sình lầy. Mấy năm trước, tỉnh  Khánh Hòa đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để nạo vét lòng sông, khơi thông dòng chảy, xây dựng bờ kè.

Vẹm được dùng làm thức ăn cho tôm hùm.

Việc người dân nhử vẹm trên sông là hành vi bị cấm. Chính quyền thành phố Nha Trang đã thực hiện cưỡng chế, tháo dỡ nhưng sau đó tình trạng này lại tái diễn. Ông Nguyễn Thanh Hy, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thái, địa phương có diện tích mặt nước bị người dân lấn chiếm nhiều nhất cho biết, do địa hình sông nước nên việc quản lý gặp nhiều khó khăn.

“Địa phương chỉ vận động, tuyên truyền người dân. Vì đây là công trình đang nạo vét, đáng lý là trách nhiệm của chủ đầu tư, phải thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các địa phương, phải có kế hoạch tuyên truyền sâu rộng hơn nữa”, ông Nguyễn Thanh Hy nói.

Còn ông Quách Thanh Sơn, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa cho rằng, khu vực sông Quán Trường không được quy hoạch để nuôi trồng thủy sản và đơn vị không thể tự tháo dỡ lồng, bè của người dân lấn chiếm trong phạm vi dự án. Ban quản lý dự án vừa có văn bản đề nghị UBND thành phố Nha Trang, phối hợp để cưỡng chế tháo dỡ các trường hợp lấn chiếm lòng sông để nhử vẹm, tạo thông thoáng dòng chảy trong mùa mưa lũ.

Ông Quách Thanh Sơn đề nghị: “Chính quyền địa phương cần quản lý. Người dân đang nuôi như vậy thì chúng tôi không tự ý ra rút của người dân được. Phải tổ chức lực lượng chuyên ngành đi để mà cưỡng chế”./.