Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VII Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ diễn ra trong 4 ngày (từ ngày 21-24/11/2012) tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị với sự tham gia của 1104 đại biểu. Đây là những Tăng ni, Phật tử tiêu biểu được Đại hội các cấp Giáo hội suy cử dự Đại hội.

Với chủ đề “Kế thừa, ổn định, phát triển”, trong đại hội lần này, các đại biểu sẽ đánh giá những thành quả đã đạt được của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong nhiệm kỳ trước và đề ra nội dung hoạt động trong nhiệm kỳ VII.

Một nội dung quan trọng của Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần 7 là thông qua Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) tu chỉnh lần thứ V.

Bên cạnh đó, đại hội sẽ suy tôn Hội đồng chứng minh và suy cử Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Công tác Phật sự nhiệm kỳ VI (2007-2012), tập trung vào những Phật sự trọng yếu, kiện toàn và phát triển tổ chức Giáo hội; công tác Tăng sự; công tác giáo dục đào tạo Tăng ni; công tác hoằng dương chính pháp; công tác văn hóa Phật giáo: giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa Phật giáo và văn hóa dân tộc; công tác nghi lễ Phật giáo; công tác hướng dẫn Phật tử; công tác từ thiện xã hội; công tác nghiên cứu Phật học; công tác đối ngoại Phật giáo; công tác truyền thông Phật sự và công tác xây dựng bảo vệ Tổ quốc.

Trong bối cảnh chung của xã hội, đất nước trong thời kỳ hội nhập và phát triển vào thập niên đầu thế kỷ 21, Giáo hội Phật giáo Việt Nam theo sự vận hành hòa nhập cùng trào lưu phát triển của xã hội và thế giới, nhất là tinh thần đoàn kết, hòa hợp, ổn định, quyết tâm của toàn Giáo hội kế thừa những thành quả đã đạt được trong 30 năm qua. Xây dựng, phát triển Giáo hội bằng nguyên tắc phát huy tinh thần đoàn kết, hòa hợp vì Đạo Pháp, Dân Tộc, Chủ nghĩa xã hội. Hoằng dương chính pháp, truyền bá đạo đức Phật giáo, góp phần xây dựng xã hội an vui, hạnh phúc, phù hợp với đạo đức, văn hóa, truyền thống dân tộc.

Giáo dục đào tạo đội ngũ tăng ni trẻ có đạo hạnh, năng lực, trình độ; vững vàng trong quan điểm, thâm hiểu giáo pháp, có kiến thức chuyên sâu và chuyên môn cao, đáp ứng sự phát triển của Giáo hội trong mọi thời đại.

Mở rộng và đẩy mạnh việc nghiên cứu Phật học và học thuật Phật giáo.

Phát huy tinh thần đoàn kết của Phật giáo Việt Nam đối với Phật giáo các nước trên thế giới, góp phần xây dựng hòa bình, ổn định nếp sống hiền thiện ở mọi nơi. Chú trọng mối quan hệ của Giáo hội đối với Tăng ni, Phật tử người Việt Nam ở nước ngoài./.