Thời gian gần đây, người dân thành phố Đà Nẵng đã quá quen với tình trạng thông báo tạm dừng các tuyến xe buýt, các cuộc lãng công, nghỉ việc tập thể đòi quyền lợi Bảo hiểm xã hội của những người lái xe buýt. Nguyên nhân là, sau hơn 5 năm đi vào hoạt động, xe buýt trợ giá ở Đà Nẵng luôn trong tình trạng vắng khách. Khách không đi xe buýt, nguồn thu không đủ bù chi trở thành gánh nặng hỗ trợ của thành phố Đà Nẵng. Doanh nghiệp vận hành hệ thống xe buýt là Công ty Cổ phần Công nghiệp Quảng An 1 luôn trong tình trạng nợ nần.

Ông Nguyễn Đăng Hoàng, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố Đà Nẵng cho biết,  Công ty Cổ phần Công nghiệp Quảng An 1 là đơn vị vận hành hệ thống xe buýt tại thành phố Đà Nẵng thường xuyên nợ Bảo hiểm xã hội của người lao động.

 UBND thành phố Đà Nẵng đã giao Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì cưỡng chế một số đơn vị đã bị xử phạt nhưng vẫn chưa chịu nộp Bảo hiểm xã hội cho người lao động. Thế nhưng, việc cưỡng chế các doanh nghiệp nợ Bảo hiểm xã hội rất khó thực hiện. Theo ông Nguyễn Đăng Hoàng, ở cấp Sở chỉ cưỡng chế tài khoản ngân hàng chứ không thể cưỡng chế tài sản. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp nợ Bảo hiểm xã hội, trong đó có Công ty Cổ phần Quảng An 1 không đăng ký hoạt động trên địa bàn nên càng khó thực hiện.

Hiện nay, thành phố Đà Nẵng đang trợ giá cho hệ thống xe buýt nên mức lương của người lao động làm việc cho Công ty Cổ phần Quảng An 1 là cao, với mức 8 triệu đồng/ tháng. Dù biết đơn vị này nợ lương, nợ Bảo hiểm xã hội nhưng người lao động vẫn làm việc. Đến khi doanh nghiệp nợ Bảo hiểm xã hội thì người lao động lại đình công và gửi đơn lên Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động thành phố.

 “Tôi không biết doanh nghiệp này kinh doanh như thế nào chứ riêng mảng xe buýt thì bao nhiêu năm nay, ở thành phố Đà Nẵng này có ai đi đâu. Chỉ có người bán vé và tài xế đi từ đầu đến cuối tuyến. Cho nên quan điểm của tôi là Sở Giao thông- Vận tải nên nghiên cứu, chứ cứ nếu tiếp tục còn doanh nghiệp này vận hành thì còn nợ kéo dài. Chúng tôi lại phải tiếp tục giải quyết cho người lao động, không còn con đường nào khác là nợ lương, nợ bảo hiểm triền miên”. Ông Nguyễn Đăng Hoàng nói.

Cuối năm 2016, UBND thành phố Đà Nẵng ký hợp đồng với Công ty Cổ phần Công nghiệp Quảng An 1, trụ sở thành phố Hà Nội triển khai 5 tuyến xe buýt có trợ giá. Năm 2019 tiếp tục đưa thêm 6 tuyến xe buýt trợ giá vào hoạt động, nâng tổng số lên 11 tuyến xe buýt. Đến năm 2021, mạng lưới xe buýt trợ giá của thành phố có 11 tuyến với 147 xe loại 40 chỗ ngồi. Hiện chỉ còn 5 tuyến xe buýt hoạt động.

Trung bình mỗi tháng, thành phố Đà Nẵng trợ giá hơn 2 tỷ đồng cho doanh nghiệp vận hành xe buýt. Tuy nhiên, kết quả hoạt động của xe buýt không như mong muốn. Số lượng tuyến đầu xe phục vụ, số lượng khách ngày càng thưa vắng. 

Ông Bùi Hồng Trung, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải thành phố Đà Nẵng cho biết, Công ty Cổ phần Quảng An 1 hoạt động kinh doanh du lịch  và dịch vụ vận tải. Qua những năm phòng chống dịch Covid-19, doanh nghiệp này gặp khó khăn, dẫn đến tình trạng nợ Bảo hiểm xã hội. Vừa qua, Liên đoàn Lao động cùng Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội thành phố đã làm việc với Lãnh đạo Công ty, sau đó chủ doanh nghiệp đã chi trả một phần nợ cho người lái xe tiếp tục duy trì công việc.

“Hiện nay, chúng tôi cũng cố gắng duy trì mạng lưới xe buýt cũ này để phục vụ một phần nhu cầu của người dân trong thời gian sắp đến. Tuy nhiên, chúng tôi cũng sẽ có những giải pháp đồng thời với đó, chúng tôi cũng sẽ tổ chức đấu thầu những tuyến mới để thay thế những doanh nghiệp làm ăn không đảm bảo được yêu cầu của hợp đồng. Sắp tới, chúng tôi sẽ có những giải pháp để khắc phục tình trạng các tuyến xe buýt không hoạt động vận hành, gây ảnh hưởng chung hoạt động của thành phố,” ông Bùi Hồng Trung thông tin thêm./.