Nghị quyết này được xem là đột phá, rút ngắn thời gian, giảm bớt đầu mối trong thực hiện đấu thầu mua sắm tài sản công, tháo gỡ nút thắt về mua sắm tài sản công vốn đang gặp nhiều khó khăn vướng mắc, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế.
Theo Nghị quyết vừa được thông qua, thành phố Đà Nẵng sẽ phân cấp về thẩm quyền quyết định trong việc thực hiện mua sắm, thuê tài sản, hàng hóa, dịch vụ; bán tài sản công; thanh lý tài sản công; xử lý tài sản công trong trường hợp bị mất, bị hủy hoại….
Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đà Nẵng cho biết, hiện nay, các thủ tục liên quan đến hồ sơ, thẩm định đấu thầu đang mất quá nhiều thời gian, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế. Đơn cử như quy trình mua sắm một gói thầu 10 tỷ đồng tại Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng phải thành lập Hội đồng gồm toàn bộ cơ quan chuyên môn, hoàn thiện hồ sơ mất 6 tháng. Sau đó bệnh viện gửi lên Sở Y tế và Sở này tiếp tục thành lập Hội đồng, mất thêm 6 tháng nữa. Sở Y tế trình lên UBND thành phố, rồi thành phố giao Sở Tài chính lập hội đồng thẩm định giá nhà nước, lại mất thêm 6 tháng. Như vậy, một gói thầu mất tới 18 tháng mới xong ở mặt thủ tục và thêm 6 tháng để tổ chức đầu thầu, tổng cộng mất 2 năm trời, hàng hóa mới về trong kho của bệnh viện.
Ông Hồ Kỳ Minh cho biết, lần này UBND thành phố trình HĐND thành phố thông qua phân cấp thẩm quyền ký dự toán mua sắm và kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Còn toàn bộ tổ chức đấu thầu mua sắm từ trước tới giờ vẫn là các đơn vị mua sắm trực tiếp làm.
Cũng theo ông Hồ Kỳ Minh, từ đầu năm đến nay thành phố chưa phê duyệt được một dự toán mua sắm nào. Tất cả các bệnh viện của thành phố Đà Nẵng đang sử dụng vật tư tiêu hao là từ gói thầu của thành phố trong thời hạn 24 tháng, bắt đầu từ tháng 8/2021 đến nay.
Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đà Nẵng cho biết, đang có hàng chục gói thầu của các bệnh viện trị giá hàng ngàn tỷ đồng dồn lên Sở Y tế. Nghị quyết được thông qua sẽ góp phần tháo gỡ vướng mắc: “Khi Nghị quyết được thông qua thì những gói thầu sẽ chuyển thẳng lên trên, UBND thành phố sẽ kiểm tra theo dõi và giao cho Sở Tài chính thành lập Hội đồng thẩm định giá, cắt bớt các khâu trung gian. Sau khi thẩm định giá nhà nước xong thì lúc đấy bệnh viện và thủ trưởng đơn vị trực tiếp mua sắm sẽ ký dự toán và kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Nếu chúng ta làm chặt chẽ, đúng quy trình thì thay vì chúng ta phải mất từ 18-24 tháng một gói thầu làm thủ tục thì giờ sẽ chỉ còn 6-9 tháng để làm xong”.
Đại diện Lãnh đạo Sở Y tế thành phố Đà Nẵng cho biết, từ tháng 6 đến nay, ngành Y tế đảm nhận 53 gói thầu của các đơn vị gửi lên với tổng giá trị hơn 800 tỉ đồng. Đến nay, Sở chỉ mới phê duyệt cho 7 đơn vị với gói dưới 2 tỉ đồng và mới trình 3 gói thầu xin ý kiến Sở Tài chính. Vì vậy việc phân cấp thẩm quyền quản lý, mua sắm sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ mua sắm của các đơn vị.
Ông Lương Công Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế Hội đồng Nhân dân thành phố Đà Nẵng cho rằng, Nghị quyết mới sẽ rút ngắn đầu mối, thời gian; nâng cao tinh thần trách nhiệm thủ trưởng các đơn vị địa phương và khi phân cấp thì thủ tục nhanh hơn: “Nghị quyết này đáp ứng yêu cầu thực tế hiện nay, vấn đề còn lại, đề nghị UBND có kiểm soát, tăng cường thanh tra, kiểm tra chặt chẽ vì dính đến tài sản công là nhạy cảm để đảm bảo guồng máy đã phân cấp thực hiện đúng quy định. UBND thành phố cũng phải chịu trách nhiệm khi thực hiện Nghị quyết này".
Ông Lương Nguyễn Minh Triết, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Đà Nẵng cho rằng, Nghị quyết này nhằm tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm và tinh thần chung là rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục, nhất là thủ tục đấu thầu mua sắm, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế. Nghị quyết này phân cấp thẩm quyền gần như toàn bộ cho thủ trưởng các sở, ngành, nơi được giao dự toán mua sắm tài sản. Hội đồng Nhân dân thành phố thống nhất chủ trương về mặt phân cấp thay thế Nghị quyết 150 và Nghị 64 trước đây.
Ông Lương Nguyễn Minh Triết đề nghị, trong quá trình thực hiện Nghị quyết mới, UBND thành phố chỉ đạo và quyết định các phương án xử lý với các gói thầu đang thực hiện dở dang: “Đề nghị UBND thành phố tăng cường trách nhiệm, nâng cao chất lượng lập, thẩm định dự toán chi thường xuyên sau khi phân cấp, rà soát tiêu chuẩn định mức sử dụng máy móc, thiết bị... làm cơ sở cho các cơ quan đơn vị xây dựng. Cơ quan chuyên môn cũng có kiểm tra giám sát. Nghiên cứu bổ sung rõ hơn về trách nhiệm của UBND thành phố và Sở Tài chính, cơ quan chuyên ngành để đảm bảo chặt chẽ khi thực hiện"./.