Độ mặn tại cửa thu nước Cầu Đỏ có thời điểm lên hơn 2.500mg/lít dẫn đến tình trạng Nhà máy nước Cầu Đỏ và Sân Bay không đủ nguồn nước thô để hoạt động. Trong khi đó, lưu vực các hồ chứa thủy điện không có mưa càng làm cho việc điều tiết liên hồ gặp nhiều khó khăn.

danang_thieu_nuoc_vov_xxyo.jpg
Người dân các khu vực xa nhà máy nước được tiếp tế nước sạch bằng xe bồn.

Lãnh đạo Công ty Cổ phần Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) cho biết, độ mặn tại cửa thu nước Cầu Đỏ tăng hơn 1.000mg/l so với tháng trước và đang tiếp tục gia tăng. Độ mặn đo được vào trưa 21/8 gần 2.600 mg/lít, cao hơn cả chục lần so với mực cho phép. Có thời điểm, độ mặn lên đến 3.300 mg/lít.
Dawaco đã vận hành Trạm bơm phòng mặn An Trạch với công suất tối đa đưa nước thô về cho 2 Nhà máy nước Cầu Đỏ và Sân Bay để xử lý, cấp nước cho người dân. Tuy nhiên, do công suất tối đa của hệ thống đường ống chỉ chuyển tải nước thô được khoảng 210.000m3/ngày, nên không đáp ứng được nhu cầu sử dụng nước hiện nay của thành phố là 306.000 đến 307.000m3/ngày.
Ông Hồ Minh Nam, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cấp nước Đà Nẵng cho biết, những ngày qua, một số vị trí thiếu nước trầm trọng như bệnh viện, trường học, công sở…; đơn vị đã huy động tối đa các xe bồn cấp nước; phối hợp với các lực lượng quân đội, công an, các đơn vị thi công trên địa bàn để hỗ trợ cấp nước cho người dân.

"Hiện nay, đơn vị, các ban chuyên môn của Công ty tiếp tục liên hệ, tăng cường số lượng xe để bổ sung nguồn nước cấp cho các khu vực thiếu ở Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn. Ngoài ra, Công ty có 20 điểm cấp nước cục bộ cho các khu vực dân cư để các xe bồn đến tiếp nước thường xuyên. Các xe bồn sẽ đổ nước vào các khu vực có số lượng nhà chung cư tương đối lớn", ông Nam nói.

Trước tình trạng xâm nhập mặn gia tăng tại khu vực Cầu Đỏ, chính quyền thành phố Đà Nẵng đề nghị các chủ hồ thủy điện lập tức điều tiết nguồn nước từ các hồ chứa xả về vùng hạ du để đẩy mặn. Đối với hồ thủy điện Đăk Mi 4, yêu cầu vận hành xả nước về phía hạ du sông Vu Gia với lưu lượng 25m3/giây, đến khi độ mặn tại cửa thu nước Cầu Đỏ giảm xuống còn dưới 1.000 mg/lít thì vận hành xả nước trở lại bình thường theo quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn.

Ông Đinh Hữu Tấn, Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy điện Đăk Mi, đơn vị quản lý, vận hành Thủy điện Đăk Mi4 cho biết, thủy điện này đang xả nước về phía sông Vu Gia với lưu lượng 12.5 m3/giây, theo quy trình vận hành liên hồ. Ông Tấn cũng cho rằng, nếu chỉ có thủy điện Đăk Mi 4 xả nước mà thủy điện A Vương không xả thì cũng chẳng có ý nghĩa gì.

Ông Tấn cho biết: "Giữa Thủy điện Đăk Mi 4 và Thủy điện A Vương phải tính toán làm sao để khi mà nguồn nước 2 hồ này đưa về Cầu Đỏ cùng 1 giờ, ít nhất là chênh lệch không nhiều chớ còn nếu nguồn nước Thủy điện A Vương về trước rồi đến Đăk Mi về sau thì cũng không có ý nghĩa gì hết. Chúng tôi đồng ý chia sẻ nhưng chia sẻ làm sao phải tính toán một cách khoa học để chia sẻ này có ý nghĩa. Đề nghị giữa Đăk Mi 4, A Vương và Nhà máy nước Cầu Đỏ nên ngồi lại với nhau để tính toán".

Đối với Thủy điện A Vương, chính quyền thành phố Đà Nẵng yêu cầu nhà máy thủy điện này vận hành xả nước liên tục 24 giờ, với lưu lượng trung bình mỗi ngày không nhỏ hơn 70m3/giây, đến khi độ mặn tại cửa thu Cầu Đỏ giảm xuống dưới 1.000 mg/lít thì vận hành trở lại bình thường. Ông Ngô Xuân Thế, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy điện A Vương cho rằng, trung bình mỗi ngày thủy điện này xả từ 6 đến 7 triệu m3 nước. Trong khi hiện nay, lượng nước trong hồ còn khoảng 26 triệu m3 thì lấy đâu ra xả liên tục trong nhiều ngày? Đối với việc vận hành theo quy trình vận hành liên hồ, ông Thế cho biết theo quy định thì 6 hồ thủy điện vận hành theo quy trình vận hành liên hồ, nhưng trên thực tế chỉ có 4 hồ điều tiết được lượng nước dự trữ trong hồ.

"Các hồ mà không có dung tích điều tiết thì chỉ có tác dụng ngắn hạn. Có hồ thì 2 ngày, có hồ thì 1 ngày, có hồ thì 1 tuần. Khối lượng nước đang dự trữ trong hồ A Vương là vậy nên mình dàn đều ra trong thời gian mùa khô để đến cuối mùa khô vẫn còn 1 ít nước dự trữ cho đầu mùa mưa trong tình trạng nếu đầu mùa mưa mà chưa có mưa", ông Thế nói.

Ông Ngô Xuân Thế, Phó TGĐ Thủy điện A Vương cho biết, nếu thực hiện theo yêu cầu của thành phố sẽ không đủ nước xả về hạ du.
Ông Lê Đình Bản, GĐ Công ty Thủy điện Sông Bung cho biết, hiện nước hồ ở dưới mực nước chết.j

Ông Lê Đình Bản, Giám đốc Công ty Thủy điện Sông Bung, đơn vị quản lý, vận hành Thủy điện Sông Bung 2 cho biết, từ ngày 4 tháng 8, hồ này đã xuống đến mực nước chết nên đơn vị cố gắng duy trì dòng chảy xuống cho hạ du. Giai đoạn nửa đầu tháng 8, nhà máy này chỉ xả nước phát điện với lưu lượng 25 m3/ giây. Hiện, hồ thủy điện Sông Bung 4 xuống dưới mực nước chết 1,5m, không còn khả năng điều tiết.

Ông Bản đề nghị tạm dừng phát điện để nâng mực nước hồ lên: "Bây giờ lượng nước về hồ chỉ còn 4 đến 5m3/giây, giảm hơn một nửa so với thời điểm đầu tháng 8. Như vậy càng ngày càng hụt lần, nếu tình hình không có mưa như hiện nay, để lên đến mực nước chết thôi chứ chưa nói lên trên mực nước chết thì cũng là cả một quá trình. Chúng tôi cố gắng phát điện trong khoảng dưới mực nước chết 1,5m, có thể phát được mỗi ngày từ 10 đến 15m3/giây để hỗ trợ cấp nước, đưa nước về hạ du".

Ông Đặng Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng đề nghị các đơn vị chức năng phối hợp với các chủ hồ thống nhất quy trình vận hành; Duy trì lưu lượng xả 25m3/giây đối với hồ thủy điện Đăk Mi 4 và 70m3/giây đối với thủy điện A Vương, đảm bảo khi thủy triều xuống, độ mặn lên cao thì lượng nước xả từ các hồ về đến hạ du đủ để đẩy mặn. Theo ông Đặng Việt Dũng, trong thời điểm khẩn cấp như hiện nay, Công ty Cấp nước Đà Nẵng cần tăng cường lấy nước ở khu vực đập dâng An Trạch, trong trường hợp lượng nước ở đây không đủ thì mới lấy nước ở khu vực Cầu Đỏ:

"Đề nghị Sở Xây dựng căn cứ vào kịch bản đã được UBND thành phố phê duyệt về độ mặn của nước, hàm lượng muối ở khu vực Cầu Đỏ để đưa ra phương án khi thiếu nước. Vừa rồi đã triển khai bước 1 với lưu lượng nhiễm mặn 700mg/lít, tiếp tục triển khai phương án 2 để tăng cường nguồn nước phục vụ người dân. Công ty Cấp nước cũng chuẩn bị phương án dự trữ chứ không chủ quan. Đồng thời kêu gọi người dân cùng với chính quyền tiết kiệm nước, đặc biệt là các doanh nghiệp, resort, khách sạn phải tiết kiệm hết sức", ông Dũng nhấn mạnh./.