Thành phố Đà Nẵng đã tạm dừng việc đưa tên 2 giáo sĩ là Alexandre de Rhodes và Francisco De Pina đặt tên cho 2 tuyến đường ở thành phố do vấp phải ý kiến trái chiều của 12 nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử ở tỉnh Thừa Thiên Huế. Thế nhưng, trong số 12 người ký tên vào bản kiến nghị dừng đặt tên đường ở thành phố Đà Nẵng lại có người khẳng định mình không tham gia vào bản kiến nghị này.
Chân dung giáo sĩ Alexandre de Rhodes |
Nhóm 12 nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử ở tỉnh Thừa Thiên Huế do PGS.TS Lê Cung, khoa Lịch sử, Đại học Sư phạm Huế, đứng đầu đã gửi một bản kiến nghị đến Thành ủy, HĐND và UBNDThành phố Đà Nẵng đề nghị không đặt tên đường 2 giáo sĩ là Alexandre de Rhodes và Francisco De Pina. Họ nêu ra luận điểm rằng 2 vị giáo sĩ này không phải là người sáng tác chữ quốc ngữ và việc truyền bá chữ quốc ngữ vào Việt Nam là nhằm dọn đường cho thực dân Pháp xâm lược nước ta?.
Trong danh sách 12 người ký tên vào bản kiến nghị dừng đặt tên đường có tên PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng Khoa Lý luận Chính trị Trường Đại học Khoa học Huế. Thế nhưng, PGS.TS Triết học Nguyễn Tiến Dũng lại cho biết, ông không tham gia vào bản kiến nghị này.
“Tôi không có chuyên môn về sử học cho nên không biết 2 ông này đúng hay sai về mặt lịch sử. Cho nên tôi không tham gia. Tôi không phản đối, tranh luận về mặt khoa học, nhưng những tranh luận đó phải đảm bảo sự khách quan và đảm bảo được quy định của pháp luật”, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cho biết.
Theo ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao thành phố Đà Nẵng, công lao của 2 vị giáo sĩ là Francisco De Pina (Bồ Đào Nha) và Alexandre de Rhodes (Pháp) đã được khẳng định tại 2 cuộc Hội thảo lớn tổ chức tại 2 tỉnh Quảng Nam và Bình Định. Khi ban hành đề án và lấy ý kiến đặt tên đường mang tên 2 vị giáo sĩ này, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố đã tiếp nhận được nhiều ý kiến ủng hộ, chỉ có một số ít phản đối, chủ yếu là một số người nghiên cứu văn hóa lịch sử ở thành phố Huế. Vì vậy, thành phố Đà Nẵng phải dừng lại việc đặt tên đường này.
Hiện nay, việc tạm dừng đặt tên đường chưa biết đến khi nào và phải chờ những cuộc Hội thảo lịch sử tiếp theo. Ông Huỳnh Văn Hùng cho biết, theo quy định, trước khi đặt tên đường phải lấy ý kiến và nếu có nhiều ý trái chiều thì không thể đưa ra kỳ họp Hội đồng nhân dân.
“Ở góc độ cá nhân, là người nghiên cứu, đề xuất việc đặt đổi tên đường này thì tôi hơi tiếc. Vấn đề dừng lại đến khi nào thì tôi chưa trả lời được. Bởi vì sau này phải chờ những cuộc hội thảo tiếp theo thì sẽ đưa lại vấn đề này ra bàn. Nếu thuận lợi thì chúng ta đặt tên đường. Chúng tôi sẽ không đưa vấn đề này bàn ở Hội đồng nhân dân nữa. Vì mình phải căn cứ vào Nghị định 91, có đưa lên cũng không được”, ông Hùng nói.
Theo Nghị định 91 của Chính phủ về việc ban hành quy chế đặt, đổi tên đường thì: Đối với những nhân vật lịch sử còn có ý kiến đánh giá khác nhau hoặc chưa rõ ràng về mặt lịch sử thì chưa xem xét đặt tên cho đường, phố và công trình công cộng.
Được biết, tại thành phố Hồ Chí Minh đã có tên đường Alexandre de Rhodes từ lâu, trong khi thành phố Đà Nẵng thì đang vấp phải tranh cãi về việc này./.