So với những công trình khác của TP.HCM, giá trị công trình tuy không lớn nhưng đáp ứng mong mỏi của người dân ven dòng Kênh Đôi suốt mấy chục năm qua. Đây cũng là động lực để Quận 8 đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội.

Công trình dân sinh thiết thực

Mỗi khi nhắc đến Quận 8, người dân TP.HCM đều nghĩ ngay đến một địa phương với nhiều cù lao, kênh rạch, đời sống khó khăn. Đặc thù về địa lý như vậy kèm với diện tích thổ nhưỡng hẹp ngang và kéo dài nên phát triển kinh tế xã hội của quận này gặp không ít khó khăn. Khó nhất là việc phân bổ tiềm lực, đầu tư các thiết chế văn hóa, hạ tầng giao thông, an sinh xã hội.

Ông Trần Công Thành một người dân cố cựu ở Quận 8 kể, trước đây người dân các phường 5, 6, 7 phía bên này Kênh Đôi và người dân bên kia kênh Tàu Hủ thuộc phường 13, 14,15,16 muốn khám bệnh chuyên sâu hơn phải di chuyển gần chục km để đến Bệnh viện Quận 8 hoặc sang những bệnh viện tuyến trên.

Gần đây, người dân rất phấn khởi khi Quận 8 đã sớm xây dựng và đưa vào hoạt động Trung tâm Y tế mới ở khu vực Bình Đăng, trung tâm phía Nam của địa phương này. Người dân ven Kênh Đôi, kênh Tàu Hủ là những người được hưởng lợi nhiều nhất.

"Khi có Trung tâm Y tế, bà con gần đây thấy tiện lợi vô cùng, bớt đi xa. Bởi nhiều người không có xe cộ, không người đưa đón nên cũng khá tốn kém, vất vả. Bà con địa phương được vào đây điều trị gần nhà là quá tốt rồi. Đây cũng là nhu cầu của bà con cô bác tại khu vực này, nếu nhà nước có điều kiện mở thêm những nơi khám chữa bệnh vầy là quá tốt cho người dân", ông Trần Công Thành nói.

Dự án Trung tâm Y tế Quận 8, TP.HCM được xây dựng trên diện tích gần 5.300 m2, quy mô 1 trệt, 4 lầu, tổng vốn đầu tư trên 107 tỷ đồng, riêng chi phí xây lắp và thiết bị trên 87 tỷ đồng.

Việc hoàn thành, đưa vào sử dụng công trình này không chỉ đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân Quận 8 mà cả các xã Bình Hưng, Phong Phú của huyện Bình Chánh nằm giáp ranh.

Bà Lê Tuyết Loan, một người dân địa phương chia sẻ, sau khi Trung tâm Y tế hoạt động thì 2 tuyến đường nhựa ngang 8m và 20m để vào Trung tâm cũng thông xe. Người dân giờ di chuyển thuận tiện, không còn cảnh nắng thì bụi mịt mù, mưa thì lầy lội như trước.

"Trung tâm mở ra rất đẹp, đường sá đông đúc, bà con rất phấn khởi. Ở gần đây, có gì chạy vô đây khám, điều trị luôn, đỡ đi xa. Từ ngày mở đường đây người dân vô ra nhiều rất xôm tụ, đông đúc", bà Lê Tuyết Loan chia sẻ.

Khơi thông điểm nghẽn liên phường

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Thượng Hiền ở cư xá Nam Hải, Phường 4, Quận 8: Nhiều người dân tại khu hẻm tiếp giáp với nhà thờ Nam Hải đã khốn khổ hàng chục năm qua. Đoạn đường trước nhà từng là một khu chợ tự phát, môi trường ô nhiễm, người dân bức xúc. Không những thế, đường còn hẹp và rất nhiều ổ gà, ổ voi.

Khi trời mưa, mặt đường sình lầy dơ bẩn, còn trời nắng thì bụi bặm mù mịt. 20 năm trước, hai đầu tuyến đường này đã được đưa vào sử dụng nhưng vì những lý do khách quan mà điểm nghẽn tại giao lộ đường Tạ Quang Bửu và Phạm Hùng (khu vực nhà thờ Nam Hải) phải đình trệ hàng chục năm trời.

Theo đó, đường Tạ Quang Bửu được khởi động trở lại vào tháng 4/2023, tổng mức đầu tư hơn 330 tỉ đồng. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực Quận 8 khẩn trương hoàn tất các hạng mục hạ tầng kỹ thuật ngầm, như cáp điện, đường ống cấp nước. Đồng thời, hoàn tất thi công mặt đường, phần trên cao có hệ thống điện trung hạ thế, cáp thông tin, cây xanh, chiếu sáng đô thị…

Ông Hiền cho biết, một tuyến đường liền mạch góp phần chỉnh trang đô thị, giải quyết tình trạng chợ tự phát và cải thiện rất nhiều điều kiện kinh doanh, mua bán của người dân.

"Khi mở rộng đường, gia đình mình là một trong những hộ thực hiện di dời giải tỏa đầu tiên… Dù biết có ảnh hưởng tới kết cấu căn nhà, nhưng mình vẫn thực hiện giải tỏa. Bởi mình ý thức và suy nghĩ được khi mở rộng tuyến đường này người thụ hưởng không ai khác chính là người dân tại chỗ. Khi đường được mở rộng thì chắc chắn khu nhà mình sẽ giá trị hơn, sạch đẹp và khang trang hơn", ông Hiền nói.

Vượt qua nhiều khó khăn, Quận 8 đã kịp thời đưa vào hoạt động 3 công trình ý nghĩa trước thềm kỷ niệm ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước 30/4.

Theo ông Trần Thanh Tùng, Chủ tịch UBND Quận 8, TP.HCM, đến thời điểm này tuyến đường thông suốt từ phường 2, 3, 4, 5, 6 trở thành trục giao thông chính của Quận 8 kết nối các tuyến đường lớn như: Quốc lộ 50, Phạm Hùng, Cao Lỗ, Dương Bá Trạc với đại lộ Nguyễn Văn Linh và khu đô thị mới Nam TP. Với mong ước của người dân Quận 8 suốt hơn 30 năm qua, “Lộ thông - Tài thông” là điều kiện kích hoạt những tiềm năng quan trọng khác để phát triển kinh tế - xã hội.

Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Phạm Quang Tú, Phó Chủ tịch UBND Quận 8 cho biết: Thời gian tới, địa phương mong sớm có thể triển khai thi công đường Tạ Quang Bửu ở đoạn Phường 2, 3 và phần còn lại của Phường 6 để tuyến đường thông suốt toàn bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia giao thông, giảm bớt áp lực cho trục đường Phạm Thế Hiển:

"Cùng với sự phát triển hình thành những trung tâm y tế mới, sắp tới Quận 8 sẽ triển khai các mạng lưới y tế bác sỹ gia đình với hệ thống các trạm y tế phường cũng sẽ được nâng cấp sẽ tạo được mạng lưới y tế phủ kín, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu về dịch vụ y tế của người dân trong thời gian tới", ông Phạm Quang Tú cho biết.

Quận 8 sẽ tiếp tục triển khai xây dựng, nâng cấp một số tuyến đường như: đường D8 (nối Tạ Quang Bửu – Bùi Minh Trực), nâng cấp chống ngập các tuyến đường quanh chợ Phạm Thế Hiển, Dự án nạo vét rạch Xóm Củi; Dự án cải thiện môi trường khu vực bờ bắc Kênh Đôi…Đồng thời, quận tiếp tục đẩy mạnh những công trình an sinh, phúc lợi công cộng để phục vụ người dân.