Cục Hàng không Việt Nam vừa có Công điện gửi các cơ quan, đơn vị có liên quan về với siêu bão Goni (bão số 10) trên biển Đông và khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.
Theo tin từ Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hồi 1 giờ sáng ngày 2/11/2020, bão Goni đã đi vào biển Đông, chính thức trở thành cơn bão số 10 năm 2020 ảnh hưởng đến Việt Nam. Theo dự báo, ngày 5/11, bão số 10 sẽ đổ bộ vào đất liền các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa của nước ta.
Triển khai Công điện của Bộ GTVT đồng thời chủ động ứng phó với siêu bão Goni, đảm bảo an toàn hoạt động bay, người và tài sản tại các cảng hàng không, sân bay, hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến khai thác, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các cơ quan, đơn vị tổ chức trực 24/24 giờ theo quy chế Trực ban phòng, chống thiên tai trong ngành hàng không dân dụng.
Đối với Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM), Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu VATM chỉ đạo các cơ sở cung cấp dịch vụ khí tượng hàng không tăng cường công tác đảm bảo chất lượng thông tin khí tượng; liên tục theo dõi tình hình thời tiết trong khu vực trách nhiệm, cập nhật các bản tin dự báo, cảnh báo; cung cấp đầy đủ kịp thời thông tin quan trắc, dự báo, cảnh báo tới người dùng.
Bên cạnh đó, Cục Hàng không Việt Nam cũng yêu cầu các Cảng hàng không, các hãng hàng không, các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay tăng cường công tác phối hợp; theo dõi chặt chẽ diễn biến của siêu bão bão số 10 để có phương án đóng, mở sân bay hoặc thay đổi lịch bay cho phù hợp và đảm bảo an toàn tuyệt đối hoạt động bay.
Các đơn vị trên triển khai phương án phòng chống mưa, bão, các biện pháp phòng chống ngập úng, khơi thông dòng chảy trong Cảng hàng không, sân bay, bảo vệ cho các công trình, phương tiện, thiết bị tại Cảng, hạn chế thiệt hại do mưa, bão gây ra đến mức thấp nhất và nhanh chóng ổn định mọi hoạt động hàng không phục vụ các nhu cầu của hành khách.
Với các Cảng vụ hàng không, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các Cảng vụ giám sát công tác triển khai các nội dung ứng phó tại các Cảng hàng không liên quan; bảo đảm liên lạc thông suốt với Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Cục Hàng không và các cơ quan, đơn vị liên quan trong phạm vi trách nhiệm để triển khai ứng phó trong mọi tình huống.
Cục Hàng không cũng yêu cầu triển khai phương án phòng chống mưa, bão, các biện pháp phòng chống ngập úng, khơi thông dòng chảy trong cảng hàng không, sân bay, bảo vệ cho các công trình, phương tiện, thiết bị tại cảng hàng không, hạn chế thiệt hại do mưa, bão gây ra đến mức thấp nhất và nhanh chóng ổn định mọi hoạt động hàng không phục vụ các nhu cầu của hành khách.
"Các cảng vụ hàng không giám sát công tác triển khai các nội dung ứng phó tại các cảng hàng không liên quan; bảo đảm liên lạc thông suốt với các cơ quan, đơn vị liên quan trong phạm vi trách nhiệm để triển khai ứng phó trong mọi tình huống", Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu.
Theo dự báo của Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia ngày 5/11, bão sẽ đổ bộ vào đất liền và sẽ suy yếu do tác động của bề mặt đất, độ ẩm và năng lượng của bão giảm.
Tuy nhiên, bão vẫn có thể gây thiệt hại khu vực miền Trung, trọng tâm là Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ./.