Chống tham nhũng nhưng tránh làm cán bộ sợ

Cử tri 3 địa phương có nhiều lượt ý kiến về công tác phòng chống tham nhũng. Cử tri đánh giá, chưa bao giờ công tác này được làm quyết liệt, đúng tinh thần “không có vùng cấm” như hiện nay. Tuy nhiên, cũng có nhiều băn khoăn về công tác quản lý cán bộ, kê khai tài sản vẫn chưa được triển khai nghiêm túc, còn hình thức kiểu “bốc thăm, bốc thuốc”...

Cử tri Bùi Văn Kiểm (huyện Nhà Bè) đề xuất: "Cần phải làm nghiêm túc, không có ngoại lệ, phải coi việc kê khai tài sản là vi phạm pháp luật và phải nghiêm trị để góp phần phòng chống tham nhũng. Tài sản hồi lộ, tham nhũng phải thu hồi".

Cử tri Nguyễn Thị Đoan Trang (huyện Nhà Bè) cho rằng, thiệt hại trong các vụ án, như vụ Vạn Thịnh Phát mới đây là rất lớn, “không tưởng” khi số tiền thất thoát gấp hơn 1,5 lần thu ngân sách của TP.HCM năm 2023. Do đó, cần phải làm nghiêm công tác phòng chống tham nhũng, thu hồi tài sản thất thoát nhưng cũng phải làm sao để tránh tình trạng cán bộ “không làm vì sợ sai”:

"Không chỉ ở cấp cao mà còn phải xử lý “tham nhũng vặt” gây phiền hà người dân, doanh nghiệp. Bên cạnh đó cũng phải hoàn thiện các cơ chế cùng hệ thống pháp luật để tránh việc cán bộ công chức vì sợ sai mà e ngại, không nhiệt tình trong công việc"- cử tri Trang nói.

Ngoài ra, cử tri cũng có một số ý kiến như Quốc hội cần tăng cường các giám sát chuyên đề các vấn đề lớn; quan tâm đến phát triển ĐBSCL, vựa lúa cả nước; chính sách tiền lương.

Cử tri đánh giá cao việc xử lý nồng độ cồn thời gian qua và đề nghị cần tiếp tục duy trì. Trong mùa nắng nóng hiện nay, nhu cầu sử dụng điện cao nên cử tri cũng kiến nghị EVN có chính sách hỗ trợ.

Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng “chưa có tiến triển”

Đặc biệt, cử tri Quận 7 và huyện Nhà Bè có nhiều lượt ý kiến về dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng vẫn “đắp chiếu” trong khi mùa mưa ngập đang đến. Ô nhiễm tại bãi rác Đa Phước gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống sinh hoạt của người dân. Các công trình dự án giao thông trên địa bàn thi công kéo dài gây bức xúc trong nhân dân…

Ngay tại buổi tiếp xúc cử tri, đại diện UBND các địa phương, các sở, ngành có liên quan đã trả lời các ý kiến cử tri. Về bãi rác Đa Phước, Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường Nguyễn Toàn Thắng cho biết, bãi rác này được sử dụng từ năm 2006 với công nghệ chôn lấp (phù hợp thời điểm đó). Hiện nay việc chôn lấp đã đầy nên có mùi, ảnh hưởng đến người dân. Trước mắt, cơ quan chức năng đang thực hiện các giải pháp để hạn chế mùi hôi.

Ông Nguyễn Toàn Thắng mong cử tri thông cảm những nguyên nhân do lịch sử, bối cảnh công nghệ khi thực hiện dự án: "Nhu cầu hiện nay về rác thải rất lớn, mỗi ngày thải ra 10.000 tấn/ngày nên đòi hỏi có những khu vực xử lý triệt để. TP.HCM quyết tâm đến 2025 là 80% phải chuyển sang công nghệ đốt và sau năm 2025 là chuyển sang công nghệ đốt 100%. Bước này đã đặt ra và sẽ xử lý triệt để trong đó có chuyển toàn bộ bãi rác Đa Phước sang công nghệ đốt".

Phát biểu tại buổi tiếp xúc, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi ghi nhận các ý kiến xác đáng, tâm huyết, tinh thần xây dựng, không chỉ với các vấn đề của địa phương mà còn của đất nước.

Ông Phan Văn Mãi cho biết, trong các lần tiếp xúc có cử tri nói “Khi làm Chủ tịch, không cần làm gì cao siêu mà chỉ cần giải quyết được kẹt xe, ngập nước, bớt ô nhiễm thì đã là Chủ tịch giỏi rồi”. Hiện bản thân Chủ tịch UBND TP.HCM vẫn đang cố gắng thực hiện ý kiến này.

Đây là việc rất lớn, TP và các địa phương vẫn đang tập trung các dự án, lớn, nhỏ, thiết thực phục vụ cho người dân, làm sao giảm ngập nước, xóa điểm đen về môi trường, giao thông…Ngoài ngân sách đầu tư công thì TP.HCM sẽ tiếp tục vận động nguồn vốn xã hội hóa.

Về dự án chống ngập 10.000 tỷ, ông Phan Văn Mãi cho biết, “Thông tin về dự án này so với lần tiếp xúc cử tri lần trước thì không có gì tiến triển hơn và đây là vấn đề nhức nhối”.

Hiện dự án đã hoàn thành 90% tổng khối lượng, còn lại 10% nhưng nhà đầu tư không còn kinh phí để triển khai tiếp. Các biện pháp vay trước đây từ ngân hàng đã dừng lại, huy động trái phiếu, huy động các nguồn khác không có nên nhà đầu tư đề nghị TP.HCM thanh toán khối lượng đã hoàn thành được kiểm toán. 

TP thống nhất việc này nhưng phải theo quy định của pháp luật, đây là dự án BT (Xây dựng- Chuyển giao) nên dự án phải hoàn thành, thanh toán bằng đất trước, thanh toán bằng tiền sau. Những quy định này kéo dài và đến giờ này TP chưa thanh toán được. Mặc dù năm 2023 TP.HCM đã bố trí 5.700 tỷ đồng, năm 2024 là 6.800 tỷ đồng cho dự án nhưng vẫn chưa giải ngân được đồng nào, nhà thầu không có tiền để làm tiếp dự án.

Theo ông Phan Văn Mãi, việc này còn dẫn đến một hệ quả là giải ngân đầu tư công không hết, “là lỗi kép” nhưng theo quy định pháp luật thì không thể thực hiện được. TP.HCM đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép cơ chế để nhà thầu có thể vay ngân sách TP, hoàn thiện dự án và trên cơ sở đó sẽ làm thủ tục thanh toán.

"Chúng tôi cố gắng làm trong năm nay và Thủ tướng chỉ đạo làm khẩn trương. Nếu có cơ chế này, nhà đầu tư nói khi có tiền, cho 2 tháng khởi động lại các hợp đồng và 6 tháng sẽ hoàn thành thi công. Chúng tôi rất tập trung thực hiện theo lộ trình này nhưng đầu tiên phải có cơ chế để có kinh phí cho nhà thầu hoàn thành, theo đề nghị của nhà thầu là 1.800 tỷ đồng"- ông Phan Văn Mãi nói.