Như VOV.VN đã thông tin, kể từ tháng 5/2022, dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, giao thông đi lại của người dân trở lại bình thường thì tình trạng đón trả khách dọc đường Giải Phóng, Phạm Hùng… lại tái diễn. Hiện tượng đón, trả khách, nhận hàng, trả hàng ngay dưới lòng đường các điểm này diễn ra khá phổ biến được ví như “căn bệnh mãn tính” và chưa có thuốc đặc trị.

Cứ vắng bóng lực lượng chức năng là lại có xe khách “rùa bò”

Theo ghi nhận của phóng viên, trên đường Phạm Hùng, Giải Phóng, nhất là đoạn đối diện các bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm nhiều xe khách đi với tốc độ rùa bò, thậm chí dừng lại đến 15-20 phút để đón, trả khách nhưng không thấy lực lượng chức năng làm nhiệm vụ kiểm soát, xử lý.

Trả lời phóng viên VOV.VN, Thiếu tá Phạm Đức Hoàng – Đội trưởng Đội CSGT số 14, Phòng CSGT – CA TP. Hà Nội (đơn vị phụ trách địa bàn có bến xe Giáp Bát và bến xe Nước Ngầm) cho biết, sau dịch Covid-19, lượng xe khách ở các tỉnh trở lại hoạt động bình thường, thế nhưng số người đi xe vận tải theo tuyến cố định thì giảm mạnh. Lượng khách trong bến không đảm bảo, do đó, lái xe cũng như các nhà xe đón, trả khách dọc đường.

Qua thực tế điều tra, nắm bắt, việc dừng đỗ đón khách chủ yếu tập trung vào một số các đầu xe như xe có biển 35, xe tuyến cố định, xe tuyến Hà Nội - Ninh Bình. Từ đầu năm đến nay, riêng Đội CSGT số 14 đã xử lý gần 800 trường hợp xe khách liên quan đến dừng đỗ và đón trả khách sai quy định, trong đó riêng xe biển 35 (tuyến Hà Nội – Ninh Bình) xử lý gần 200 trường hợp.

“Chúng tôi làm việc cùng đơn vị quản lý bến xe phía Nam được biết số lượng xe Ninh Bình có trên 60 đầu xe, tính ra trung bình từ 6h sáng đến 18h tối, cứ 1 giờ có 5-6 đầu xe xuất bến. Với 15-20 phút/chuyến, lượng khách trên xe chỉ có 1-3 hành khách, do đó, để đảm bảo lợi nhuận chắc chắn dẫn đến việc người điều khiển phương tiện bắt khách ở ngoài. Ngoài ra, nhiều khách ngại vào bến xe nên đứng ở ngoài cổng bến hoặc ngoài đường để đón xe”, Thiếu tá Phạm Đức Hoàng cho hay.

Tăng cường camera xử phạt nguội để xử lý xe khách chạy “rùa bò”

Lý giải về tình trạng sau nhiều đợt ra quân xử lý xe khách chạy “rùa bò” đón, trả khách mà không thể dứt điểm, Thiếu tá Phạm Đức Hoàng cho rằng quy định pháp luật liên quan đến việc quản lý hoạt động vận tải cố định còn thiếu chặt chẽ cũng gây khó khăn cho lực lượng cảnh sát giao thông.

“Theo Nghị định số 10 của Chính phủ và Thông tư số 12 của Bộ Giao thông vận tải có hiệu lực từ tháng 7/2020, quy định chỉ tước và thu hồi phù hiệu của tuyến xe cố định khi vi phạm 5 lần liên quan đến tốc độ trên 1000 km. Các hành vi khác như dừng đón trả khách, hoặc vi phạm dừng đỗ xe không đúng quy định hay liên quan đến các hành vi khác thì không có quy định về việc thu hồi biển hiệu, phù hiệu. Do đó, dù bị lực lượng cảnh sát giao thông xử lý, tình trạng xe khách tuyến cố định đón trả khách dọc khu vực bến xe phía Nam vẫn có, chưa kể luôn có nhiều đối tượng “cò” để hoa tiêu, báo cho các nhà xe khi có bóng lực lượng chức năng”, Thiếu tá Phạm Đức Hoàng lý giải.

“Chúng tôi phải xử lý nhiều chuyên đề từ nồng độ cồn, an toàn trật tự giao thông, xe dù, xe khách, biển giả, thay đổi biển số trốn xử lý, xe quá khổ, quá tải… đến tuần tra đường vành đai 3 trên cao để hỗ trợ giao thông khi có sự cố. Thực tế tất cả anh em trong đội đều phải nỗ lực trên 100% trách nhiệm, sức lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trên địa bàn quản lý, hệ thống xử phạt nguội chưa được lắp đặt nhiều, trong khi không phải lực lượng chức năng lúc nào cũng có mặt để xử lý được. Tôi kiến nghị trong thời gian tới, thành phố quan tâm lắp đặt hệ thống camera xử phạt nguội dọc tuyến Giải Phóng, Pháp Vân sẽ hỗ trợ rất lớn trong kiểm soát các trường hợp dừng đỗ, đón trả khách sai quy định”, Thiếu tá Phạm Đức Hoàng đề xuất.

Phụ trách địa bàn khá rộng và phức tạp, trong đó có bến xe Mỹ Đình và một phần đường vành đai 3 trên cao, Đội CSGT số 6, Công an Hà Nội cũng phải hoạt động hết công suất, chia ca liên tục 24/24h tuần tra kiểm soát, phủ kín địa bàn.

Thượng úy Nguyễn Văn Hùng, cán bộ Đội CSGT số 6 cho biết, những đối tượng “cò” di chuyển cơ động thường xuyên báo cho các nhà xe nơi có lực lượng chức năng ứng trực để có biện pháp né tránh, thay đổi điểm đón.

“Nhà xe thì tìm mọi cách để lách cơ quan chức năng. Người dân thì dù được tuyên truyền vận động nhiều nhưng vẫn tiện gần nhà hoặc cung đường đang đi để hẹn nhà xe qua đón, hay gửi hàng hóa. Đấy là những yếu tố gây bất lợi, khó khăn cho chúng tôi trong công tác xử lý vi phạm. Địa bàn chúng tôi phụ trách rất rộng, và có nhiều lối ra vào, nên lực lượng tuần tra kiểm soát cũng phải lưu động trên tuyến xử lý liên tục, không dừng quá lâu tại 1 điểm nên cũng không tránh khỏi có lúc xe và người lách luật. Chúng tôi cũng đang cố gắng xử lý triệt để vấn đề này”, Thượng úy Nguyễn Văn Hùng cho hay.

Trả lời câu hỏi về hành vi đón, trả khách trên cao tốc nơi đơn vị quản lý, Thượng úy Nguyễn Văn Hùng thừa nhận sự việc có xảy ra trên địa bàn.

“Đây là hành vi cực kỳ nguy hiểm đối với người người tham gia giao thông, bởi vì các phương tiện lưu thông trên cao tốc với tốc độ cao, chỉ cần một sơ sẩy cũng khiến mình không thể xử lý kịp. Tại các điểm nóng này, Công an TP.Hà Nội đã lắp đặt các hệ thống camera giám sát để xử lý phạt nguội thông qua việc gửi thông báo cho các nhà xe khách…”, Thượng úy Nguyễn Văn Hùng cho biết thêm.

Trong thời gian tới, Phòng CSGT Hà Nội nói chung, và đội CSGT số 6, 14 nói riêng tập trung vào một số chuyên đề như xe khách trả khách không đúng nơi quy định, đi chậm rùa bò bắt khách, xe tải chở quá khổ quá tải, cơi nới thành thùng, người tham gia giao thông sử dụng rượu bia, vượt đèn đỏ, xe chạy vào làn khẩn cấp trên đường cao tốc…Đặc biệt là giữ an toàn trật tự giao thông khi sắp tới, số lượng lớn sinh viên các tỉnh sẽ về Hà Nội để nhập học./.