>> Covid-19 tái bùng phát: “Chia lửa” ở tâm dịch Đà Nẵng
>> Đà Nẵng gồng mình chống dịch Covid-19 tái bùng phát
Trong “cuộc chiến” không tiếng súng ấy, hình ảnh các chiến binh áo trắng kiên cường bám trụ, ngày đêm quên ăn, bỏ ngủ, làm việc đến kiệt sức để cứu chữa bệnh nhân đã viết nên câu chuyện đẹp về tình người. Cả thành phố cách ly, giãn cách nhưng lòng người thì xích lại gần nhau, lan tỏa yêu thương.
Cuối tháng 7, đầu tháng 8, những chiếc xe cứu thương chạy như con thoi trên đường phố Đà Nẵng. 91 cán bộ, nhân viên cùng 14 xe cứu thương của Trung tâm Cấp cứu 115 Đà Nẵng phải làm việc cả ngày lẫn đêm. Cường độ làm việc rất cao khiến nhiều người mất nước, ngất lịm. Y sĩ Trần Đức Thành vừa chạy xe từ Bệnh viện Trung ương Huế trở về, chưa kịp ăn bát cơm đã nhận lệnh chuyển gấp mấy bệnh nhân Covid-19 rất nặng đến Bệnh viện dã chiến Hòa Vang. Lần này do căng sức làm việc liên tục trong môi trường nguy hiểm, dễ bị lây nhiễm lại phải mặc bộ đồ bảo hộ bịt bùng từ đầu đến chân, việc ăn ngủ thất thường khiến Thành bị kiệt sức.
"Cường độ làm việc gấp 3, 4 ngày bình thường, đi nhiều giờ liên tục trên xe nên anh em mất nước, sốc nhiệt. Tôi, hôm đó đi về 4 giờ chiều thì chịu không nổi nên ngất. Tôi cũng xác định chấp nhận khó khăn và vượt qua tất cả", y sĩ Thành nói.
Trong những ngày đầu dịch Covid-19 tái bùng phát, nhìn các y, bác sĩ mệt lả, gục đầu trên bàn làm việc, cuộn người nơi góc cầu thang, hay nằm co ro trong những chiếc thùng cotton dọc dãy hành lang…. tranh thủ chợp mắt trước khi vào ca trực, ai cũng xót xa, cảm phục. Căng thẳng, mệt mỏi nhưng không ai chùn bước; từ cô hộ lý, chị điều dưỡng đến các y, bác sĩ, đều thắp sáng tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Họ gác lại niềm riêng, xông pha nơi tuyến đầu. Đó là nữ bác sĩ ở Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng, mẹ chết vẫn không thể về chịu tang. Đó là nữ điều dưỡng của Bệnh viện quận Thanh Khê chỉ còn 2 ngày nữa làm lễ cưới thì dịch ập đến, đám cưới phải tạm dừng, cô đành chia tay người thân bước lên tuyến đầu chống dịch.
Điều dưỡng viên Nguyễn Thị Thanh Tâm ở Khoa Nội 3, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng hơn 1 tháng nay chưa được về nhà. 3 đứa con thơ, chị nhờ ông bà chăm sóc. Đứa nhỏ nhất còn ẵm ngửa, vừa mới cai sữa đã phải xa vòng tay mẹ. Sau mỗi ca trực, lúc nghỉ ngơi chị gọi điện thoại nói chuyện với tụi nhỏ, nghe giọng con ngọng nghịu “Mẹ ơi! bao giờ mẹ mới về! ”, chị Tâm rưng rưng nỗi nhớ con: "Con nhớ mẹ nên nó cũng gọi điện nhiều, nhưng thời gian sau cũng hạn chế, nhớ quá thì mới điện, chứ điện về lúc nào cũng khóc, làm con nhớ mình thêm nên không dám điện".
Những chiến sĩ áo trắng nơi tuyến đầu không ngại gian nan với quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh. Họ tự cắt bỏ mái tóc dài thướt tha để phù hợp với bộ đồ bảo hộ, thuận tiện cho công việc cường độ cao, áp lực lớn. Làm việc sáng đêm, quên ăn mất ngủ, họ không nề hà nhưng mỗi lần nghe tin một đồng nghiệp nhiễm bệnh, hay một bênh nhân mắc Covid-19 vừa tử vong, tro cốt chưa ai đến nhận, lòng họ quặn đau như muối xát.
Chị Đặng Thị Công, Điều dưỡng trưởng Bệnh viện dã chiến Hòa Vang cho biết, cứ mỗi lần tiễn bệnh nhân khỏi bệnh, rời bệnh viện ra về, niềm vui không thể nói hết: "Trong môi trường bệnh viện thời điểm điều trị Covid-19 này, tất cả chúng tôi coi đây như ngôi nhà thứ 2 của mình. Bệnh nhân từ những em bé 8 tháng tuổi đến những người già mình phải chăm sóc toàn bộ từ ăn uống đến đại tiểu tiện là mình phải làm hết. Cả đêm ngủ không được. Và tôi nghĩ rằng ở phía trước cổng Bệnh viện dã chiến này, người dân đều hướng về chúng tôi. Vì vậy, chúng tôi sẽ nỗ lực hết mình, chúng tôi sẽ làm tốt".
Thành phố cách ly dập dịch, lòng người xích lại gần nhau. Không để Đà Nẵng đơn độc trong cuộc chiến chống dịch, ngay từ những ngày đầu, Bệnh viện Trung ương Huế đã “chia lửa”, tiếp nhận điều trị bệnh nhân mắc Covid-19, giảm tải cho bệnh viện Đà Nẵng. Bác sĩ Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, để đáp ứng yêu cầu cấp cứu, điều trị một số lượng lớn bệnh nhân mắc Covid-19, bệnh viện đã tăng cường hơn 180 y, bác sĩ, điều dưỡng làm việc cả ngày lẫn đêm: "Bệnh viện Trung ương Huế chia sẻ với các bệnh viện ở Đà Nẵng, đón những bệnh nhân rất nặng. Trên tinh thần là hỗ trợ cho tỉnh bạn. Trong bối cảnh dịch bệnh rất phức tạp sẽ hỗ trợ Đà Nẵng những việc điều trị".
Sau hơn 1 tháng gồng mình chống dịch, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng, Bệnh viện Hải Châu, Bệnh viện Đà Nẵng đến các khu dân cư lần lượt được dỡ bỏ phong tỏa trong sự vui mừng của cả cộng đồng. Và người dân vui hơn, khi liên tiếp những ngày qua, Đà Nẵng không ghi nhận thêm những ca mắc mới, số lượng bệnh nhân mắc Covid -19 điều trị khỏi được xuất viện tăng từng ngày.
PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại Đà Nẵng, vị tổng chỉ huy tuyến đầu, thực sự cảm động khi chứng kiến đội ngũ y bác sĩ nơi tâm dịch đã làm việc xuyên đêm, cứu sống người bệnh: "Điều mà tôi thấy cảm động nhất đó là sự vào cuộc, sự nỗ lực tận tụy của toàn thể ngành y tế ở tại những bệnh viện như Bệnh viện Phổi, Bệnh viện dã chiến Hòa Vang, kể cả các bệnh viện như Bệnh viện C, Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng đều thấy anh em y tế trong những bộ đồ bảo hộ rất nóng nực làm việc 5, 6 tiếng liên tục mới thay ca. Có những bữa cơm trưa vẫn để trên bàn, đến 2, 3 giờ chiều anh em mới được ăn. Đó là những hình ảnh mà tôi vô cùng cảm phục và tự hào đối với những anh em ngành y tế".
Trong những ngày căng mình chống dịch, ai cũng tin rằng, dịch bệnh sẽ nhanh chóng bị đẩy lùi; Thành phố sẽ trở lại bình yên đúng nghĩa một thành phố đáng sống. Đó cũng chính là tình cảm, niềm tin mà cô Nguyễn Thị Ngọc Uyển, giáo viên trường THPT Phan Châu Trinh Đà Nẵng gửi gắm trong bài thơ “Đà Nẵng ngày bão giông”. Bài thơ này được cô giáo Uyển viết tặng “ông xã” là bác sĩ Trịnh Minh Thế, Trưởng khoa Gây mê hồi sức, Bệnh viện C Đà Nẵng đang cách ly tại bệnh viện: "Cảm xúc dâng trào nên mình đã viết bài thơ “Đà Nẵng ngày bão giông”. Mình viết bài thơ này đầu tiên mình nghĩ đến ông xã mình, rồi các cộng sự, đồng nghiệp của ông xã, mình gửi cả tâm tư, nguyện vọng của mình vào bài thơ. Hai câu cuối là “Ở trong kia tất cả sẽ yên bình. Ở ngoài này màu nắng sẽ lung linh".
Tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái luôn tỏa sáng nơi tâm dịch. Tình yêu thương của mọi người đã tiếp sức cho các chiến binh áo trắng đứng vững trước hiểm nguy, tận tình điều trị, cứu chữa bệnh nhân với tâm thế “chưa hết dịch, chưa trở về nhà". Và trong hoạn nạn, thành phố Đà Nẵng không bỏ ai ở lại phía sau./.