Thất nghiệp, thiếu ăn, không thể lo cho con học online!
Dịch bệnh COVID-19 làm vợ chồng chị Đỗ Thị Xuân Chiều và Nguyễn Quốc Hùng, tạm trú tại phường Phú Hòa, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương thất nghiệp nhiều tháng trời. Mất việc, gia đình phải đi vay mượn khắp nơi để mua tạm đồ ăn và xin hỗ trợ từ các nhà hảo tâm để lo cho 3 đứa con nhỏ. Để tiết kiệm, mỗi ngày cả nhà chỉ dám ăn uống tằn tiện với nước tương, tí rau, hay mì gói. Khó khăn là vậy nhưng họ vẫn cố gắng cho hai đứa con được đi học. Thế nhưng, khi nghe thông báo con trai lớn học lớp 6, con nhỏ lên lớp 4 phải học trực tuyến suốt 2 tháng khiến chị không khỏi lo lắng, bởi gia đình chỉ có mỗi cái điện thoại cảm ứng nhưng cứ hư lên hư xuống.
Chị Chiều tâm sự, cả sách vở còn không có tiền mua thì lấy đâu ra mua điện thoại, máy tính cho con học tập. Bí quá, chị đã gọi cho cô giáo chủ nhiệm các bé để xin được hỗ trợ. Nếu không có đành ngậm ngùi chấp nhận con học chậm hơn các bạn: “Em mới sinh đẻ ngay dịch bệnh nên không làm ăn gì được. Ăn cũng phải xin, lấy tiền đâu mà mua sách vở cho con học. Em chỉ mong muốn các nhà hảo tâm giúp đỡ cho con em có sách vở, thiết bị để học cho không thua người ta. Vợ chồng em không được học hành như bao người nên không muốn con em bị thất học”.
Dịch bệnh COVID-19 không chỉ khiến cuộc sống gia đình chị Lê Thị Hồng Đào (35 tuổi, ngụ phường Bình Chuẩn, thành phố Thuận An) khốn khó mà còn cướp đi người đàn ông trụ cột trong gia đình. Đôi vai của chị đã nặng gánh nay càng thêm nặng khi phải một mình lo cho 3 đứa con thơ. Năm nay, con lớn vào lớp 9, con nhỏ lên lớp 4 nhưng gia đình chỉ có mỗi một cái điện thoại, chị không biết mượn ở đâu để mua sắm thiết bị cho con học tập.
Theo tìm hiểu của chị Đào máy tính có giá tầm dưới 10 triệu đồng nhưng với tình hình hiện tại đây là số tiền không nhỏ để mua cho con học tập. Lúc đầu, chị tính cho con trai lớn nghỉ học nhưng thương con chị không nỡ vì đã hứa với chồng là sẽ lo cho các con. Chị Hồng Đào nghẹn ngào: “Em cũng hứa với chồng em, lúc còn sống ông hay nói ba mẹ cực khổ cỡ nào cũng lo cho các con ăn học. Trừ khi các con học không được, không lên lớp được thì thôi chứ nếu con học được sẽ cố gắng tìm đủ mọi cách, mọi kiểu chứ để nó không được học thì cũng tội lắm”.
Lo lắng của gia đình chị Xuân Chiều, chị Hồng Đào cũng là nỗi niềm chung của hơn 60.000 gia đình khó khăn ở Bình Dương khi không đủ điều kiện mua thiết bị cho học trực tuyến trong tháng 9 và tháng 10. Hơn bao giờ hết, họ rất cần sự hỗ trợ để các con được bước vào năm học mới, được tiếp thu bài vở như các bạn.
Không để các em bị bỏ lại phía sauGiải quyết nỗi lo lắng của phụ huynh, ngành Giáo dục- Đào tạo tỉnh Bình Dương đã chủ động vận động các cơ quan, tổ chức, nhà hảo tâm chung tay hỗ trợ thiết bị, cũng như huy động tất cả giáo viên, nhân viên trong ngành ủng hộ một ngày lương giúp các em học sinh.
Bà Nguyễn Thị Nhật Hằng-Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo tỉnh Bình Dương cho biết, đến nay với sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, Sở đã có gần 700 máy tính và gần 700 triệu đồng để mua thiết bị cho tặng học sinh khó khăn. Số thiết bị và tiền mặt đã được chuyển xuống các trường để trao cho các em học sinh ngay sau lễ khai giảng năm học 2011-2022: “Số máy tính còn lại, sở đã lên kế hoạch trao cho học sinh trong tuần này và tuần sau. Một số đơn vị hỗ trợ máy tính tới đâu ngành Giáo dục-Đào tạo sẽ định hướng, hướng dẫn cho các đơn vị địa chỉ cho các em học sinh để trao trực tiếp nhằm tạo ý nghĩa cho cuộc vận động này”.
Lãnh đạo tỉnh Bình Dương cho biết, cũng đã phát động Chương trình "Sóng và máy tính cho em" và phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm ủng hộ chương trình.
Song song đó, UBND tỉnh giao Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông đảm bảo đường truyền phục vụ công tác dạy và học, nhất là đối với các em học sinh đang ở trong các vùng cách ly, phong tỏa, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh; triển khai các gói hỗ trợ về giá cước, dịch vụ viễn thông cho học sinh, sinh viên trong thời gian học trực tuyến.
Ông Nguyễn Lộc Hà - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, tỉnh quyết tâm không để các em học sinh bị bỏ lại phía sau, do đó sẽ tích cực vận động để tạo mọi điều kiện cho các em được học tập.
“Kêu gọi mọi người dân, tổ chức doanh nghiệp ủng hộ Chương trình “Sóng và máy tính cho em” để hỗ trợ cho học sinh đi học mà thiếu thiết bị, đảm bảo các em có điều kiện học tập tốt. Riêng ngày giáo dục cho phép giáo viên chủ động sáng tạo trong giảng dạy bảo đảm học tốt nhất, bảo đảm sức khỏe cho học sinh”- ông Hà nói.
Với sự hỗ của tỉnh Bình Dương sẽ phần nào giúp gia đình công nhân, người dân khó khăn vơi bớt nỗi lo lắng khi con phải học trực tuyến. Việc làm này thể hiện sự tri ân của tỉnh dành cho những người đã chọn Bình Dương làm quê hương thứ 2, quyết tâm gắn bó, đóng góp cho sự phát triển của tỉnh./.