“Gắn bó với phong trào hiến máu cho đến lúc nào không còn sức thì thôi”
Vào tháng 5/1966, lúc đó ông Lê Đình Duật đang tham gia kháng chiến trong Hà Tĩnh. Khi ông và 4 đồng chí khác qua phà Địa Lợi thì thấy có một trạm cứu thương dựng ở đó và rất nhiều chiến sĩ ta đang cần máu. Thấy vậy, ông cùng các anh em của mình đã tình nguyện cho máu để cấp cứu ngay cho đồng đội. Đây là lần đầu tiên, ông biết đến “máu” và hiến máu cứu người.
Năm 1991, hoàn thành nhiệm vụ được nghỉ chế độ, ông Duật lại tiếp tục tham gia vào Hội Chữ thập đỏ ở địa phương với hoạt động chính là hiến máu và vận động hiến máu.
Theo ông Duật, năm 1999, quận Thanh Xuân – nơi ông ở mới bắt đầu biết đến phong trào hiến máu nhân đạo. Những năm đầu, việc vận động người dân tham gia hiến máu thực sự rất khó khăn, bởi vì nhiều người chưa hiểu về tác dụng cũng như sức ảnh hưởng của việc hiến máu, nên họ cảm thấy e ngại và bày tỏ sự mặc cảm với vấn đề này. Cũng vì thế nhiều gia đình chẳng cho con cái tham gia.
Để mọi người tin, làm theo, chỉ có cách là phải đi đầu làm gương. Nghĩ vậy, ông quyết định vận động, thuyết phục chính vợ con đi hiến máu. Trước tấm lòng nhiệt huyết của ông, các thành viên trong gia đình và người thân nhiệt tình ủng hộ và tham gia.
“Tôi là sĩ quan quân đội trở về, lại là một cán bộ đảng viên, với tôi phong trào hiến máu này rất quan trọng, tự bản bản thân tôi nghĩ rằng mình phải có trách nhiệm tham gia. Từ đấy, tôi tiếp tục tham gia và bám vào công việc này, không ai giao, nhưng tự mình thấy đây là nhiệm vụ đối với xã hội”, ông Lê Đình Duật chia sẻ.
Với hoạt động vận động hiến máu không ngừng, trong suốt 23 năm qua, gia đình ông đã vận động hơn 1.100 người tham gia hiến máu, trong đó có tới 989 đơn vị máu an toàn. Riêng gia đình ông đã hiến hơn 500 lần. Riêng 6 tháng đầu năm 2022, gia đình ông vẫn vận động được 82 đơn vị máu. Được biết trong đợt bùng dịch Covid-19 năm 2021, gia đình ông vẫn vận động được 147 đơn vị máu.
“Công việc này còn dài, vì vẫn còn nhiều bệnh nhân cần máu và ngân hàng máu lúc nào cũng cần máu cho công tác chữa bệnh. Chúng tôi đã xác định với ngành máu rằng gia đình tôi vẫn tiếp tục đồng hành với phong trào này, với viện huyết học cho đến khi nào không còn sức thì thôi”, ông Duật nói.
Từ sợ vợ, sợ con biết đến cả nhà cùng tham gia hiến máu
Ông Lê Trung Truyền (Văn Giang, Hưng Yên) đến nay đã hiến máu hơn 200 lần và vận động được hàng trăm người tham gia cho máu.
Ngày đầu tiên ông Truyền biết đến hoạt động hiến máu cứu người vào năm 2007. “Lúc đó, tôi vào bệnh viện Bạch Mai thăm người ốm tại một khoa máu của viện. Sau đó tham gia hiến máu tại đây. Từ đó tới nay “nghiện” suốt”, ông Chuyền cho biết.
Những ngày đầu tham gia hiến máu, ông Truyền giấu giếm vợ con vì biết kiểu gì cũng bị cấm cản. Về sau này, ông mới bắt đầu cho bà xã, cùng các con biết việc mình đang làm thì cả nhà mới hiểu ra.
Nói về điều này, bà Lê Thị Hồng Loan – vợ ông Truyền cho biết “ngày đó, mình chưa hiểu hiến máu là như thế nào. Tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng, hiến máu là lấy máu của mình, mất máu như mất đi một phần cơ thể vậy”.
Về sau này, ông Truyền dẫn bà Loan sang thăm người bệnh cần máu trong bệnh viện. Thấy bệnh nhân khổ quá, bà cũng đã thay đổi tư duy về việc cho máu cứu người.
“Thôi thì mình bớt một chút máu, góp một phần cứu sống người bệnh. Từ ngày hiểu ra vấn đề, tôi thường động viên con cái, dâu rể và các cháu đã đủ tuổi trong gia đình tham gia cùng bố”, bà Loan nói.
Thế là mỗi khi có điểm hiến máu nào ở Hà Nội được tổ chức, gia đình ông lại thuê xe 16 chỗ chở hơn 20 con người lên thủ đô hiến máu tình nguyện. Được biết trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát mạnh vừa qua, ông Truyền và gia đình cùng với những người xung quanh mà ông đã vận động lặn lội từ Hưng Yên lên Hà Nội để hiến máu.
“Những hoạt động này của tôi đều xuất phát từ cái tâm của mình. Khi chứng kiến hoàn cảnh cần máu, tôi không ngồi yên được. Vì thế, cứ đủ ngày theo quy định là tôi lại hiến máu. Với tôi hiến máu không chỉ là trách nhiệm mà đó còn là thói quen không thể bỏ được”, ông Truyền bày tỏ.
Chị Lê Thị Ngân, em gái ông Lê Trung Truyền, tâm sự: “Tôi rất tự hào khi gia đình mình có nhiều người tham gia hiến máu. Khi được anh Truyền vận động, tôi đã tham gia ngay và đến nay đã hiến máu được 5, 6 năm rồi. Không chỉ tôi mà cả chồng, con trai và gần đây nhất là con trai thứ 2 nhà tôi cũng đã đủ tuổi để hiến máu”.
Được biết, từ ngày gia đình ông Truyền tham gia hiến máu nhiều lần, bà con trong xóm cũng biết tin và còn chủ động nhắn nhủ gọi họ khi gia đình đi hiến máu.
Theo TS.BS Trần Ngọc Quế - Giám đốc Trung tâm Máu quốc gia, ngay từ khi có hoạt động hiến máu, gia đình chính là lực cản trong hoạt động hiến máu. Con cái rất muốn hiến máu nhưng sợ bố mẹ không đồng ý. Nhiều đợt tổ chức hiến máu, bố mẹ ra mắng chửi con rồi kéo con về. Trải qua thời gian, khi gia đình, cộng đồng đã thấu hiểu thì cái gật đầu của gia đình chính là động lực để con cháu tham gia hiến máu nhân đạo.
“Gần 30 năm hoạt động hiến máu diễn ra trong cả nước, nhận thức của người dân đã thay đổi và được cộng đồng ủng hộ. Mỗi lần lượng máu thiếu hụt, bằng nhiều hình thức, chúng tôi liên tục kêu gọi, vận động hiến máu và nhận được phản hồi tích cực, đặc biệt trong từng cá nhân gia đình, từng dòng họ đã có sự ủng hộ tuyệt vời”, TS.BS Trần Ngọc Quế cho biết.
TS.BS Trần Ngọc Quế hy vọng rằng trong thời gian tới, mọi người dân, mọi gia đình, mọi dòng họ hãy kiên trì tham gia hiến máu nhắc lại để trở thành người hiến máu thường xuyên. Được như vậy thì mới có nguồn máu ổn định, đủ cho cấp cứu và điều trị./.