Yêu vì tìm thấy… “giá trị” trong nhau
Chuyện tình của 2 sinh viên hơn 10 năm về trước, Nguyễn Quang Tiền là sinh viên năm cuối ngành Kiến trúc và Hoàng Thanh Huyền là sinh viên ngành Ngoại ngữ. Từ bé, Huyền đã là cô bé mơ mộng, yêu hoa và cái đẹp, nhất là các món đồ về thời trang. Ngay từ khi học cấp 2, Cô nàng đã tự tay làm ra những cái hộp, chiếc túi xinh xinh để bán cho bạn bè.
Lên đại học, niềm đam mê làm những món đồ handmade ngày càng lớn. Huyền mày mò làm nhiều chủng loại sản phẩm mà trong mỗi sản phẩm đều chứa đựng nhiều tâm huyết và tình cảm của cô. Thấy đồ của Huyền làm đẹp lại không bị “đụng hàng” nên người này mách người kia, khách hàng đến với cô ngày càng nhiều.
Trong nhóm bạn chơi cùng nhau, Tiền là sinh viên Kiến trúc lại thích chụp ảnh, hiểu biết về công nghệ nên các sản phẩm của Huyền làm ra được cậu chụp lại để giới thiệu bạn bè. Lúc đầu họ là chỉ là bạn bè, nhưng sau thời gian gắn bó giúp nhau, hai người trở nên thân thiết và yêu nhau lúc nào không hay.
“Huyền là cô gái rất khéo tay và có tâm hồn thánh thiện, đam mê làm các món đồ handmade. Những món đồ cô ấy làm ra đều rất đẹp, mọi người yêu thích. Tôi cũng trong số đó, thường chụp ảnh các món đồ handmade của cô ấy và yêu nàng lúc nào không hay”- Tiền nhớ lại.
Còn Huyền, cũng không biết tình yêu nảy nở từ khi nào, nhưng với cô, Tiền luôn là chỗ dựa và là động lực để những tác phẩm handmade của cô ngày càng trở nên có hồn và được nhiều người biết đến. “Có lẽ chúng tôi mến mộ và yêu nhau vì cùng thấy giá trị trong nhau”. Tôi thì làm ra sản phẩm, còn anh ấy thì biết chụp ảnh, chắp cánh cho sản phẩm của tôi tới mọi người”- Huyền nói vui.
Có lẽ cũng vì yêu và ủng hộ người mình yêu, nên từ khi hai đứa yêu nhau, lúc nào Tiền cũng mơ ước sẽ mở được cho bạn gái mình một shop thời trang trên một con phố đẹp, để nàng thỏa sức sáng tạo với đam mê.
Khởi nghiệp từ 500.000 đồng vốn ban đầu
Huyền nhớ lại, thời hai đứa khởi nghiệp, khi cả hai đều là sinh viên hầu như không có tiền, vốn ban đầu chỉ có vỏn vẹn 500.000 đồng. Lúc đó cô ý tưởng từ những bản chun và miếng vải đặc sắc, có thể hoá thành chiếc chân váy độc đáo. 2 người nhặt nhạnh chun bản to từ Hàng Bồ để làm cạp váy, rồi đưa nhau sang chợ Ninh Hiệp, vào sâu trong chợ tìm mua những miếng vải kiện có hoạ tiết độc lạ, để ráp lại thành những chiếc chân váy bán cho các bạn trẻ yêu cái đẹp độc lạ. Mỗi chân váy giá chỉ 70.000 đồng, khách đông đến nỗi Huyền không làm kịp hàng để bán.
“Hồi ấy, anh Tiền chở tôi trên chiếc xe máy sang chợ Ninh Hiệp, mua vải voan với giá chỉ khoảng 110.000 đồng/kg. Một kg vải voan thì được rất nhiều, tôi may chân váy rất dôi. Vải tôi chọn là những miếng voan lẻ, độc đáo nên lên chân váy thường rất lạ và đẹp, khách mua đông đến nỗi mấy bác ngoài ngõ cứ kháo nhau không biết tôi buôn bán gì mà đông khách đến nhà như thế. Ngày đó tôi kiếm tiền triệu mỗi ngày khá dễ dàng”- Huyền nhớ lại.
Cùng với may chân váy, Huyền làm thêm các sản phẩm khác như túi xách handmade rất cá tính để bán. Mọi người dùng thấy khác lạ, độc đáo, rồi người này hỏi người kia chỗ mua. Khách hàng của Huyền ngày càng đông lên. “Ngày đó, mạng xã hội không phong phú như bây giờ, chưa có cả facebook. Để giới thiệu sản phẩm, chúng tôi không ngại mang nhiều sản phẩm đến tận các công ty, văn phòng để giới thiệu, trân trọng cơ hội từng khách hàng hỏi thăm. Mọi người thấy mình nhiệt tình, tiện lựa chọn và là “hàng độc” nên rất thích và hăm hở giới thiệu bạn bè giúp. Cứ mỗi khách giới thiệu được thêm 2-3 bạn bè, đồng nghiệp là doanh thu của tôi tăng theo cấp số nhân rồi”.
Sau khi cưới nhau, Tiền nung nấu thực hiện ước mơ mở cửa hàng thời trang trên phố cho vợ. Vốn liếng lúc bấy giờ chỉ có khoảng 30-40 triệu đồng nhưng Tiền đã dám thuê cả cửa hàng trên phố Bà Triệu với giá thuê là 38 triệu đồng/tháng. “Chủ nhà yêu cầu thanh toán trước 3 tháng mỗi lần. Lúc đầu tôi cũng hơi lo nhưng sau cũng điều đình với chủ nộp trước tháng đầu tiên. Hai vợ chồng lúc đó chưa tuyển được nhiều người làm đủ các chức năng, nên đảm nhận rất nhiều công việc chi tiết: từ khâu thiết kế, ra rập; Chụp ảnh, stylist, người mẫu; Sản xuất nội dung và tự tìm cách quảng bá sản phẩm; từ việc tư vấn bán hàng tới kế toán hạch toán thu chi lãi lỗ... Công việc vất vả nhưng cũng có phần thuận lợi, đồng vợ đồng chồng, hàng tháng hai vợ chồng cũng có một khoản thu nhập đáng kể so với mặt bằng bạn bè đồng trang lứa. Cuộc sống kinh doanh, chi tiêu lúc nào cũng dư dả” -anh Tiền nhớ lại.
Bứt phá, xác định phải tự lớn lên
Sau 4 năm kinh doanh mô hình hộ gia đình, dù việc kinh doanh vẫn đều đặn, thuận lợi, Tiền và Huyền cảm thấy mình có phần trăn trở: như vậy là chưa đủ, việc kinh doanh này chưa khiến họ thoả mãn. Họ nghĩ họ có thể làm được nhiều hơn như vậy để cống hiến giá trị cho khách hàng và xã hội. Họ quyết định mình phải thay đổi, mình phải lớn hơn, sẵn sàng cho một tổ chức quy mô bài bản hơn.
Ước mơ đã lớn theo sự trưởng thành của họ. Đích đến lúc này là kinh doanh thời trang theo mô hình chuỗi cửa hàng bán lẻ. “Đây là cuộc cách mạng lớn trong tư duy và đòi hỏi sự nỗ lực học tập rất nhiều kiến thức và kỹ năng quản lý điều hành mới của hai vợ chồng. Để tổ chức lớn mạnh, điều đầu tiên là hai chúng tôi cần phải trưởng thành, phải dám lớn mạnh trước. Chúng tôi đã cùng nhau học và trải nghiệm rất nhiều các lớp quản lý lãnh đạo từ chuyên môn tới điều hành tổng quát. Để làm chuỗi, mọi thứ cần được chuyên môn hoá, hệ thống hoá. Nếu như trước đây mọi công việc tích hợp trong hai đứa chúng tôi, thì bây giờ chúng tôi cần tuyển người, bóc tách các chức năng ra khỏi mình, chuyển giao và đào tạo đội ngũ. Mỗi chặng đường là một thử thách khó khăn riêng. Để làm hệ thống quy mô đòi hỏi hai vợ chồng tôi sự trưởng thành về tâm trí khác biệt, tầm nhìn lớn lao hơn chàng và nàng sinh viên trước đây rất nhiều, dám đặt niềm tin và trao quyền, trao cơ hội lớn mạnh cho đội ngũ”- anh Tiền nhớ lại.
Theo anh Quang Tiền, may mắn lớn nhất là hai vợ chồng rất tâm đầu ý hợp với quan điểm lãnh đạo “sở hữu tiền không sang trọng bằng sở hữu một tổ chức”. Vì thế họ tập trung cho việc mở rộng, phát triển nhân sự, quy mô cửa hàng và đào tạo tinh thần văn hoá đội ngũ luôn hướng tới sự chân thành, tận tâm với khách hàng cũng như đồng nghiệp. “Mình là người thật, việc thật, vợ chồng tôi đã trải qua hầu hết các công việc chi tiết trong giai đoạn khởi nghiệp, nên việc tuyển chọn và đào tạo nhân sự là thế mạnh của chúng tôi. Bên cạnh đó, tôi luôn mong muốn mỗi thành viên trong ngồi nhà chung Adore luôn cảm thấy nhiều năng lượng tích cực trong công việc và được tự hào về môi trường làm việc, để từ đó làm việc bằng sự tận tâm và tử tế”.
Kinh doanh bằng tình yêu và sự tử tế
Đến nay, vừa tròn 10 năm hình thành và phát triển, chuỗi cửa hàng thời trang Adore Dress của vợ chồng Tiền - Huyền đã mở rộng tới 31 điểm bán với gần 300 nhân sự, giá trị tài sản lên đến cả trăm tỷ đồng.
Mười năm, hai vợ chồng anh chị Tiền – Huyền đã trải qua rất nhiều khó khăn, từ việc thiếu vốn kinh doanh, đến sự cạnh tranh khốc liệt của sản phẩm trên thị trường, rồi cơn bão dịch Covid-19 bất ngờ ập đến… thế nhưng chuỗi cửa hàng thương hiệu thời trang Adore Dress vẫn đứng vững và ngày càng phát triển.
Có lẽ, yếu tố quyết định đầu tiên cho sự phát triển vững vàng này là màu sắc rất riêng, đặc thù của thương hiệu Adore Dress. Họ tập trung nghiên cứu và thiết kế từng sản phẩm một cách công phu, chi tiết, không dễ có cảm giác na ná với nhiều thiết kế của các thương hiệu khác trên thị trường. Mỗi thiết kế, mỗi sản phẩm đều chứa đựng tâm huyết, những thông điệp yêu thương, tinh thần tích cực yêu đời. Tinh thần đó truyền cảm hứng tới khách hàng, khiến mỗi người trải nghiệm đều cảm thấy yêu đời, yêu bản thân, tự tin và hạnh phúc hơn.
“Vợ chồng tôi làm kinh doanh luôn luôn mong muốn đặt sự hài lòng của khách hàng vào từng sản phẩm, dịch vụ. Công việc kinh doanh này, thương hiệu Adore Dress và từng sản phẩm chứa đựng sự biết ơn và yêu thương trong đó. Nên chúng tôi mong khách hàng phần nào cảm thấy hạnh phúc khi trải nghiệm thiết kế của Adore. Tinh thần từng thiết kế Adore hướng tới là thời trang mang hơi hướng quốc tế nhưng lại được tuỳ chỉnh phù hợp với vóc dáng và nhu cầu thiết thực của phụ nữ Việt Nam. Chúng tôi quyết tâm kinh doanh và làm sản phẩm một cách chân thành, trung thực với khách hàng, bất chấp cạnh tranh khốc liệt các loại mặt hàng nhập, nhái trên thị trường. Mỗi sản phẩm đều là thiết kế độc quyền của Adore, được nâng niu chăm chút lựa chọn từng loại nguyên phụ liệu, cúc chỉ… Có lẽ vì vậy nên nhiều khách hàng thân thuộc rất nhớ và yêu những nét đặc trưng của sản phẩm. Khách hàng vì thế tin tưởng và gắn bó, người cũ giới thiệu người mới. Chúng tôi có tệp khách hàng bền vững và ngày càng mở rộng”-chị Huyền chia sẻ.
Theo chị Huyền, thuận lợi lớn nhất của chị để thực hiện đam mê đó là người bạn đồng hành lớn nhất trong công việc lại là tình yêu, là người chồng yêu thương của mình. Anh Tiền chính là động lực để Huyền thỏa sức chạy theo tiếng gọi của đam mê và sáng tạo của mình. “Nguồn cảm hứng lớn thời gian mới khởi nghiệp lại là giai đoạn chớm yêu, cảm xúc yêu đương trong trẻo ngọt ngào nhất. Còn gì lãng mạn, tuyệt vời hơn việc được đồng hành với người mình yêu, sống hết mình với đam mê sáng tạo, cùng chung sức xây dựng sự nghiệp, làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội… Chúng tôi đã không chỉ khởi nghiệp công việc kinh doanh mà còn khởi nghiệp chính cuộc hôn nhân, tình yêu lớn của đời mình. Tôi tự hào có được người chồng tốt bụng, tử tế và đồng lòng trong mọi quan điểm kinh doanh cũng như hôn nhân gia đình. Cả hai luôn chọn là doanh nghiệp, là người tử tế, cống hiến giá trị cho gia đình, cộng đồng, hơn là những lợi ích cá nhân trước mắt”.
“Biết ơn gia đình 2 bên luôn là chỗ dựa đồng hành, luôn tin tưởng, khuyến khích và giúp đỡ vô điều kiện. Công việc thuở khởi nghiệp nhiều vất vả, vợ chồng đi làm đêm hôm về muộn, con nhỏ vẫn được ông bà hai bên chăm lo đầy đủ. Khó khăn tài chính hay những lúc cần nền tảng bứt phá, gia đình chính là nền móng hỗ trợ vững chắc nhất cho chúng tôi”- anh Quang Tiền chia sẻ thêm.
Còn với Quang Tiền, có lẽ tình yêu và sự tử tế, hết lòng vì người khác với tâm hồn rất trong trẻo yêu thương của Huyền đã giúp anh vượt qua rất nhiều thách thức. “Do tham vọng kinh doanh mở rộng liên tục, chúng tôi có nhiều thời điểm cực kỳ căng thẳng về tài chính. Đặc biệt thời gian dịch dã và suy thoái kinh tế kéo dài suốt 3-4 năm nay. Với một doanh nghiệp, căng thẳng về tài chính đã đánh gục 70-80% tinh thần chủ doanh nghiệp cũng như có thể là rủi ro lớn cho sự phát triển doanh nghiệp. Nhưng nhờ chỗ dựa tinh thần là người vợ đam mê, với tâm hồn yêu thương trong sáng, tôi luôn tin tưởng chúng tôi sẽ mạnh mẽ đi qua mọi khó khăn. Adore Dress hôm nay như một giấc mơ trở thành hiện thực từ tình yêu của cặp sinh viên với số vốn ít ỏi. Bằng tình yêu, nghị lực và đam mê, sự đồng hành luôn có nhau, mọi khó khăn đều chỉ là hành trình viết dần lên hiện thực thành công và hạnh phúc”.
Bằng câu chuyện tình yêu thật đẹp và giấc mơ Adore Dress hành trình 10 năm của mình, vợ chồng anh chị Quang Tiền và Thanh Huyền muốn truyền cảm hứng tới những bạn trẻ, những sinh viên còn đang trăn trở, loay hoay kiếm tìm con đường sự nghiệp hoặc nghề nghiệp tương lai: "Hãy yêu thương chân thành, sống với đam mê chân chính, dám mơ ước, mọi mơ ước sẽ trở thành hiện thực lúc nào không hay. Khát khao mơ ước cần song hành với nghị lực nỗ lực phát triển bản thân, trang bị kiến thức và kỹ năng và thực sự hành động, hiện thực hoá giấc mơ chính là từng ngày cống hiến giá trị bản thân cho gia đình và xã hội".