Đó là anh Đinh Duy Tuân, 33 tuổi, trú tại Khu phố 2, phường Phú Đông, thành phố Tuy Hòa (Phú Yên), người mà nhiều năm qua dành rất nhiều thời gian, tâm huyết để ra sức ngăn cản, cũng như cứu vớt những người nhảy cầu tự tử trên sông.
Sở dĩ, anh Tuân chọn làm công việc đặc biệt này ở đây, là do cầu Hùng Vương bao lâu nay vẫn được nhiều người dân địa phương ví von là “ cây cầu xóa nợ” hoặc “chiếc cầu tình yêu”. Bởi đã có nhiều trường hợp khi gặp bế tắc trong cuộc sống, hay túng quẫn về tiền bạc hoặc có chuyện buồn về tình cảm, đã chọn cách tìm đến đây để quyên sinh.
Chia sẻ về cơ duyên đến với công việc đặc biệt này, anh Tuân cho biết, là do sau nhiều lần khi đi qua cây cầu Hùng Vương, phải chứng kiến cảnh người thân của các trường hợp nhảy cầu ngồi thất thần tìm, vớt thi thể, anh không sao kìm được cảm xúc.
Nên đó là lý do mà gần một năm trước, anh đã quyết định dọn hẳn đến chân cầu Hùng Vương để sinh sống, vừa là để mưa sinh, những cũng là để có thể kịp thời ứng cứu các trường hợp có ý định nhảy cầu. Anh mở một quán cóc nhỏ bán nước để kiếm thêm đồng ra đồng vào.
Số tiền thu được, anh dành dụm hết vào việc mua sắm các thiết bị cần thiết nhằm phục vụ cho việc thiện nguyện, cứu vớt người trên sông.
Anh Đinh Duy Tuân chia sẻ: "Đó là từ nhiều năm trước, mình hay ra đó ngồi, thấy người ta tự tử rất nhiều. Mình thấy những người còn sống như cha mẹ, anh em của người mất, người ta đau khổ, 3-4 ngày, rồi 4-5 ngày chờ xác lên. Thấy vậy nên mình đã nghĩ, có cách nào để giúp cho xã hội thì mình giúp thôi.
Từ những năm đó mình cũng đã đi giúp người nhiều lắm, nhưng thực chất thì năm nay là nhiều hơn cả, do mình đã dọn lều ra hẳn đó ở. Mình có điều kiện hơn. Mình sắm sửa này nọ, tư trang, để có thể cứu được nhiều hơn nữa. Cái quan niệm của mình là cứu được người ra lên lúc nào, là giúp gia đình người ta bớt đau khổ một ngày đó".
Anh Tuân kể, nhiều người khi biết chuyện anh làm cũng đã ngỏ ý muốn gửi tiền cho anh mua sắm các vật dụng để phục vụ việc cứu vớt, nhưng anh đều từ chối. Vì anh chỉ muốn dùng số tiền mà mình tích góp được để thực hiện công việc này.
Gần một năm từ khi dọn ra chân cầu sinh sống, anh đã kịp thời ngăn cản hàng chục người có ý định nhảy cầu. Ngoài ra, anh cũng đã kịp thời cứu sống được một học sinh nhảy xuống dưới dòng nước chảy xiết.
Hay mới đây, có trường hợp một thiếu nữ 18 tuổi sau khi thi xong tốt nghiệp Trung học phổ thông đã ra nhảy cầu tự tử. Sau hơn 3 giờ lặn tìm kiếm, anh Tuân đã đưa được thi thể thiếu nữ này lên bờ để bàn giao cho gia đình tổ chức an táng.
Anh tâm sự rằng, nếu cứu được ai đó thì thấy vui, hạnh phúc lắm, song nếu trong trường hợp mà biết có người nhảy cầu nhưng bản thân không ra tay cứu kịp thời được, anh sẽ có cảm giác vô cùng áy náy.
Có khi mấy tuần sau anh đều ăn không ngon, ngủ không yên vì cảm thấy bản thân chưa hoàn thành được nhiệm vụ, hay thậm chí trách móc bản thân sao không không hành động kịp thời hơn.
Những ngày đầu làm công việc này, vợ anh Tuân cũng có đôi lần than phiền bởi anh dành hết thời gian quanh quẩn ở dưới chân cầu. Thế nhưng, khi vợ hiểu được tấm lòng thương người, hướng thiện của anh thì dần cũng đã ủng hộ. Thậm chí, có nhiều bạn bè, người quen khi thấy anh Tuân dọn ra bờ sông cũng thường xuyên đến chơi, động viên.
Hiện nay, có hai người bạn của anh Tuân cũng đã tham gia vào nhóm để phụ anh Tuân, mỗi khi phát hiện có người có ý định nhảy cầu.
"Còn mẹ với ba và mấy đứa em thì cũng rất là ủng hộ. Nhưng mẹ thì nhiều khi bà vẫn buồn chứ. Vì bà thấy mình cứ chạy ngoài đó, nhiều khi nước nó chay mạnh, nên cứ thấy bà cứ buồn buồn. Ủng hộ thì vẫn ủng hộ nhưng thấy buồn. Những người bạn, người anh em, kể cả những người không quen biết một khi xuống quán mình ngồi uống nước, người ta biết mình làm công việc đó người ta cũng rất là ủng hộ.
Nếu mà mình có điều kiện thì mình sẽ còn làm thêm nữa chứ, nhưng không phải là mỗi mảng này không. Vì mình cũng muốn giúp được cái gì cho xã hội. Nhiều người mình thấy có những hoàn cảnh rất là nghèo, mình cũng muốn có thể giúp. Ít hay nhiều mình không quan trọng và quan trọng là cái tấm lòng mình giúp ấy", anh Tuân tâm sự.
Anh Tuân cho biết, hiện tại, dọc hai bên cầu anh đều dán số điện thoại của mình để khi có chuyện, người ta gọi thì anh có thể lao ra cứu cho kịp, chứ đôi khi ở dưới chân cầu cũng không thể quán xuyến hết tình hình xung quanh được.
Lắng nghe câu chuyện của anh Tuân, có lẽ nhiều người sẽ cảm thấy nể phục, bởi trong xã hội bộn bề, đầy lo toan chuyện cơm áo gạo tiền như hiện nay, để có một người dành cả thời gian, công sức, tiền bạc để làm một việc mà ít ai dám nghĩ thì thật sự rất hiếm gặp./.