Đã có lúc, chúng ta tưởng như học được cách để chống chọi với thiên nhiên, để sống chung với bão lũ, bằng kinh nghiệm, bằng kỹ thuật, bằng cả sự hỗ trợ của đồng bào, bằng truyền thống chế ngự thiên tai. Song, con người sẽ bất lực khi chính họ đã không thể chung tay trong việc ứng xử với thiên nhiên.
Nam bộ đang đối mặt với trận triều cường lịch sử, một trận triều cường có đỉnh cao nhất từ trước đến nay, khiến cả TP HCM cuống cuồng chạy lũ. Sự dâng cao bất thường của triều cường là điều mà ngay cả lãnh đạo ngành dự báo khí tượng thủy văn cũng phải thừa nhận là “không thể lý giải nổi”.
Nam bộ đang phải đối mặt với trận triều cường lịch sử |
Thiên nhiên có quy luật của nó, sự lên xuống của con nước vốn không quá khó để lý giải. Trước khi xuất hiện các chuyên gia dự báo được đào tạo bài bản, được trang bị kiến thức, công nghệ đầy mình thì cha ông ta đã biết nương tựa vào các quy luật của thiên nhiên để tồn tại.
Song, những đỉnh triều kỷ lục ở miền Nam, những trận lũ kinh hoàng ở miền Trung hôm nay không phải câu chuyện thuần túy của thiên nhiên, không phải quy luật của ông trời, và kinh nghiệm của cha ông, kiến thức của các chuyên gia dự báo sẽ là vô ích.
Các chuyên gia tài năng của Đài Khí tượng Thủy văn Nam bộ không thể nắm được quy luật phát triển của những thành phố ven biển để biết mỗi năm sẽ có thêm bao nhiêu héc-ta đất ngập nước bị san nền, biến thành đất ở. Họ cũng không thể biết mỗi năm sẽ có bao nhiêu héc-ta rừng phòng hộ biến mất. Cơ chế phòng vệ của những dòng sông từ thượng du về hạ du bị phá vỡ, khả năng kìm triều của những vùng rừng ngập nước cửa sông bị suy yếu, khả năng ngăn lũ rừng của rừng phòng hộ bị tước bỏ… Đó là những vấn đề nằm ngoài khả năng của những chuyên gia thủy văn.
Con người đang ứng xử với thiên nhiên theo những cách thức khác nhau, dựa dẫm và chống chọi theo những cách khác nhau. Ở hạ du, ta lấn biển san đầm để đánh chiếm không gian giữ triều. Ở thượng du, ta xây đập, ngăn sông, thay những cánh rừng giữ nước bằng mặt hồ thủy điện.
Thiên nhiên bị ức chế theo những cách thức khác nhau, theo lợi ích trước mắt của con người. Nhưng thiên nhiên vẫn phải hiện hữu bằng quy luật ngàn đời của nó, rằng đầy thì tràn, rằng bí thì phá.
Khi đỉnh triều lên và những vùng đầm lầy ven biển không còn để lưu triều thì nước dềnh vào phố. Khi mưa to ở thượng nguồn không còn những cánh rừng để làm chậm dòng chảy thì lũ dồn dập về. Và khi những hồ thủy điện ở thượng du không còn đủ khả năng kìm giữ, khi những con người ở hạ du buộc phải tôn nền để vươn cao khỏi mặt nước, câu chuyện ứng xử với thiên tai chỉ còn là “hồn ai nấy giữ”.
Rồi những trận bão lũ cũng qua đi, rồi câu chuyện bao giờ cũng thế, sẽ luôn là chung tay khắc phục hậu quả. Hậu quả thì mỗi ngày một nặng nề hơn cho đến khi mọi bàn tay đều trở nên mỏi mệt. Sự mỏi mệt mà người mẹ Hà Tĩnh đã nghĩ đến khi bảo con trai mình hãy buông tay để mẹ trôi đi khi lũ lớn...
Không có sự cứu trợ nào là đủ, không có cuộc sống nào hình thành chỉ bằng lòng từ thiện. Bàn tay yêu thương của người con trai khỏe mạnh cũng không thể giữ mãi tay mẹ mình trong sự cuồng nộ của thiên nhiên. Sự chung tay là điều mà chúng ta đều mong muốn, nhưng hãy chung tay để ngăn ngừa sự cuồng nộ của thiên nhiên, chung tay để những điều tồi tệ không đến nữa, thay vì chung tay chỉ để khắc phục./.