Tham dự Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, ni sư Thích Nữ Tâm Trí - Ủy viên HĐTS GHPGVN, Hội trưởng Hội Phật tử Việt Nam tại Nhật Bản chia sẻ về công tác đối ngoại Phật giáo, chăm lo đời sống tinh thần của người Việt ở xa Tổ quốc.
“Trong 2 năm dịch COVID-19 vừa qua, nhiều thực tập sinh, du học sinh người Việt Nam tại Nhật Bản thất nghiệp, không nơi tá túc, không có chuyến bay về nước, không người thân bên cạnh… Nhiều người trẻ trong số đó sinh ra trầm cảm, hoang mang. Lúc bấy giờ, họ chỉ biết tìm đến chùa để được giúp đỡ. Năm 2018, để mở rộng thêm nơi sinh hoạt tinh thần cho cộng đồng, bằng sự giúp đỡ của Đại lão Hòa thượng Yoshimizu Daichi và sự đóng góp tích cực của Ni sư Thích Nữ Tâm Trí, ngôi chùa mang tên Đại Ân Honjo đã hình thành tại tỉnh Saitama, thêm một nơi sinh hoạt tâm linh, một chỗ đi về cho những người con Việt đủ mọi tầng lớp, hoàn cảnh, không phân biệt địa vị quây quần bên nhau. Nhà chùa đã chăm sóc từ chỗ ăn, chỗ nghỉ ngơi, trị liệu bằng Phật pháp cho hơn 2.068 bạn trẻ. Khi đến chùa các bạn được chăm sóc tinh thần rất tốt, cụ thể như tụng kinh, niệm Phật, dạy thiền, nghe giảng, chấp tác, phân chia lương thực đóng gói gửi đi cho các hoàn cảnh khó khăn, cùng chư ni trong chùa hướng dẫn tu tập, rèn luyện thân tâm, dần dần các bạn khỏe mạnh, không còn lo âu, sợ hãi mà thay vào đó là nở nụ cười tươi, sức khỏe kiện tráng”, ni sư Thích Nữ Tâm Trí cho biết. Tại châu Âu, khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, chùa Nhân Hòa của cộng đồng người Việt ở Ba Lan đã đón hàng nghìn người Việt từ Ukraine sang lánh nạn, mở rộng cánh cửa ấm áp, cưu mang đồng bào sau những ngày ở nơi biên giới lạnh lẽo.
Thầy Thích Trung Đạt, trị sự chùa Nhân Hoà chia sẻ: “Bà con khi bước chân vào chùa, câu đầu tiên mọi người thốt lên là 'Sống rồi!'. Bà con đến được chùa sau chặng đường dài vất vả và giá lạnh, cần một nơi nghỉ ngơi ấm áp. Khi xuống bếp, câu đầu tiên bà con hỏi là 'Thầy ơi có cơm trắng không?'; nhiều người chỉ muốn được ăn bát cơm trắng, sau nhiều ngày phải ăn mỳ tôm và bánh mỳ. Các Phật tử tại Ba Lan cũng tâm lý, chuẩn bị sẵn cơm chay nóng hổi để bà con ăn ấm lòng”. Đó là một số hoạt động của hai ngôi chùa Việt ở nước ngoài. Dù ở nơi nào thì ngôi chùa Việt cũng là nơi chăm lo đời sống tinh thần, là chốn đi về gần gũi, thân thương của đồng bào xa xứ. Theo thống kê của Bộ Ngoại giao Việt Nam, hiện có hơn 5 triệu kiều bào đang sinh sống, học tập, làm việc trên toàn cầu. Dù ở nơi đâu thì bà con rất cần tới Phật pháp, rất mong muốn được tham gia các hoạt động thiện nguyện cũng như sinh hoạt văn hóa tâm linh.
Tại Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, ni sư Thích Nữ Tâm Trí cũng đề xuất một số giải pháp trong hoạt động đối ngoại của GHPGVN như: Giáo hội nên có hướng dẫn cụ thể để các ngôi chùa được hợp pháp hoá dựa trên sự phối kết hợp với Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán, Tổng Lãnh sự quán các nước, Ban Tôn giáo Chính phủ để quy hoạch chương trình tu học, hành đạo mang tính thực tiễn và sâu rộng hơn; Tạo hành lang pháp lý tốt nhất để mỗi ngôi chùa tại hải ngoại là một điểm đến bình an, nơi đó hội tụ hình ảnh quê hương và là mái nhà chung chan chứa yêu thương xoa dịu nỗi khổ niềm đau của những người con xa quê hương.
Bên cạnh đó, cần quy hoạch và có tầm nhìn lâu dài hơn trong công tác đào tạo kỹ năng giao tiếp ứng xử, phổ biến pháp luật, văn hoá Việt Nam và văn hoá các nước trước khi công cử quý tăng ni trẻ dấn thân hành đạo tại nước ngoài./.