Bão tan, ông La Thế Tuấn, chủ nhân ngôi nhà cổ ở số 112, đường Trần Phú, thành phố Hội An thở phào nhẹ nhõm vì căn nhà cấu kiện bằng gỗ, lợp ngói âm dương hàng trăm tuổi của gia đình vẫn đứng vững trước gió bão. Ông Tuấn cho biết, ngôi nhà cổ của ông và hầu hết di tích ở Hội An đều được xây dựng từ rất lâu. Qua thời gian, mối mọt, nấm mốc và ảnh hưởng bão lụt nên đã xuống cấp.
Mấy ngày trước khi nghe dự báo miền Trung sắp có siêu bão, tâm bão khả năng đổ bộ vào Hội An, ông La Thế Tuấn và mọi người ai cũng lo lắng, tập trung sửa chữa, chống đỡ, bảo vệ di tích: “Trước đây Hội An cũng bị hư một vài di tích, vì đợt trước có thể người dân còn hơi chủ quan. Cho nên, đợt này, người dân biết lo lắng chủ động chằng chống trước nên không ảnh hưởng bao nhiêu. Rất mừng, mừng lắm, bởi đây là khu di sản, là tài sản của bất cứ người dân nào nếu bị hư hỏng là thiệt hại rất lớn, rất xót”.
Thiệt hại nặng nhất ở thành phố Hội An trong bão số 4 chủ yếu là cây xanh, hệ thống trụ, đường dây điện ngã đổ. Sau bão, chính quyền thành phố này huy động lực lượng quân đội, công an, dân quân địa phương phối hợp với công nhân Công ty Công viên cây xanh, Công ty Vệ sinh môi trường thành phố tổ chức thu dọn cây xanh ngã đổ, trả lại cảnh quang sạch đẹp đón khách du lịch trở lại. Chị Nguyễn Thị Nữa, công nhân Công ty Môi trường Đô thị thành phố Hội An cho biết, bình thường công nhân làm ca, thay phiên nhau trực. Do lượng cây xanh ngã đổ, rác thải sau bão lớn nên công ty huy động toàn bộ phương tiện, công nhân thu dọn.
“Số lượng rác và cây xanh ngã đổ quá nhiều, cho nên lo tập trung làm cho sạch đường phố. Chị em phải làm tăng ca và qua trưa. Bây giờ, công ty cho cả xe lớn thu gom, chị em công nhân chỉ thu gom xe nhỏ sau đó di chuyển ra xe lớn”, chị Nguyễn Thị Nữa chia sẻ.
Thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam hiện có hơn 1.400 di tích trong quần thể kiến trúc khu phố cổ được công nhận là di sản văn hóa thế giới. Riêng trong khu phố cổ Hội An có hơn 1.100 di tích, nhà cổ, trong đó có 43 di tích xuống cấp nặng, có nguy cơ sập đổ khi có bão. Đặc biệt là Chùa Cầu- biểu tượng của Hội An hiện xuống cấp nghiêm trọng cần được bảo vệ. Các di tích này xây dựng từ lâu lại chịu sự tác động khốc liệt của biến đổi khí hậu như: mưa bão, ngập lụt, nước biển dâng, xói lở với cường độ, tần suất ngày càng lớn đã đe dọa nghiêm trọng đến an toàn di tích.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam cho biết, lo lắng nhất của thành phố là vấn đề an toàn khu phố cổ khi bão số 4 vào. Nhờ chủ động chằng chống, chống đỡ nên di tích vẫn an toàn trước bão số 4.
“Mặc dầu, bão số 4 là khá mạnh, dự báo là cấp 11, cấp 12, giật trên cấp 12 nhưng nhờ triển khai kịp thời các biện pháp phòng ngừa nên không thiệt hại lớn. Đến nay, các di tích trong khu phố cổ cơ bản an toàn. Trước mắt, tập trung thu dọn cây xanh, khôi phục hệ thống điện bị đứt gãy khá nhiều để đảm bảo có điện sinh hoạt cho nhân dân và cơ sở sản xuất kinh doanh vài ngày tới", ông Nguyễn Văn Sơn cho hay./.