Chiều 5/7,  trong phiên chất vấn của kỳ họp thứ 4 HĐND TP Hà Nội khóa XV, nhiều đại biểu chất vấn Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội về công tác quản lý chợ, khai thác đảm bảo kinh doanh mua bán…

anh_thang_vov_gqfc.jpg
Ông Lê Hồng Thắng -Giám đốc Sở Công Thương nói về công tác quản lý phát triển chợ.

Giải trình trước HĐND TP, ông Lê Hồng Thăng - Giám đốc Sở Công Thương cho biết, hiện nay trên địa bàn TP có 454 chợ kể cả khu vực thành thị và nông thôn và theo quy hoạch toàn TP đến năm 2030 có 596 chợ.

Theo đề xuất mới nhất của UBND cấp quận huyện, trong giai đoạn 2017- 2020, TP sẽ nâng cấp cải tạo 302 chợ, sử dụng vốn ngân sách khoảng 2.490 tỷ đồng. Bên cạnh đó, theo ông Thăng, hiện UBND TP đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo liên quan vấn đề đầu tư và quản lý phát triển chợ, các cơ sở chế biến, rà soát công tác phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường, các chương trình quản lý chợ, vệ sinh an toàn thực phẩm, thu phí chợ theo giám sát của ban kinh tế HĐND TP.

Trong giai đoạn 2012- 2016 đã chuyển đổi mô hình quản lý kinh doanh khai thác 161 chợ, DN quản lý 103 chợ… tập trung đầu tư xây dựng mới và cải tạo với tổng vốn đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội, trong quản lý chợ hiện vẫn còn một số hạn chế tồn tại, quy trình chuyển đổi một số chợ chưa công khai minh bạch, công tác chỉ đạo vệ sinh an toàn thực phẩm còn hạn chế, kinh phí đầu tư cải tạo nâng cấp chợ bằng nguồn ngân sách còn khó khăn, chưa thu hút nhiều thành phần kinh tế tham gia khai thác, chỉ đạo công tác giải tỏa chợ cóc còn khó khăn.

Chất vấn lãnh đạo Sở Công Thương về quản lý chợ, các đại biểu cho rằng chất lượng các chợ không đảm bảo, môi trường trong chợ nhiều vấn đề. Theo đại biểu, trong chợ còn nhiều hàng giả, hàng nhái. Bên cạnh đó vấn đề giải quyết ô nhiễm môi trường tại các chợ sẽ được xử lý ra sao? Một số đại biểu khác cũng đặt câu hỏi về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, nguồn gốc hàng hóa tại các chợ?

Trả lời chất vấn, Giám đốc Sở Công Thương Lê hồng Thăng cho biết, trong quá trình quản lý nhà nước về chợ, không chỉ là vấn đề kinh doanh hiệu quả nên thời gian qua đã có nỗ lực xã hội hóa chợ nhưng gặp nhiều khó khăn. Về vấn đề chợ cóc, Giám đốc Sở Công Thương cho biết, cuối năm 2016 trên địa bàn TP có 53 chợ cóc. Qua Tết Nguyên đán, mọc thêm lên hơn 200 chợ cóc.

Để xảy ra tình trạng này, theo ông Thăng, là vấn đề tuyên truyền đến người dân chưa đạt hiệu quả. "Chúng ta phải đưa những hoạt động buôn bán văn minh vào mới giảm được chợ cóc"- ông Thăng nói.

Chợ Hôm giữa trung tâm Thủ đô cũ kỹ, xuống cấp sau nhiều năm sử dụng.

Tái chất vấn, đại biểu Phạm Thanh Mai cho rằng, phải xác định chuẩn xác về chợ đề quản lý. Đại biểu đề nghị, việc xếp hạng chợ phải rõ ràng. Về chợ cóc chợ tạm, đại biểu đề nghị Sở cho biết vì sao chợ cóc tăng, tăng ở địa điểm nào?

Về vấn đề này, Giám đốc Sở Công Thương cho rằng, chợ cóc chợ tạm vẫn đang được quyết liệt giải quyết, liên tục có danh sách gửi xuống các quận, huyện. Tuy nhiên, quá trình xử lý ở khu vực này lại phát sinh ở khu vực khác./.