Có tổng mức đầu tư gần 5.000 tỷ đồng, với công suất lắp máy 125 MW, thủy điện Đắc Đrinh được khởi công xây dựng từ năm 2007 trên sông Đắc Đrinh (xã Sơn Tân, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi).

Riêng tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum,  nơi không đặt nhà máy, tổng diện tích đất mà dự án sử dụng là trên 860ha, với gần 1.000 người dân xã Đắc Nên phải di dời tránh ngập.

Tuy nhiên đến nay, trong khi nhà máy đã cơ bản xây dựng xong, việc tích nước hồ chứa sẽ được thực hiện vào tháng 8 tới, thì gần 1.000 dân vùng ngập vẫn chưa thể di dời do việc xây dựng nhà cửa tái định cư chưa xong.

Trong khi đó, đại diện Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và chủ đầu tư công trình ngày 1/7 vừa qua đưa ra cảnh báo: Do nhà máy đã cơ bản hoàn thành nên dù thủy điện có tích nước hay không thì khi xảy ra mưa lũ lớn, các hộ dân ở đây vẫn sẽ bị nhấn chìm.

Ông Lưu Thế Biểu - Phó trưởng Ban quản lý xây dựng - Tập đoàn Điện lực Việt Nam khẳng định, việc di dời dân “phải được tính từng ngày” và “không còn đường lùi”.

Trước vấn đề nghiêm trọng, để giữ “hòa khí” với chủ đầu tư dự án thủy điện, đại diện chính quyền huyện Kon Plông, chủ đầu tư tiểu dự án bồi thường, di dân, tái định cư đưa ra ngay lý do giải thích nguyên nhân dẫn đến chậm trễ trong di dời dân, đó là: “thời tiết mưa nhiều dẫn đến việc xây dựng nhà cửa tái định cư chậm tiến độ”.

Tuy nhiên đến khi phải đối diện với trách nhiệm quá lớn, một phần sự thật mới được tiết lộ, đó là hơn 6 năm sau ngày khởi công xây dựng thủy điện Đắc Đrinh, việc xây nhà tái định cư cho dân mới được triển khai trên thực địa.

Ông Đặng Thanh Nam - Phó chủ tịch Ủy Ban nhân dân huyện Kon Plông cho biết: Năm 2007, thủy điện Đak Đrinh động thổ và khởi công xây dựng nhà máy. Đến năm 2011, huyện Kon Plông với thủy điện Đắc Đrinh mới bàn ra một cơ chế phối hợp. Do đó từ ngày khởi công từ năm 2007 đến năm 2011, mới xử lý được phần đền bù, giải phóng mặt bằng lòng hồ. Đến tháng 2/2013, phương án đầu tư cơ sở hạ tầng mới được triển khai.

Do việc xây dựng nhà cửa phục vụ tái định cư cho 217 hộ dân vùng ngập thủy điện ở xã Đắc Nên, huyện Kon Plông mới được triển khai trên thực địa từ tháng 2 năm nay nên việc di dời dân là chưa thể thực hiện.

Tại 4 khu định cư mới là Đắc Lai- Đắc Lúp; làng Vương- Xô Luông; Xô Thác và Đắc Tiêu- Đắc Bút công việc vẫn ngổn ngang.

Đến nay trong 217 ngôi nhà tái định cư cần xây dựng cho dân, huyện Kon Plông mới triển khai được 100 căn, trong đó dự kiến chỉ 15 căn cơ bản xong trong tháng 7.

Hai tuyến đường tránh lũ dài khoảng 14km, chủ đầu tư là Công ty Cổ phẩn thủy điện Đắc Đrinh cũng chỉ mới thông tuyến, đất đá ngổn ngang, nhiều vị trí có thể xảy ra sạt lở bất cứ lúc nào. Bởi vậy, việc chuyển dân, di dời tài sản của dân qua những tuyến đường này khi xảy ra tình huống khẩn cấp hết sức nguy hiểm.

Trả lời về câu hỏi “trách nhiệm” của chủ đầu tư công trình đối với việc thủy điện xây gần xong, việc xây nhà tái định cư cho dân mới “khởi động” đẩy gần 1.000 người dân vùng ngập Đắc Nên vào tình huống nguy hiểm nghiêm trọng, cuộc sống vô cùng khó khăn bởi hạ tầng thiết yếu chưa chuẩn bị kịp, ông Vương Quý Thạch - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần thủy điện Đắc Đrinh lý giải, việc chậm trễ là do những thay đổi về chủ đầu tư dự án.

Theo ông Thạch trước đây chủ sở hữu của dự án này một đơn vị thuộc Tổng Công ty Licogi. Trong quá trình triển khai, về điều kiện, khả năng, nguồn lực, có sự chuyển đổi chủ đầu tư về phía Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Sẽ còn nhiều câu hỏi, nhiều cách trả lời liên quan đến vấn đề trách nhiệm của chính quyền huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, của chủ đầu tư công trình thủy điện Đắc Đrinh đối với việc chậm trễ di dời, đẩy gần 1.000 người dân xã Đắc Nên vào tình huống nguy hiểm. Thế nhưng, trách nhiệm khẩn cấp nhất, cần làm nhất lúc này là đưa dân ra khỏi vùng nguy hiểm vẫn chưa được thực hiện. Rõ ràng nếu để xảy ra thiệt hại về tính mạng, tài sản của dân, lỗi sẽ không thể tại trời./.