Trong khi đó theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT phấn đấu các dự án thành phần cao tốc đoạn qua miền Trung vượt tiến độ. Vậy việc chậm bàn giao mặt bằng sẽ ảnh hưởng ra sao tới tiến độ? 

Sau 1 năm thi công, nhiều đoạn đường tại Dự án Vạn Ninh – Cam Lộ đã được thảm nhựa, với hơn 20km bê tông nhựa rỗng, 14 km bê tông nhựa C19…nhiều cầu cũng đang trong giai đoạn lao lắp dầm.

Đối lập với những vị trí có mặt bằng đang thi công nhộn nhịp, nhiều vị trí vẫn vướng mặt bằng, đặc biệt là đoạn 2km thuộc địa bàn xã Phú Thủy (huyện Lệ Thủy) đường cao tốc trùng với đường mòn Hồ Chí Minh mặt bằng vẫn xanh rì bởi cây cối và hơn 130 hộ dân vẫn chưa di dời, khiến nhà thầu không thể thi công.

Theo đại diện Ban QLDA đường Hồ Chí Minh hiện 2 tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị đã bàn giao được 80% mặt bằng sạch, 20% còn lại vướng mắc liên quan đến tiến độ xây dựng các khu tái định cư, xác định nguồn gốc đất, dự án điện mặt trời…

Mới đây lãnh đạo 2 tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo các huyện đôn đốc chủ đầu tư tăng thêm thiết bị, nhân lực thi công công 3 ca 4 kíp để hoàn thiện hạ tầng các khu tái định cư, cam kết hoàn thành việc bốc thăm tại tất cả các khu tái định cư trong tháng 1 này; đồng thời rà soát các thủ tục pháp lý liên quan để bố trí tạm cư cho người dân, cam kết đến cuối tháng 3 sẽ bàn giao toàn bộ mặt bằng sạch cho dự án.

Ông Lưu Tuần Tuấn, cán bộ Phòng điều hành dự án 4, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cho biết, tại gói thầu XL01 đang vướng hơn 4km mặt bằng do chậm triển khai tái định cư, hiện mới có 1 khu tái định cư ở huyện Quảng Ninh hoàn thành bàn giao mặt bằng, còn 3 khu tại huyện Lệ Thủy cơ bản hoàn thành san nền, đang hoàn thiện hạ tầng và đường giao thông nội khu, phấn đấu bàn giao mặt bằng trong quý I năm 2024.

"Tiến độ tái định cư là điểm mấu chốt quyết định đến tiến độ của dự án, công tác bốc thăm, phân lô phải hoàn thành trước tết âm lịch và trong tháng 3 phải bàn giao toàn bộ mặt bằng cho dự án thì mới kịp triển khai thi công. Nếu tiến độ xây dựng các khu tái định cư tiếp tục chậm, bàn giao mặt bằng chậm hơn nữa sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thi công của dự án. Vướng mắc nhất tại thị trấn Nông trường Lệ Ninh và Phú Thủy là khó khăn trong công tác xác định thời điểm sử dụng đất, nguồn gốc đất, cái này đã tồn tại rất lâu, tỉnh đã chỉ đạo, huyện đang giải quyết nhưng tiến độ vẫn chưa đạt yêu cầu", ông Lưu Tuần Tuấn cho biết.

Tại gói thầu XL02, thuộc địa bàn tỉnh Quảng Trị, lãnh đạo địa phương này cũng đang chỉ đạo tăng ca thi công xuyên đêm, quyết tâm hoàn thành 9 khu tái định cư và bàn giao toàn bộ mặt bằng sạch cho dự án vào cuối quý 1 này. Song hành với đẩy nhanh xây dựng hạ tầng khu tái định cư, địa phương cũng đang vận động người dân bốc thăm trên giấy hoặc ngoài thực địa và xây dựng nhà.

Tại các vị trí người dân xây nhà trái phép trên đất nông nghiệp, địa phương đang tích cực tuyên truyền, nếu tiếp tục chây ì địa phương sẽ tiến hành cưỡng chế. Hiện nay toàn dự án đã huy động 500 đầu máy thiết bị, 900 nhân sự, triển khai đồng loạt 66 mũi thi công cuốn chiếu tại những vị trí đã có mặt bằng từ 6h sáng đến 22h đêm để bù tiến độ, đến nay sản lượng đạt 23%.

Tại 2 dự án thành phần Vũng Áng – Bùng, Bùng – Vạn Ninh tiến độ đạt từ 29-31%, là 2 trong 4 dự án vượt tiến độ, tuy nhiên nút thắt tại các dự án này cũng liên quan đến tiến độ xây dựng tái định cư và di dời hàng nghìn ngôi mộ còn chậm. Trong tổng số 23 khu tái định đến nay mới hoàn thành 4 khu, 19 khu còn lại đang trong quá trình xây dựng, tỉnh Quảng Bình cam kết cuối quý 1 tới sẽ hoàn thiện và bàn giao 100% mặt bằng sạch cho dự án.

Ông Trần Hữu Hải, GĐ Ban QLDA 6 nhấn mạnh: "Tại dự án Bùng – Vạn Ninh công tác tái định cư, nhất là tái định cư nghĩa trang, số lượng mộ cần di dời rất nhiều với hơn 2.400 ngôi mộ, đến nay vẫn còn 700 ngôi mộ chưa được di dời - khối lượng tương đôi lớn nên cũng ảnh hưởng một chút đến tiến độ so với dự án Vũng Áng – Bùng.

Hiện nay tốc độ di dời mồ mả đang được các huyện có tuyến đi qua đẩy nhanh, tuy nhiên cận tết sẽ chậm lại một chút do phong tục tập quán của người Việt, nhân dân hứa sau Tết nguyên đán sẽ di dời toàn bộ."

Trong khi đó, mới đây lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi đã có văn bản tiếp tục xin lùi thời gian bàn giao mặt bằng dự án Quảng Ngãi – Hoài Nhơn đến cuối tháng tư 2024. Bởi một số vướng mắc liên quan đến đất ở, một bộ phận người dân còn đang khiếu nại, chưa đồng ý với mức giá đền bù của địa phương, chưa chịu di dời; nhiều khu tái định cư cũng chưa hoàn thành và một số đoạn còn vướng đường công vụ, nhà thầu không thể vận chuyển nguyên vật liệu vào công trường để thi công.

Trong khi hiện nay đã cận tết, để nhân dân vui xuân đón tết không bị xáo trộn cuộc sống, địa phương chưa thực hiện các biện pháp mạnh như cưỡng chế, thay vào đó tiếp tục công tác dân vận để nhân dân hiểu, bàn giao mặt bằng.

Ông Lê Thắng, Giám đốc Ban QLDA 2 chia sẻ, hiện địa phương đang cưỡng chế đối với những diện tích đất nông nghiệp, đất trồng cây: "Hiện nay địa phương rất quyết liệt trong giải phóng mặt bằng, đang tiến hành cưỡng chế, tập trung vào khu vực còn tranh chấp về đất đai, không phải đất ở hay đất thổ cư và những diện tích đất liên quan đến cây trồng lâu năm, cây nông nghiệp, cây công nghiệp.

Tỉnh đang tổ chức cưỡng chế ở tất cả các khu vực như Mộ Đức, Tư Nghĩa, còn những vị trí vướng mặt bằng liên quan đến người dân đang ở, sau tết sẽ tiến hành cưỡng chế, khi mà các khu tái định cư đã hoàn thiện để người dân vào ở, đảm bảo mặt bằng sạch theo đúng cam kết".

Cũng theo Ban QLDA 2, hiện mặt bằng của dự án đạt 94%, số lượng còn lại không nhiều, thế nhưng có rất nhiều vị trí xôi đỗ, vướng khu dân cư, đang hưởng lớn tới việc vận chuyển nguyên vật liệu, máy móc thiết bị và tiến độ thi công của dự án, không phát huy hết công suất máy móc thiết bị và gây lãng phí nguồn lực.