Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Gia Lai ghi nhận 9 vụ đuối nước khiến 13 trẻ em tử vong, phần lớn là ở những vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số. Ông Puih Lêr, Phó Chủ tịch UBND xã Gào, thành phố Pleiku, nơi đã xảy ra nhiều vụ đuối nước, cho biết: Đa số các trường hợp tử vong do trẻ tự tìm đến vùng sông suối chơi đùa mà không có sự giám sát của người lớn. 

“Xã có một hồ đập tại làng D, là hồ nước lớn, không thể rào chắn hết được. Các em vào buổi chiều thường rủ nhau đi tắm không có người lớn quản lý.  Bố mẹ thì thường lo bận làm nông nên không thể quản lý chặt chẽ được do vậy mới xảy ra đuối nước”, ông Puih Lêr cho hay.

Anh Nguyễn Chí Hiếu, Trưởng Ban Thanh Thiếu nhi trường học, Tỉnh đoàn Gia Lai cho biết, hằng năm, Đoàn Thanh niên vẫn tổ chức các lớp dạy bơi miễn phí cho trẻ em. Trước tình trạng trẻ em ở những vùng khó khăn đuối nước tăng cao, năm nay đơn vị sẽ triển khai đến những nơi vùng sâu, vùng xa, đầu mối là các cán bộ đoàn ở cơ sở để các em học sinh có điều kiện được học bơi.

"Ban Thường vụ Tỉnh đoàn tiếp tục tuyên truyền giáo dục, cắm biển cảnh báo các khu vực có nguy cơ đuối nước. Đưa vào tiêu chí thi đua để đánh giá thi đua của các đoàn trường học và liên đội trên địa bàn tỉnh, qua đó xác định trách nhiệm của Bí thư đoàn trường, giáo viên làm công tác đội cùng với nhà trường trong việc trang bị kiến thức, kỹ năng phòng chống tai nạn đuối nước cho các em học sinh”, anh Nguyễn Chí Hiếu chia sẻ.

Ông Phạm Trần Anh, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai cho rằng, để phòng chống tai nạn đuối nước ở trẻ em rất cần sự chung tay của toàn xã hội. Đặc biệt là gia đình cần quan tâm hơn trong việc bảo vệ và chăm sóc trẻ, nhất là vào dịp nghỉ hè: "Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho trẻ em, gia đình, nhà trường, toàn xã hội. Tăng cường huấn luyện, đào tạo các kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em, đặc biệt là kỹ năng bơi, kỹ năng ứng cứu khi xảy ra tai nạn đuối nước. Tăng cường sự phối hợp của các cấp các ngành trong phòng chống tai nạn đuối nước cho trẻ”.