Cuộc vận động để thành lập Hội Vô Tuyến Điện tử Việt Nam được tiến hành từ năm 1965. Theo đó ngày 25/6/1965, Thứ trưởng Bộ Nội vụ đã ký Quyết định thành lập Ban vận động tổ chức Hội hoạt động ngang tầm với một tổ chức Hội thực thụ.

Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam (REV) được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ra quyết định chính thức thành lập ngày 17/12/1988 đến nay tròn 25 năm.

Đại hội lần thứ  I của Hội đã được tổ chức tại hội trường C2 của Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, bầu ra ban chấp hành đầu tiên gồm 37 người là các nhà khoa học, giảng viên đại học, nhà sản xuất, và nhà quản lý thuộc lĩnh vực Vô tuyến Điện tử trong cả nước.

Ban chấp hành đã bầu ra Chủ tịch Hội là ông Đặng Văn Thân - Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện. Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký là ông Nguyễn Văn Ngọ và một số Phó Chủ tịch khác gồm các ông : Phan Anh, Nguyễn Hà Hoạt, Nguyễn Đình Ngọc, Đỗ Trung Tá.

Các đại hội lần thứ II, III, IV và V bầu các ông Đặng Văn Thân, Mai Liêm Trực, Nguyễn Văn Ngọ và Phan Anh làm Chủ tịch Hội.

Trải qua 25 năm xây dựng và hoạt động, bám sát các nhiệm vụ do 5 kỳ đại hội đề ra, REV với sự tham gia của một đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật ngày càng đông đảo, trẻ hóa và lớn mạnh và trở thành một Hội nghề nghiệp có uy tín ở trong nước và quốc tế, góp phần không nhỏ cho sự nghiệp phát triển công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước.

Hội có tổ chức trên cả nước. Ngoài các chi hội trực thuộc ở các tỉnh thành và cơ quan Trung ương, các Hội Vô tuyến-Điện tử-Tin học Hải Phòng, Hội Vô tuyến điện và Điện tử TP HCM (nay là Hội Điện tử -Viễn thông TP HCM), Hội Tin học Tây Ninh, Hội Vô tuyến Nghiệp dư Việt Nam mà điều lệ riêng có ghi tự nguyện tuân thủ Điều lệ Hội REV, đều được Hội bảo trợ về mọi mặt như những hội thành viên ở địa phương và trên thực tế đã cùng nhau hoạt động có hiệu quả trên 20 năm nay.

Hội có cơ quan ngôn luận là “Tạp chí Điện tử” (gồm các phụ bản ra hàng tháng là Điện tử Ngày nay và Điện tử Tiêu dùng) và trang Web http://rev.org.vn, có những trung tâm đào tạo nổi tiếng ở cả 2 miền, triển khai đào tạo cả chính quy và phi chính quy ở bậc sơ cấp, trung cấp, cao đẳng, liên kết với một số trường đại học lớn trong nước đào tạo ở bậc đại học, và liên kết với một trường đại học quốc gia ở Trung Quốc đào tạo các bậc trên đại học, ngoài ra còn tổ chức các lớp huấn luyện nâng cao nghiệp vụ cho các cán bộ Phát thanh truyền hình cấp xã và huyện của một số địa phương.

Hội là một cơ quan tổ chức các cuộc hội nghị, hội thảo khoa học có uy tín cả ở trong nước và trên quốc tế: Từ năm 1988 cho đến 2008, Hội đã phối hợp với các cơ quan và tổ chức khoa học trong nước tổ chức đều đặn các Hội nghị Vô tuyến-Điện tử toàn quốc (gọi tắt là Hội nghị REV) vào những năm chẵn, tổng số là 11 kỳ.

Riêng các Hội nghị REV những năm 2002, 2004, và 2006 lại có thêm sự bảo trợ kỹ thuật của các tổ chức quốc tế và nước ngoài như : IEEE, IEICE. Các bài báo đăng trong kỷ yếu các Hội nghị REV được Hội đồng Chức vụ Khoa học nhà nước xem xét để tính điểm công trình.

Từ năm 2008, Hội thỏa thuận với Hội Truyền thông Quốc tế IEEE/ComSoc đồng tổ chức Hội nghị Quốc tế về các công nghệ tiên tiến trong truyền thông (International Conference on Advanced Technologies for Communications, - ATC) kết hợp với Hội nghị Vô tuyến- Điện tử Việt Nam (REV), lấy tên chung là “Hội nghị quốc tế ATC-REV”, tới nay đã trải qua 6 kỳ từ ATC-REV 2008 đến ATC-REV 2013.

Đây là một dạng Joint-Conference: ATC là hội nghị quốc tế, nội dung gồm những công trình nghiên cứu chưa công bố ở đâu và một số báo cáo then chốt (keynote speech) giới thiệu những ý tưởng mới cũng như xu thế phát triển trong tương lai gần của công nghệ truyền thông trên toàn cầu.

Ngôn ngữ sử dụng là tiếng Anh. REV vẫn là hội nghị quốc gia với ý nghĩa như những năm trước nhưng nhờ có ATC mà có nhiều thông tin hơn. Ngôn ngữ sử dụng là cả tiếng Việt và tiếng Anh.

Kỷ yếu hội nghị ATC được đưa vào cơ sở dữ liệu khoa học của IEEE Communications Society  http://www.comsoc.org/conferences/portfolio-events và bài đăng được coi là công trình công bố ra quốc tế.

Cùng với việc tổ chức hội nghị quốc tế hàng năm, REV đã kết hợp với IEEE/ComSoc xuất bản một tờ tạp chí chuyên ngành bằng tiếng Anh với tên gọi là REV Journal on Electronics and Communications, viết tắt là JEC để giao lưu Khoa học Công nghệ giữa các nhà khoa học kỹ thuật Việt Nam với quốc tế, giúp công bố công trình nghiên cứu của các học giả và các nghiên cứu sinh tiến sĩ Việt Nam ra quốc tế.

Ngoài việc chủ trì tổ chức các hội nghị REV và ATC-REV, trong những năm qua, Hội cũng đã đồng bảo trợ hoặc cử đại biểu đọc báo cáo và chủ trì phân ban ở 36 kỳ hội nghị khoa học có quy mô toàn cầu hoặc khu vực như: Hội nghị Liên đoàn KHKT các nước ASEAN (CAFEO), Hội nghị Toàn cầu về Truyền thông (GLOBOCOM), Hội nghị Toàn cầu về Y tế Viễn thông (WCT), Hội nghị Chủ tịch các Hội Truyền thông kết nghĩa với IEEE-ComSoc (CSSS), Hội nghị Bắc Á về bảo vệ hệ thống Điện áp cao (ACPSP), Hội nghị Châu Á-TBD về Thông tin Vệ tinh (APCSS), Hội nghị Quốc tế về Cơ sở Hạ tầng Internet, Hội thảo Pháp-Việt về Viễn thám, Hội thảo Pháp Việt về khoảng không vũ trụ (CFVERT), Hội thảo Nga-Việt về Bảo mật thông tin.

Về công tác tư vấn, Hội đã kiến nghị với Nhà nước việc dùng vệ tinh địa tĩnh để chuyển tiếp các chương trình Phát thanh - Truyền hình.

Năm 1992, Hội được Bộ Khoa học Công nghệ- Môi trường mời tư vấn để chọn thuê vệ tinh khu vực thích hợp nhất cho việc truyền các chương trình truyền hình Trung ương. Ngoài ra có thể nêu một số điển hình như sau đối với công tác tư vấn ở tầm vĩ mô: Hội nghị REV lần thứ III 10/1990 đánh giá tình hình điện tử nước ta trong giai đoạn từ khi tham gia khối SEV cho đến khi khối này ngừng hoạt động, và thảo luận về những tư tưởng cơ bản của một Chiến lược phát triển Điện tử-Tin học-Viễn thông của nước ta trong tình hình mới. Hội nghị REV lần thứ V 11/1994 kiến nghị phóng vệ tinh địa tĩnh của Việt Nam và phát triển viễn thông và truyền thông đại chúng cho vùng núi, biên giới và hải đảo. Hội nghị REV lần thứ VI 10/1996 kiến nghị tăng cường cơ sở vật chất và biện pháp quản lý tần số, nguồn lực lớn của quốc gia, khẩn trương nghiên cứu để sớm gia nhập Intemet.

Về công tác tư vấn, phản biện, Hội cũng là cơ quan thẩm định những dự án lớn của nhà nước như Dự án vệ tinh VINASAT-1, Đề án Phát triển Viễn thám, vũ trụ, quy hoạch Phát thanh truyền hình ở Việt Nam đến năm 2020…

Hội có quan hệ hợp tác với nhiều tổ chức khoa học công nghệ quốc tế, như CNES Pháp, BSNC Anh, Locheed Martin Telecommunications Hoa kỳ, và đã ký các hiệp định hợp tác với 11 tổ chức quốc tế trong đó có Alcatel Space Pháp; Đại học Đông Nam SEU; Hội Kỹ sư & Kiến trúc sư Israel AEAI; Tổng hội IEEE quốc tế và IEEE ComSoc; Hội Vô tuyến POPOV của Nga; một số hội và tổ chức khoa học của Hàn Quốc như: SAT, KICS, KAIT.

Qua 25 năm phát triển và trưởng thành, Hội Vô tuyến điện tử Việt Nam đã nhận được sự quan tâm của các Bộ ngành tạo điều kiện cho Hội ngày càng phát triển vững mạnh, số hội viên ngày càng đông, hoạt động của Hội ngày càng hiệu quả, góp phần vào sự nghiệp phát triển chung của đất nước./.