Tham gia cuộc tọa đàm có hơn 200 đại biểu là cán bộ trẻ ở Hà Nội và đại diện các cấp, các ngành.
Theo số liệu thống kê năm 2009, tỷ lệ cán bộ trẻ ở Hà Nội tham gia cấp ủy các cấp chiếm tỷ lệ thấp. Ở cấp xã, phường, thị trấn, số cán bộ là Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ độ tuổi từ 18 đến 35 chiếm chưa đầy 10%, độ tuổi từ 36 đến 45 chiếm gần 31%. Đối với cấp quận, huyện, số cán bộ độ tuổi từ 18 đến 35 chỉ chiếm 2,2%, độ tuổi từ 36 đến 45 chiếm hơn 20%. Với cấp thành phố thì không có cán bộ nào từ độ tuổi 18 đến 35 tham gia cấp ủy, với độ tuổi từ 26 đến 45 cũng chỉ có 4 người, chiếm 4,5%.
Qua báo cáo đánh giá kết quả đại hội đảng bộ cơ sở thí điểm trực tiếp bầu ban thường vụ, bí thư, phó bí thư nhiệm kỳ 2010-2015, trong 113 đảng bộ đã đại hội, có 20 đảng bộ có cán bộ trẻ tham gia cấp ủy, với số cán bộ trẻ được bầu vào cấp ủy cơ sở là 30 trong tổng số 1.315 người, chiếm tỷ lệ 2,3%.
Nguyên nhân của tình trạng cán bộ trẻ tham gia các cấp ủy ở Hà Nội còn thấp là do nhận thức của một số cấp ủy lãnh đạo chưa quan tâm đúng mức đối với đội ngũ cán bộ trẻ; còn định kiến, khắt khe hoặc chưa có các giải pháp cụ thể, thiết thực về xây dựng đội ngũ cán bộ, trong đó có cán bộ trẻ. Một số cấp ủy chưa thật sự coi trọng việc phát hiện, tạo nguồn qui hoạch, đào tạo bồi dưỡng, mạnh dạn bố trí, sử dụng cán bộ trẻ, chưa mạnh dạn giao việc, tạo điều kiện cho cán bộ trẻ đủ tiêu chuẩn có cơ hội phát triển.
Trình độ năng lực, chuyên môn nghiệp vụ của một bộ phận cán bộ trẻ còn yếu, thiếu tinh thần học tập, nghiên cứu khoa học; tính cộng đồng phối hợp, hợp tác trong công việc của mộ bộ phận cán bộ trẻ chưa cao. Một bộ phận cán bộ trẻ còn chạy theo lối sống thực dụng, thiếu tinh thần học hỏi, trau dồi nghiệp vụ, thiếu chí khí và hoài bão phấn đấu vươn lên. Trình độ của một số cán bộ trẻ còn bị tụt hậu so với yêu cầu phát triển của Thủ đô, nhất là về năng lực sáng tạo, khả năng thực hành và ứng dụng, khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ và sử dụng công nghệ thông tin, khả năng tư duy và tác nghiệp độc lập; đội ngũ cán bộ trẻ tinh hoa còn ít. Không ít cán bộ trẻ còn thiếu tự tin, tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình còn yếu...
Ông Phạm Quang Nghị - Uỷ viên Bộ Chính Trị - Bí thư Thành uỷ Hà Nội giao lưu với các bạn trẻ thủ đô |
Tại cuộc tọa đàm, cùng với việc nêu lên thực trạng của đội ngũ cán bộ trẻ ở Hà Nội, các đại biểu đã nêu những thuận lợi, khó khăn của cán bộ trẻ ở cơ sở, đồng thời nêu các kiến nghị, giải pháp để cán bộ trẻ được qui hoạch, bố trí và sử dụng có hiệu quả như: các cấp ủy cần coi công tác cán bộ trẻ là khâu đột phá trong công tác cán bộ; có chủ trương chính sách riêng biệt về công tác cán bộ trẻ, xây dựng chính sách đặc thù cho cán bộ trẻ theo hướng thu hút và tạo cơ hội; có chế độ đãi ngộ xứng đáng với các cán bộ trẻ có nhiều đóng góp; cử cán bộ lớp trước dìu dắt thế hệ cán bộ sau; đồng thời thường xuyên kiểm tra, đánh giá đội ngũ cán bộ trẻ...
Phát biểu kết luận Hội nghị, ông Nguyễn Công Soái - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội nêu rõ: Các cấp ủy ở Hà Nội cần làm tốt tốt công tác rà soát, bổ sung qui hoạch nhân sự cấp ủy các cấp nhiệm kỳ 2010-2015, trong đó phải đảm bảo cơ cấu 15% cán bộ trẻ trong cấp ủy khóa mới, theo Chỉ thị số 37-CT/TW về Đại hội các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng. Nhiệm vụ trước tiên là các cấp ủy đảng cần nâng cao nhận thức về công tác cán bộ trẻ. Thành ủy Hà Nội sẽ ban hành các chủ trương, chính sách tạo cơ hội cho đội ngũ cán bộ trẻ; chuẩn bị xây dựng Nghị quyết chuyên đề về công tác cán bộ trẻ; làm tốt công tác tạo nguồn, qui hoạch, sử dụng và luân chuyển cán bộ trẻ. Thành đoàn Hà Nội cần phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành và các cơ quan chức năng, thực hiện tốt kế hoạch bồi dưỡng 500 cán bộ đoàn và 1.000 thanh niên để đưa về cơ sở, góp phần tạo nguồn cán bộ trẻ chất lượng cao cho thành phố./.