Chỉ số cải cách hành chính và chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2023 được Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ công bố mới đây đã có những bước tiến bộ, chuyển biến tích cực hơn. chỉ số hài lòng về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước so với năm trước đã tăng lên khoảng 2% và chỉ số cải cách hành chính năm 2023 cũng đã đạt bình quân trên 80%. Mặc dù kết quả đánh giá xếp hạng các chỉ số được cải thiện tích cực, song một số tiêu chí cho kết quả đánh giá còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu để ra và có sự phân hóa rõ rệt giữa các bộ, địa phương trong việc triển khai các nội dung cải cách cụ thể.

Trao đổi với Phóng viên VOV2, PGS.TS Ngô Thành Can, nguyên Phó Trưởng khoa Tổ chức và Quản lý Nhân sự, Giảng viên cao cấp, Học viện Hành chính Quốc gia cho rằng, các số liệu phản ánh mặt tích cực là chủ yếu và một số vấn đề cần cải thiện thêm. Bởi chỉ số cải cách hành chính tập trung vào cải cách thể chế, tổ chức bộ máy, thủ tục hành chính, tài chính công, cải cách về chế độ công vụ, công chức hay xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, các công tác liên quan chỉ đạo cải cách hành chính và tác động của cải cách hành chính đối với xã hội, người dân.

Các chỉ số cải cách hành chính và chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước cho thấy công tác cải cách hành chính đã có những chuyển biến tích cực và đạt được kết quả khá toàn diện. PGS.TS Ngô Thành Can đánh giá cao sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo địa phương, thực hiện các nhiệm vụ thông suốt từ trên xuống dưới. Cái thứ hai là thu hút được sự tham gia của đội ngũ cán bộ, công chức tham gia thực hiện cải cách hành chính, tập trung vào lấy người dân là trung tâm, đưa phục vụ lên hàng đầu, phần nữa thấy rõ là được sự quan tâm các cấp, được đầu tư về con người, về vật chất, đặc biệt sự phát triển đầu tư về chính quyền điện tử, chính quyền số. Một phần nữa các đơn vị thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, khuyến khích công dân thực hiện giao dịch điện tử qua nền tảng số, mở ra kênh thông tin cho người dân phản ánh.

Theo kết quả đo lường chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính và chỉ số cải cách hành chính năm 2023 thì tỉnh Quảng Ninh là đơn vị dẫn đầu bảng xếp hạng, với kết quả đạt 92.18%. Con số này cho thấy mức độ hài lòng của người dân Quảng Ninh với sự phục vụ của cơ quan hành chính ở địa phương là rất cao.

Theo PGS.TS Ngô Thành Can, Quảng Ninh nhận được sự quan tâm của lãnh đạo các cấp, quyết liệt trong chỉ đạo; việc tổ chức các hoạt động cải cách hành chính thông suốt, trên dưới đồng lòng. Bên cạnh đó là tinh thần phục vụ của đội ngũ cán bộ công chức với người dân và tổ chức. Đặc biệt là sự quyết tâm, quyết liệt giải quyết ngay các vướng mắc và những vấn đề khó khăn đặt ra. Một điều nữa Quảng Ninh đã xây dựng được đội ngũ cán bộ công chức tận tụy, mẫn cán phục vụ, từng bước nâng cao chất lượng của đội ngũ này. Cũng có một phần đó là yêu cầu cho sự phát triển của tỉnh Quảng Ninh những năm gần đây, đó là yêu cầu về du lịch, về phát triển kinh tế - xã hội, đặt ra những yêu cầu đòi hỏi tỉnh thay đổi để phù hợp.

Với một số tỉnh đứng cuối bảng xếp hạng chỉ số cải cách hành chính năm 2023, nguyên nhân được cho là một số nội dung cải cách còn bộc lộ nhiều hạn chế, như: chậm công bố, công khai thủ tục hành chính; kỷ luật, kỷ cương hành chính một số nơi chưa nghiêm... PGS.TS Ngô Thành Can phân tích, nguyên nhân của những hạn chế này là do sự chỉ đạo chưa quyết liệt; chưa chú trọng lấy người dân, lấy tổ chức làm trọng tâm phục vụ. Thêm nữa là thái độ phục vụ, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, công tác truyên truyền phổ biến chưa mạnh, chưa đến được từng người dân.

Theo kết quả đo lường các chỉ số, có 3 nội dung người dân mong đợi chính quyền cải thiện nhiều nhất là: Nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết công việc cho người dân; tiếp đến là nâng cao chất lượng tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân và nâng cao năng lực của cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết công việc cho người dân.

PGS.TS Ngô Thành Can phân tích thêm, nếu chúng ta có hệ thống thể chế, chính sách tốt, có đưa ra những quyết định đúng đắn nhưng người thực hiện, người đưa chủ trương, đường lối, chính sách tới người dân chưa đúng, chưa tốt đều ảnh hưởng cả. Cái thể chế và con người thực hiện liên quan tới nhau. Nếu có thể chế, bộ máy, chính sách tốt, con người chưa đáp ứng được thì hiệu quả không cao. Đối với chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức không chỉ thể hiện ở kết quả làm việc, chất lượng tiến hành mà thể hiện ở cả thời gian tiến hành và thái độ phục vụ, gọi là chất lượng tổng thể.

Đội ngũ người dân, nhà nước yêu cầu cần có kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, nền kiến thức thực hiện, có khả năng thực thi, có kỹ năng làm việc, đặc biệt chú trọng đạo đức, văn hóa công vụ, thái độ phục vụ thì người dân mới đánh giá cao. Cán bộ, công chức phải có trình độ chuyên môn, nắm chắc quy trình giải quyết từng vụ việc cụ thể. Khi nắm chắc chuyên môn sẽ giải quyết các tình huống “thấu tình, đạt lý”, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân.

PGS.TS Ngô Thành Can cho rằng, đại bộ phận đội ngũ cán bộ, công chức liên quan tới cải cách hành chính đều làm tốt phần việc của mình, đều đáp ứng được yêu cầu cơ bản của công cuộc cải cách hành chính, tuy nhiên vẫn còn hiện tượng chỗ nọ chỗ kia làm không tốt. Cái tinh thần, thái độ, năng lực thực thi công vụ của cán bộ, công chức dù có nhiều chuyển biến tích cực, phục vụ chất lượng tốt hơn, tính chuyên nghiệp hơn nhưng một bộ phận còn thiếu năng động, thiếu nhanh nhẹn, tính chủ động chưa cao. Ở đâu đó vẫn còn có những người thờ ơ, còn nhũng nhiễu, đặc biệt trong thời gian vừa rồi Chính phủ đánh giá có hiện tượng đùn đẩy, né tránh, chưa thực hiện tốt trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức.

Nếu đội ngũ cán bộ, công chức có tinh thần, thái độ dám đương đầu với những khó khăn, có trách nhiệm thì công việc sẽ tiến triến tốt. Ngược lại, nếu còn đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm thì sẽ ảnh hưởng đến kết quả thực thi.

Cũng theo PGS.TS Ngô Thành Can, cần song hành xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, sử dụng. Bên cạnh đó chú trọng công tác tổ chức bộ máy, tinh gọn đầu mối, thực hiện Tinh giản biên chế. Để có được đội ngũ cán bộ, công chức thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân cần làm tốt ngay từ quy trình tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển đội ngũ cán bộ, công chức. Theo đó, việc tuyển dụng cán bộ, công chức cần được đổi mới theo hướng công khai, minh bạch, kiểm soát chặt chẽ chất lượng đầu vào.

Mục tiêu cuối cùng của cải cách hành chính, đo lường chỉ số hài lòng của người dân là để phục vụ cho người dân và doanh nghiệp, tạo ra được một môi trường lành mạnh, cải thiện các rào cản, điểm nghẽn để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Cải cách hành chính thành công hay thất bại phần lớn phụ thuộc vào năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức. Nhận thức đầy đủ về vai trò của cán bộ, công chức, việc cải cách hành chính trong thời gian tới sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả, đáp ứng được sự kỳ vọng và tin tưởng của nhân dân.