Trong những ngày cao điểm của đợt dịch bệnh Covid-19, do tình hình giãn cách kéo dài, cuộc sống người dân tại Long An có nhiều sự xáo trộn đáng kể. Đặc biệt việc mua sắm, sinh hoạt hàng ngày, gặp rất nhiều khó khăn. Những ngày qua, đoàn viên thanh niên và đoàn thể trên địa bàn tỉnh Long An đã có nhiều cách làm hay, như mô hình “mua rau tại vườn, giao tận nhà, đội Shipper Thanh niên, chuyến xe nhu yếu phẩm 0 đồng, bếp ăn nghĩa tình…” không chỉ thực hiện trong tỉnh mà còn góp sức cho TP.HCM trong cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh.
Mua tại vườn, giao tại nhà
Đều đặn mỗi ngày, các thành viên tổ tình nguyện Hội Phụ nữ và Đoàn thanh niên xã Nhơn Ninh, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An tất bật từ sáng sớm để nhận đơn hàng của người dân. Sau khi phân loại mặt hàng, tìm kiếm nhà vườn, đầu mối cung cấp và đi chợ thay, hàng hóa được giao đến tận nhà, miễn phí vận chuyển cho bà con. Thông qua nhóm đi chợ thay trên Facebook, zalo, hoặc gọi trực tiếp qua điện thoại, trung bình mỗi tuần 20 bạn đoàn viên thanh niên và một số chị em hội phụ nữ xã này đã mua giúp hàng hóa, vật dụng nhu yếu phẩm cho trên 500 hộ dân địa phương.
Anh Võ Tiền Phong, Bí thư Đoàn thanh niên xã Nhơn Ninh, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An chia sẻ: Những ngày đầu, bà con chưa quen với giãn cách nên việc tiếp nhận đơn hàng khá vất vả với rất nhiều đơn hàng nhỏ lẻ; tuy nhiên nhờ việc tuyên truyền bằng các tờ rơi bỏ vào giỏ hàng, đến nay các gia đình đã tự cân đối lượng nhu yếu phẩm, rau củ để đảm bảo nhu cầu của gia đình từ 2 đến 3 ngày. Hoạt động thiết thực này được duy trì suốt gần 1 tháng qua, giúp người dân an tâm ở nhà thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16.
“Các bạn thành viên tham gia đều được test kiểm tra sức khỏe hàng tuần. Bên cạnh đó tổ đi chợ thay trong quá trình thực hiện thì mình lươn đảm bảo nguyên tắc 5K đối với quy trình giao nhận hàng giữ khoảng cách. Khi người dân đưa lại tiền thì cũng phải khử khuẩn, để đảm bảo an toàn cho người dân”, anh Võ Tiền Phong nói.
Đến thời điểm này, mô hình “Đi chợ thay giao hàng tận tay” đã lan tỏa ở 14 huyện, thị và thành phố Tân An, với hàng chục điểm tổ tình nguyện đi chợ giúp dân. Tại những khu vực đông dân cư, người ở trọ hoạt động này càng tất bật hơn với sự vào cuộc của đoàn thể, như Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội nông dân và Hội Cựu chiến binh.
Tại huyện Cần Đước, chỉ riêng Hội Phụ nữ huyện, mỗi ngày trung bình tổ tình nguyện đi chợ giúp dân nhận khoảng gần 170 đơn hàng. Các tổ đến tận nhà vườn để thu mua nông sản cho nông dân và giao tận tay các hộ gia đình, tai khu nhà trọ. Mô hình thiết thực này giúp các bà nội trợ, nhưng bếp ăn nghĩa tình, khu cách ly… không cần ra đường nhưng vẫn có rau củ, quả tươi xanh trong các bữa ăn hàng ngày trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16.
Bà Phạm Ngọc Mai, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Cần Đước, tỉnh Long An, chia sẻ: “Thời gian đặt hàng sẽ cố định, tổ nhận đơn hàng của khách từ 6h sáng đến 12h. Sau khi nhận thì chúng tôi soạn đơn hàng... Sau 12h vô hàng xong các chị ở xã sẽ về nhận và chuyển đến hộ dân, vận chuyển tùy theo điều kiện. hộ xa, hộ gần ở địa bàn xa các chị hội viên có thể đi giao đến tối mới xong luôn, bà con rất là thương”.
Giúp dân tại chỗ, giúp bạn láng giềng
Trong lúc tình hình dịch bệnh tại địa phương tiếp tục diễn biến phức tạp, việc giao thương gặp khó khăn, hoạt động đi chợ thay đã giải quyết được bài toán cung cầu về lương thực thực phẩm, đặc biệt là rau củ quả tươi. Nông dân bán được hàng, người tiêu dùng mua được thức ăn với giá hợp lý. Quan trọng nhất là giúp bà con hạn chế ra đường để phòng, chống dịch Covid-19.
Nhờ mô hình “mua rau tại vườn giao tận nhà”, đội hình Shipper Thanh niên việc cung ứng, vận chuyển thuận lợi hơn. Các đội nhóm thiện nguyện còn tổ chức nấu, cung cấp miễn phí các suất ăn cho tuyến đầu chống dịch, hỗ trợ người dân các địa phương lân cận như huyện Củ Chi, Bình Chánh – TP.HCM.
Sự sáng tạo, chung tay, đồng lòng của các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội thông qua các hoạt động giúp dân khiến mọi người cảm thấy an tâm, “ai ở đâu ở đấy” để phòng dịch.
“Mở mạng facebook lên, thấy có chương trình này, rất tốt cho người dân, giúp người dân đặt hàng qua mạng để hạn chế đi ra đường, thấy bên này giao đồ rất tốt và khi hẹn thì giao đúng giờ”, chị Trần Thị Lan Anh, người dân tỉnh Long An bày tỏ.
Mỗi sự đóng góp nhằm bảo vệ cuộc sống người dân trong thời điểm khó khăn, nguy hiểm này thể hiện tính nhân văn sâu sắc, để lại dấu ấn tốt đẹp. Các hoạt động đầy thiết thực, ý nghĩa trên đã góp phần quan trọng thiết lập vùng xanh an toàn trong phòng chống dịch bệnh tại Long An./.