>> Các tỉnh miền Trung cần chủ động phòng chống mưa lũ
>> Hà Tĩnh: 1 học sinh bị lũ cuốn trôi, 10 xã của Hương Sơn bị chia cắt

Trong khi các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình còn gặp rất nhiều khó khăn trong việc khắc phục mưa lũ gây ra vào những ngày cuối tháng 9 đầu tháng 10 thì hiện nay một bộ phận không khí lạnh tiếp tục tăng cường, gây mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to ở các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ, gây thiệt hại về người và tài sản.

Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường từ đêm qua đến sáng 15/10, ở Hà Tĩnh có mưa to trên diện rộng với lượng mưa đo được có nơi hơn 200 mm khiến nước trên các sông, suối lên nhanh. Sáng sớm, nước lũ tại sông Ngàn Phố ở xã Sơn Diệm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh đã vượt trên báo động hai hơn 20 cm; nước tại Trạm thuỷ văn Sơn Diệm- vùng trọng điểm lũ quét là 11,94 m, trên báo động hai 44 cm.

Trong sáng 15/10, em Đoàn Quang Đồng, học lớp 9, ở xã Sơn Thuỷ, huyện Hương Sơn bị lũ cuốn trôi khi đang trên đường đi học. 10 xã ở huyện Hương Sơn bị ngập nước, gây chia cắt. Quốc lộ 8 đi qua thị trấn Sơn Tây bị tê liệt vì nước lũ. Mưa lũ về trong đêm 14/10 khiến hàng nghìn người dân Hương Sơn không kịp di dời tài sản nên thiệt hại rất lớn.

Ngay trong sáng, chính quyền và ngành chức năng huyện Hương Sơn đã đến động viên, thăm hỏi và hỗ trợ gia đình em Đoàn Quang Đồng 4,5 triệu đồng. Tỉnh cũng triển khai ngay việc sơ tán người dân ra khỏi vùng nguy hiểm và cho tất cả học sinh ở Hương Sơn nghỉ học.

Ông Nguyễn Thiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đang có mặt ở huyện Hương Sơn chỉ đạo công tác di dời các hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm cho biết: “Hương Sơn là vùng có mưa lớn nhất. Chúng tôi tập trung di dời những hộ trong vùng có nguy cơ sạt lở để đảm bảo an toàn tính mạng. Hiện nay, huyện Hương Sơn có 10 xã, do nước lên cao bị chia cắt thì anh em huy động phương tiện, đảm bảo thông tin liên lạc và đồng thời có phương án ứng cứu các vùng chia cắt này khi cần thiết. Hiện nay, có những cầu và tuyến đường bị ngập thì giao cho hệ thống giao thông và lực lượng công an, quân sự đảm bảo cảnh báo đề phòng tai nạn”.

** Trong 2 ngày qua, ở tỉnh Nghệ An cũng có mưa to đến rất to, với lượng mưa từ 50-50 mm. Nước sông Lam đang lên nhanh. Tại thành phố Vinh, do hệ thống thoát nước kém nên nhiều tuyến đường và các khu dân cư bị ngập, ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân.

Sáng 15/10, lượng người và phương tiện qua lại nhiều nên tại một số tuyến đường trong thành phố xảy ra ách tắc cục bộ. Mưa to cũng làm sản xuất nông nghiệp vụ đông ở Nghệ An gặp nhiều khó khăn. Nước từ đợt mưa lũ vừa qua chưa rút hết, nay lại có mưa to làm nhiều cánh đồng một lần nữa ngập chìm trong nước. Các loại giống ngô, lạc, rau màu vụ đông mới xuống giống đã gặp nước ngập kéo dài nên bị nảy mầm, hư thối ngay trên ruộng.

Tại các xã Nghi Long, Nghi Trung, huyện Nghi Lộc; Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên... xuất hiện cây trồng vụ đông bị thối rễ, hỏng gốc, không thể phục hồi được. Để giảm đến mức thấp nhất thiệt hại cho nông dân, ngành Nông nghiệp Nghệ An phối hợp với các địa phương hướng dẫn nông dân tháo úng cho đồng ruộng. Đồng thời khuyến cáo bà con không xuống giống trong những ngày có mưa mặc dù đã sẵn sàng đất và giống.

** Do ở Thanh Hoá cũng có mưa to trong 3 ngày qua nên Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cũng khẩn trương chỉ đạo các địa phương sẵn sàng phương án phòng chống. Mặc dù mực nước tại các sông, hồ đập tại Thanh Hoá đang ở mức thấp, song để tránh thiệt hại về người do bất cẩn, tỉnh tuyên truyền để người dân không đi bắt cá, vớt củi…khi có mưa to.

Tại 11 huyện miền núi- nơi đang có khoảng 320 vị trí xung yếu, dễ xảy ra sạt lở đất và lũ ống, lũ quét, gây nguy hiểm đến tính mạng của trên 24 nghìn hộ dân, Thanh Hoá triển khai chế độ trực cụ thể.

Ông Nguyễn Trọng Hải, Chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Thanh Hoá cho biết: “Với lượng mưa xảy ra trong thời gian ngắn nhưng chỉ 100 mm cũng có thể gây lũ ống, lũ quét. Về sạt lở đất, mưa không lớn nhưng dài ngày thì đất ở sườn núi ngấm nước dần, đến độ nặng nhất định sẽ sạt lở. Xác định khó khăn đó, chúng tôi đã tham mưu cho tỉnh để chỉ đạo cho các huyện tập huấn cho các thôn bản, cắt cử già bản hoặc thanh niên khi có mưa phải thường trực canh gác. Khi nghe tiếng nước chảy mạnh có thể báo động bằng kẻng, bằng tù cho nhân dân biết”.

Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương dự báo: Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp đới gió đông tầng cao, các tỉnh từ Nghệ An đến Hà Tĩnh có mưa vừa, mưa to đến rất to, mực nước các sông từ Nghệ An đến Quảng Ngãi sẽ lên nhanh. Trong đợt lũ này, trên các sông từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế có khả năng xuất hiện lũ lớn, đỉnh lũ lên mức báo động 2 đến báo động 3, có nơi trên báo động 3. Vì vậy, các địa phương cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi và ngập lụt ở vùng trũng, đồng bằng./.