Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng của không khí lạnh có cường độ mạnh, nên ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ từ ngày 30/12/2012 đến nay đã xảy ra rét đậm, rét hại trên diện rộng. Nhiệt độ tại các vùng núi cao có nơi xuống dưới 6oC. Để phòng chống rét cho gia súc, gia cầm, hiện nay các địa phương đang tích cực triển khai các biện pháp cụ thể.

Lường trước sẽ có những đợt rét đậm, rét hại kéo dài trên địa bàn gây thiệt hại đối với sản xuất và chăn nuôi, ngay từ tháng 10/2012, tỉnh Bắc Cạn đã tích cực triển khai nhiều biện pháp.

chong-ret.jpg
Người dân tích cực triển khai các biện pháp phòng, chồng rét cho gia súc (Ảnh: Tuyenquangtv)

Tại xã Công Bằng - một trong hai xã có nhiều gia súc nhất huyện Pắc Nặm, tỉnh đã có nhiều biện pháp tuyên truyền hướng dẫn nông dân phòng, chống đói, rét cho gia súc. Theo đó, ngay từ đầu mùa rét, xã đã sớm kiện toàn lại ban chỉ  đạo, thu gom, dự trữ rơm rạ làm thức ăn cho gia súc ngay từ khi thu hoạch lúa mùa; khuyến cáo người dân không thả rông gia súc trong rừng; dùng bạt, phên che chắn chuồng trại, cho ăn uống đầy đủ; không dùng gia súc cày kéo trong những ngày rét đậm, rét hại.

Phát biểu trên báo Nhân dân, Phó Chủ tịch UBND huyện Pác Nặm Vi Thị Thuý cho biết thêm: Huyện yêu cầu cán bộ thú y cơ sở, cán bộ xã và trưởng thôn, bản phải làm biên bản, nhân dân giám sát, xác định rõ nguyên nhân gia súc chết, chết ở đâu. Nếu gia súc chết do gia đình lơ là, chủ quan thì dứt khoát không được hỗ trợ.

Tại Ba Bể, huyện có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, nhiệm vụ trọng tâm của các xã trong những ngày này là tập trung cán bộ về cơ sở vận động bà con chống rét cho gia súc. Một số xã trong huyện còn trích ngân sách hỗ trợ các hộ nghèo mua bạt che chắn chuồng trại kín gió.

Đợt rét đầu năm nay, cả nước đã có gần 1.200 con trâu, bò bị chết rét. Trong đó, tỉnh Cao Bằng là một trong những địa phương có số gia súc chết do đói, rét nhiều. Theo ông Hoàng Thái, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cao Bằng, một trong những nguyên nhân làm trâu bò chống chịu rét kém là do nhiễm giun sán. Báo Chính phủ dẫn lời ông Thái cho biết: để tránh tình trạng trên xảy ra, tỉnh đã cấp 46.800 liều tẩy giun sán cho trâu bò; cấp 152 tấn thức ăn tinh cho các hộ nghèo có gia súc tại 52/81 xã của 8 huyện.

Tại tỉnh Lạng Sơn, ngày 7/1, UBND tỉnh cũng đã có công điện khẩn yêu cầu các cấp, các ngành trên địa bàn tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi sát sao diễn biến thời tiết, tiến hành ngay các biện pháp phòng, chống; khắc phục hậu quả do đợt rét đậm, rét hại đang diễn biến phức tạp. Ở các huyện có nhiều núi cao, đá vôi như: Cao Lộc, Lộc Bình, Bắc Sơn…người dân và gia súc ngã bệnh nhiều. Nên những ngày qua, cùng với công tác tuyên truyền của các cấp chính quyền, bà con đã rút kinh nghiệm không thả rông trâu bò, làm chuồng trại, tích trữ thức ăn nên đã hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Tại Hà Nội, trước đó UBND TP Hà Nội cũng đã yêu cầu kiểm tra, đôn đốc, không để xảy ra tình trạng gia súc, gia cầm, thủy sản chết hàng loạt do rét đậm, rét hại kéo dài. Các quận, huyện chủ động kinh phí phục vụ công tác phòng, chống rét cho đàn gia súc, gia cầm, thủy sản, hỗ trợ kinh phí cho các hộ chăn nuôi nghèo, hộ gia đình chính sách, đồng bào dân tộc để mua thức ăn bổ sung và gia cố, che chắn chuồng trại.

Nếu thiếu trách nhiệm, để xảy ra hiện tượng gia súc, gia cầm, thủy sản chết hàng loạt do chủ quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND TP./.