Chiều nay (30/11), tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Khánh Hòa và các bên liên quan tổ chức Hội nghị cấp Bộ trưởng các nước tiểu vùng sông Mê Kông thực hiện Hiệp định ASEAN về ô nhiễm khói mù xuyên biên giới lần thứ 12.

Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo cấp bộ của 5 nước tiểu vùng sông Mê Kông, gồm Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam. Hội nghị còn có sự tham dự của ông Ekkaphab Phanthavong, Phó Tổng Thư ký ASEAN về Văn hóa, Xã hội. 

Hội nghị tập trung chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và thảo luận những giải pháp, đưa ra những quyết định quan trọng liên quan các vấn đề về quản lý cháy rừng, cháy đất than bùn cũng như quản lý và kiểm soát ô nhiễm khói bụi của các nước tiểu vùng sông Mê Kông nói riêng và cộng đồng ASEAN nói chung, hướng tới một ASEAN không khói mù.  

Theo dự báo của Trung tâm khí tượng ASEAN, tình trạng nắng nóng có thể sẽ kéo dài trong thời gian tới, nhiệt độ có thể cao hơn mức bình thường. Do vậy, các quốc gia cần tiếp tục giám sát thận trọng và có các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn tức thời để giảm thiểu cháy rừng cũng như tình trạng khói mù xuyên biên giới trong suốt mùa khô. Đánh giá cao các nỗ lực không ngừng nghỉ của các nước tiểu vùng sông Mê Kông trong việc thực hiện, cập nhật các kế hoạch hành động quốc gia về phòng chống, kiểm soát, cảnh báo sớm cháy rừng.

Hội nghị cũng đã thỏa thuận việc thành lập Trung tâm điều phối ASEAN về kiểm soát ô nhiễm khói mù xuyên biên giới và kỳ vọng Trung tâm này sẽ vận hành có hiệu quả. Hội nghị cũng mong muốn có đánh giá giữa kỳ thực hiện lộ trình để kiểm tra tiến độ và duy trì động lực đảm bảo đạt mục tiêu ASEAN không khói mù vào năm 2030.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Ekkaphab Phanthavong, Phó Tổng Thư ký ASEAN về Văn hóa, Xã hội đánh giá cao các số liệu, khuyến cáo của Trung tâm khí tượng ASEAN. Phó Tổng Thư ký ASEAN kêu các quốc gia trong khu vực triển khai mạnh mẽ các phương án, vận hành các hệ thống cảnh báo sớm để giảm thiểu các tác hại do khói mù gây ra, bởi đây là vấn đề rất có hại đến sức khỏe con người.

Ông Ekkaphab Phanthavong cho biết: "Chúng tôi kỳ vọng, các quốc gia  tăng cường hợp tác chặt chẽ, đào tạo, chuyển giao để hỗ trợ các quốc gia thành viên để vượt qua các khó khăn. Ban Thư ký sẵn sàng hỗ trợ các quốc gia thành viên để đánh giá giám sát, cảnh báo sớm các vấn đề ô nhiễm xuyên biên giới như cháy rừng, cháy than bùn".

Việt Nam cam kết dành mọi nguồn lực cần thiết để thực hiện tốt những hoạt động về quản lý rừng bền vững, bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng, trong đó công tác phòng cháy, chữa cháy rừng luôn được quan tâm hàng đầu. Đồng thời, Việt Nam kêu gọi sự hợp tác toàn diện của các nước tiểu vùng sông Mê Kông, sự chung tay của các nhà tài trợ và các tổ chức quốc tế cùng nhau hành động vì một cộng đồng ASEAN luôn có môi trường trong sạch, phát triển bền vững. 

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Quốc Trị khẳng định:"Việt Nam đã và sẽ tiếp tục cam kết nỗ lực hết mình, tham gia tích cực hơn nữa cùng các quốc gia ASEAN xây dựng và phát triển có hiệu quả các cơ chế hợp tác chung kiểm soát khói mù ASEAN, giúp người dân các nước ASEAN được sống trong an bình, an toàn trước thiên tai và hỏa hoạn; đưa ASEAN trở thành một khu vực phát triển xanh, thịnh vượng, bền vững".

Hội nghị lần thứ 13 cấp Bộ trưởng các nước tiểu vùng sông Mê Kông tham gia Hiệp định ASEAN về kiểm soát ô nhiễm khói mù xuyên biên giới sẽ tổ chức tại Campuchia vào năm 2024./.