Đã bao năm qua đi nhưng khoảnh khắc bị kẻ xấu chuốc thuốc mê và lừa, bán sang Trung Quốc vẫn khiến chị Thúy (50 tuổi) ở Hải Dương sợ hãi, đau đớn. Bố mẹ ly hôn, mẹ kế bạo hành nên từ nhỏ chị Thúy đã phải đi làm thuê. Năm 1990, khi mới 18 tuổi, chị nhận được thông tin mẹ đẻ lưu lạc sống tại Thái Nguyên, chị mua vé tàu đi từ Ga Gia Lâm (Hà Nội) lên Thái Nguyên tìm mẹ.
Lúc đó có người tiếp cận trò chuyện làm quen. Sau bữa cơm trưa được mời, chị Thúy ngủ mê man và khi tỉnh lại thì biết đã bị bán sang Trung Quốc cho một người bị tâm thần ở vùng núi tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Nhiều năm chung sống, chị sinh được 2 người con và thường xuyên bị đánh đập, bạo hành cả thể xác lẫn tinh thần. Nhiều lần sợ hãi bỏ trốn nhưng lần nào cũng bị bắt lại, bị tra tấn và tiếp tục bị bán cho gia đình khác. Ý định phải trở về quê hương luôn thôi thúc chị Thúy. Năm 2020, Chị Thúy dành dụm tiền mua được một chiếc điện thoại, kết nối được với người Việt Nam ở Trung Quốc và may mắn được giúp đỡ trốn thoát về Việt Nam.
Nhớ lại khoảng thời gian ấy, nước mắt chị lại tuôn rơi: "Tôi bị đánh trên đầu phải khâu đến 73 mũi, bị đánh chỉ có chạy đi thôi. Tôi đã tìm cách trốn về phải đến 5-6 lần ấy nhưng trốn không thoát được. Về rồi lại bị nhốt lại và đánh đập. Tiền nong không có, tìm đường trở về thì cũng không biết trở về kiểu gì".
Cũng vì cả tin, nghe lời dụ dỗ của người xấu, chị Hoàng Thị Oanh (37 tuổi), ở Hải Dương cũng trở nạn nhân của nạn mua bán người. Năm 15 tuổi, chị Oanh đi làm công nhân ở Hải Dương và cũng bị lừa rồi bán sang Trung Quốc, bị nhà chồng bạo hành, đánh đập.
Bà Trần Thị Nga, mẹ chị Oanh chia sẻ: "Năm 2019 chồng của con tôi mắc bệnh hiểm nghèo mất, người trong gia đình chồng không đối xử tốt, nên con tôi đưa con về Việt Nam, cháu nhận được sự giúp đỡ của nhiều người. Về đến cửa khẩu móng cái, gia đình tôi biết tin thì đến đón mẹ con cháu về".
Theo báo cáo về tình trạng mua bán người toàn cầu của Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC), số lượng nạn nhân mua bán người mỗi năm tăng từ gần 20.000 người năm 2003 đến khoảng 49.000 người năm 2018, trong đó số lượng nạn nhân nữ chiếm khoảng 65%, nạn nhân nam chiếm đến 35% với nhiều hình thức bị mua bán bao gồm: 50% bị bóc lột tình dục, 38% lao động cưỡng bức và một số trở thành nạn nhân của các hoạt động phi pháp khác.
Tại Việt Nam, theo số liệu của Bộ Công an, trong 6 tháng năm 2022, cả nước đã phát hiện, điều tra 33 vụ, 75 đối tượng phạm tội mua bán người; trong đó, kết thúc điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện kiểm sát đề nghị truy tố 17 vụ, đang điều tra 15 vụ. Các đối tượng thông qua mạng xã hội để dụ dỗ, lừa gạt, tuyển mộ lao động Việt Nam sang nước ngoài làm việc với hứa hẹn mức lương cao, công việc nhàn hạ, sau đó tổ chức cho nạn nhân vượt biên trái phép và bán vào các cơ sở đánh bạc trực tuyến, cơ sở kinh doanh dịch vụ massage, karaoke trá hình do nước ngoài điều hành…
Theo Đại tá Nguyễn Văn Hiệp, Phó Tư lệnh Bộ đội biên phòng Lai Châu, công tác phát hiện, điều tra xử lý tội phạm buôn bán người gặp nhiều khó khăn do tội phạm mua bán người ít khi bị phát hiện và bắt quả tang. Nạn nhân bị mua bán người khi trốn được về Việt Nam hoặc được giải cứu thì mới tố giác tố cáo. Do đó, khó thu thập chứng cứ để xử lý đối tượng. Bên cạnh đó, đối tượng sử dụng công nghệ thông tin để tiếp xúc với nạn nhân nên không thể nhận biết và nhận diện được đối tượng. Để ngăn chặn, đẩy lùi nạn mua bán người
Đại tá Nguyễn Văn Hiệp cho rằng cần tiếp tục tăng cường công tác phối hợp liên ngành: "Trong nước, lực lượng chủ công biên phòng và công an, Chính phủ giao cho địa bàn biên giới, biển hải đảo nội địa, tuy nhiên trong nước Hội phụ nữ, cơ quan truyền thông, ngành lao động và các đoàn thể khác đi kiểm tra nhiều địa phương cũng cần có sự phối hợp chặt chẽ chứ không phải chỉ hô hào trên diễn đàn, có như vậy mới có sự chuyển biến tích cực".
Bên cạnh công tác điều tra, triệt phá và giải cứu các nạn nhân bị mua bán thì công tác tiếp nhận, chăm sóc, hỗ trợ các nạn nhân trở về hòa nhập cộng đồng rất quan trọng. Hiện nay, hàng trăm nạn nhân của nạn mua bán người đang phải đối mặt với những khó khăn về nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề tiếp cận pháp lý khi trở về.
Hiện nay, mô hình “Ngôi nhà bình yên” của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam là một trong những mô hình thể hiện rõ vai trò tích cực trong giúp đỡ các nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng, là địa chỉ tin cậy đối với các nạn nhân. Sau 15 năm hoạt động, Ngôi nhà bình yên đã hỗ trợ hơn 25.000 lượt phụ nữ bị bạo lực, buôn bán, gần 1.600 bị buôn bán tạm lánh ở “Ngôi nhà bình yên”, họ nhận được dịch vụ tư vấn tâm lý, đào tạo nghề và pháp lý để quay trở lại cuộc sống bình thường.
Bà Dương Thị Ngọc Linh, Giám đốc Trung tâm và phát triển (Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) cho rằng, các bộ ngành cần chung tay, cùng có tiếng nói để xây dựng thể chế, sửa đổi chính sách nhằm hỗ trợ tốt hơn cho các nạn nhân: "Để hỗ trợ phụ nữ phòng tránh được buôn bán người, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã tuyên truyền cho các chị em phụ nữ hiểu sử dụng công nghệ số an toàn, di cư an toàn và hợp pháp; hỗ trợ cho phụ nữ phát triển kinh tế, tạo sinh kế, kết nối tạo việc làm cho chị em ngay tại địa phương để tránh tình trạng di cư ra các đô thị và ra nước ngoài. Thứ 3 là phối hợp liên ngành trong cung cấp thông tin, hỗ trợ chị em bị buôn bán một cách kịp thời nhanh nhất, để các chị em cảm thấy yên tâm".
Đã có hàng nghìn trường hợp bị mua bán với hàng nghìn câu chuyện, hoàn cảnh khác nhau, nhưng nguyên nhân chính vẫn do kinh tế khó khăn và thiếu hiểu biết. Để không trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người, bản thân mỗi người cần nêu cao tinh thần cảnh giác, tự bảo vệ mình và người thân./.