Quanh các điểm trường tại TP. Cà Mau, tập trung nhiều xe bán nước uống, thức ăn nhanh để hướng tới đối tượng là học sinh. Ghi nhận của chúng tôi, trên tuyến đường Phan Đình Phùng (phường 2, TP Cà Mau) có 2 điểm trường lớn là Trường THPT Hồ Thị Kỷ và Trường THPT Cà Mau, tập trung nhiều xe bán các loại thức ăn nhanh.

Tại điểm trường Hồ Thị Kỷ có hơn 10 xe bán bánh mì, nước mía, khoai tây chiên… Chị Nguyễn Thúy Ninh có xe bán bánh mì ở cạnh trường cho biết, mỗi ngày chị bán khoảng 500 ổ bánh mì, phần lớn là các em học sinh ghé mua. Qua mạng xã hội, chị Ninh có biết tới vụ ngộ độc thực phẩm làm hàng trăm học sinh ở tỉnh Đồng Nai phải nhập viện nên càng chú ý hơn đến việc chế biến, đảm bảo vệ sinh.

“Giờ học sinh tan học từ 10 – 12h, sáng từ 6 – 7h, đông dữ lắm. Bánh mì thì sáng lấy dưới lò mang lên còn nóng, bán hết mang lên nữa, còn chả thì mua ở Vũng Tàu đưa về. Ngày nào xài hết ngày đó, chả được bảo quản trong tủ lạnh, rồi lấy ra xài từ từ. Buôn bán phải mang bao tay và phải trùm, bảo quản các thực phẩm”, chị Ninh nói.

Anh Thái Việt Tường, cũng có xe bán bánh mì ở gần cổng trường Hồ Thị Kỷ chia sẻ: “Trong quá trình bán bánh tôi luôn chú trọng đến vấn đề vệ sinh, khi lấy bánh ra thì xem còn ngon không. Chả thì chiên xong bỏ vào thùng bảo quản, giữ độ nóng và giữ mùi vị. Đậy nắp lại thì cũng tránh được ruồi bọ và không bị bụi bặm bám vào”.

Đang trong “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2024 và liên tiếp xảy ra những vụ ngộ độc thực phẩm diễn ra ở một số tỉnh, thành trong cả nước gần đây, nên cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau càng tăng cường công tác tuyên truyền vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt là thực phẩm đường phố, mà trọng tâm là khu vực gần các điểm trường, tập trung nhiều người mua bán ngoài vỉa hè. Từ đó, những người buôn bán cũng có ý thức hơn trong đảm bảo an toàn thực phẩm.

Chị Trần Thị Thanh Nga, bán khoai tây chiên trên đường Phan Đình Phùng cho biết: “Tôi cũng có tủ kiếng để bảo vệ, tránh bụi. Khách tới mới bật lửa, chiên để đồ ăn được tươi ngon. Còn khoai thì mua mỗi ngày, luôn đảm bảo tươi, ngon. Ngay cả nước tương chấm tôi cũng mua của những thương hiệu có tiếng. Dầu ăn cũng xài mới mỗi ngày, tôi mua can 5 lít về chiết ra xài từ từ, hàng ngày thay mới”.

Ông Phạm Văn Hưng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh An toàn thực phẩm Cà Mau cho biết, các xe bán thức ăn quanh các trường học hoặc ngoài vỉa hè, thuộc diện không phải đăng ký kinh doanh nên khó quản lý. Trong điều kiện thời tiết nắng nóng hiện nay, rất thuận lợi cho các vi sinh vật phát triển, mà thực phẩm buôn bán ngoài vỉa hè rất dễ bị nhiễm khuẩn, đây chính là nơi cung cấp nguồn dinh dưỡng cho các loại vi sinh vật. Từ đó, đơn vị phối hợp với ngành giáo dục tăng cường tuyên truyền để học sinh có ý thức trong việc sử dụng thực phẩm, nhất là các loại thức ăn đường phố. Bên cạnh đó, cũng phối hợp với chính quyền địa phương thành lập đoàn kiểm tra, nhắc nhở các điểm bán chú trọng bảo quản thực phẩm tốt hơn.

“Nguy cơ ngộ độc thực phẩm bởi vi sinh vật trong mùa nắng nóng này rất cao. Chúng ta lưu ý, cần che đậy thực phẩm ở khu vực kinh doanh, điều này rất cần thiết vì bụi bẩn sẽ mang theo vi sinh vật thâm nhập vào thực phẩm. Người dân cũng cần ý thức khi buôn bán như đeo khẩu trang, găng tay và kiểm soát nguồn thực phẩm từ khi chế biến đến tay người sử dụng, thời gian càng gắn thì nguy cơ ngộ độc càng thấp. Ý thực của người sản xuất, chế biến cộng với kỹ năng của người tiêu dùng sẽ giúp phòng chống ngộ độc thực phẩm hiệu quả”, ông Phạm Văn Hưng cho biết.

Trong “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm nay, Ban Chỉ đạo liên ngành về Vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Cà Mau đã ban hành kế hoạch hành động. Bên cạnh việc chú trọng về công tác tuyên truyền thì cơ quan chức năng cũng thành lập 1 đoàn kiểm tra liên ngành và đã kiểm tra hơn 100 cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn một số huyện và TP. Cà Mau. Mỗi huyện, TP. Cà Mau cũng thành lập Đoàn liên ngành của địa phương để kiểm tra, tuyên truyền, nhắc nhở các cơ sở sản xuất, kinh doanh buôn bán nâng cao ý thức trong đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.