Sau sự cố 3 trẻ sơ sinh tử vong sau khi tiêm vaccine viêm gan B tại tỉnh Quảng Trị ngày 20/7, dư luận đang rất quan tâm đến việc ngành Y tế sẽ có những biện pháp hiệu quả nào để giải quyết vấn đề này.

Ông Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khẳng định, đây là vụ việc rất nghiêm trọng. Ngay sau khi sự việc xảy ra, Bộ trưởng Bộ Y tế đã cử một tổ công tác do GS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương dẫn đầu đã tới hiện trường để cùng với các cơ quan của tỉnh Quảng Trị, Hội đồng đánh giá tài nguyên vaccine của địa phương điều tra về dịch tễ, lâm sàng, quy trình tiêm chủng.

tiem%20vaccine%20viem%20gan%20b.jpg
Các chuyên gia tìm hiểu quy trình tiêm vaccine

Kết luận điều tra 3 trường hợp trẻ sơ sinh tiêm vaccine bị tử vong là do sốc phản vệ và chưa rõ nguyên nhân. Hiện nay, Bộ Y tế đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn, Bộ Công an làm rõ nguyên nhân của vụ việc một cách sớm nhất, để có những giải pháp khắc phục kịp thời.

Sau những tai biến nghiêm trọng này, Bộ Y tế đưa ra quyết định vẫn giữ nguyên lịch tiêm chủng viêm gan B trong vòng 24h cho trẻ sơ sinh.

Giải thích rõ hơn về lý do này, ông Nguyễn Văn Bình cho biết, mũi tiêm viêm gan B cho trẻ sơ sinh trong vòng 24h là nhằm giúp cho trẻ sinh ra phòng bệnh viêm gan B do bà mẹ mang virus viêm gan.

Việt Nam được xác định là nước có tỷ lệ viêm gan B cao, với khoảng từ 10-20% số bà mẹ có thể mang virus viêm gan B. Vì thế, sau nhiều Hội thảo khoa học, Bộ Y tế đã quyết định tổ chức tiêm viêm gan B cho trẻ sơ sinh trong vòng 24h..

Hiện nay, chương trình tiêm chủng mở rộng đang thực hiện tiêm 2 loại vaccine viêm gan. Thứ nhất là mũi tiêm trong vòng 24h giờ đầu cho trẻ sơ sinh để phòng bệnh cho trẻ ngay nếu như người mẹ có mang virus viêm gan B. Thứ hai là tiêm viêm gan B vào tháng thứ 2, 3 và 4 để phòng bệnh viêm gan B cho trẻ./.