Bộ Tư pháp đang trưng cầu ý kiến để sửa đổi Luật hôn nhân gia đình năm 2000, trong đó có hai nội dung lớn là khả năng công nhận hôn nhân giữa những người đồng giới và mở rộng độ tuổi được phép kết hôn.

Pháp luật Việt Nam cấm kết hôn cùng giới, song thực tế ngày càng nhiều người đồng tính muốn lập gia đình và làm đám cưới công khai. Xét thấy Luật hôn nhân gia đình hiện hành còn nhiều bất cập và chưa sát thực tế nên Bộ Tư pháp đã trưng cầu ý kiến để sửa đổi Luật hôn nhân gia đình.

Trong Công văn số 3460/BTP-PLDSLT gửi các ban, ngành, đoàn thể xã hội, Bộ Tư pháp cho biết mặc dù trên thế giới đã có một số nước và vùng lãnh thổ hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính, nhưng ở Việt Nam đây vẫn là một vấn đề nhạy cảm và còn nhiều quan điểm trái ngược. Hiện tại Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2000 nghiêm cấm những người cùng giới tính kết hôn với nhau (khoản 5, điều 10).

Bộ Tư pháp nhìn nhận, gần đây cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới Việt Nam có xu thế mở rộng, nhu cầu được kết hôn hoặc sống chung với nhau ngày càng tăng nên. Vì thế "xét về đảm bảo quyền tự do cá nhân thì việc kết hôn của những người cùng giới tính cần được công nhận".

Mặt khác, công văn đề cập: "Xét về văn hóa tập quán của gia đình Việt Nam, tính nhạy cảm xã hội của vấn đề, hậu quả xã hội của quy định pháp luật chưa được dự báo hết; thì ở thời điểm này việc thừa nhận người cùng giới tính có quyền kết hôn với nhau ở Việt Nam là còn quá sớm".

Hiện nay đa phần ý kiến của người làm luật đều đồng tình tiếp tục giữ quy định cấm hôn nhân giữa những người cùng giới tính. Thực tế cho thấy việc chung sống giữa những người đồng tính là một hiện tượng xã hội có thật, từ đó phát sinh các vấn đề về nhân thân, tài sản, con cái (như nhận con nuôi)...

Vì thế một số luật gia cho rằng nếu pháp luật không thừa nhận hôn nhân của người đồng tính thì phải có cơ chế pháp lý để điều chỉnh các hậu quả về nhân thân, tài sản và con cái của những người cùng giới tính.

"Thực tế xét xử của tòa án trong nhiều năm qua đã có một số vụ việc tranh chấp về tài sản giữa những người đồng tính có quan hệ sống chung nhưng chưa có cơ sở pháp lý cụ thể để giải quyết tranh chấp. Pháp luật nhiều nước cũng đã có quy định về hậu quả pháp lý của loại chung sống này", trích Công văn lấy ý kiến của Bộ Tư pháp./.