Cùng với đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chỉ đạo các đơn vị tiếp tục tập trung đẩy nhanh giải quyết mọi thủ tục, tiến độ thi công các dự án để nâng cao hiệu quả giải ngân đầu tư công đồng thời phải chủ động lên kịch bản, phương án để kịp thời ứng phó những diễn biến của dịch bệnh COVID-19.

7 tháng giải ngân trên 19.000 tỷ đồng

Tại hội nghị giao ban công tác tháng 7 và định hướng nhiệm vụ trọng tâm tháng 8 vào sáng nay (29/7), theo ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Đầu tư (Bộ GTVT), tháng 7/2021 dự kiến giải ngân được 2.078 tỷ đồng và lũy kế 7 tháng đầu năm dự kiến giải ngân 19.093 tỷ đồng, đạt 44,6% kế hoạch đã phân bổ và đạt 44,4% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao.

“Bộ GTVT là đơn vị đạt tỷ lệ giải ngân cao hơn so với mức bình quân chung cả nước (theo ước tính của Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân bình quân chung khối các bộ, ngành trung ương đến hết tháng 7/2021 là 28,6%)”, ông Huy cho biết.

Đến nay, Bộ GTVT đã hoàn thành công tác xây dựng cả 5 quy hoạch (đường bộ, đường sắt, hàng không, đường thủy nội địa và hàng hải) và trình lên cấp thẩm quyền thẩm định, phê duyệt. Thường trực Chính phủ đã họp, cho ý kiến đối với quy hoạch mạng lưới đường bộ, mạng lưới cảng biển;

Hội đồng thẩm định Nhà nước đã họp, cho ý kiến đối với quy hoạch mạng lưới đường sắt, quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa. Riêng đối với quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc đang chờ Hội đồng thẩm định Nhà nước bố trí lịch họp để thẩm định.

“Các quy hoạch lần này đã được tổ chức thực hiện một cách chủ động, khoa học, bài bản và đồng bộ giữa các quy hoạch chuyên ngành giao thông nên cơ bảnđạt được nguyên tắc kết nối, lan tỏa, linh hoạt, hiệu quả, tầm nhìn dài hạnđược các chuyên gia Hội đồng thẩm định Nhà nước đánh giá cao”, ông Huy nói.

Về công tác đầu tư, phát triển, quản lý kết cấu hạ tầng giao thông, Bộ GTVT đã phối hợp với các tỉnh, thành phố cơ bản hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi 6 dự án đường bộ quan trọng quốc gia gồm dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông, dự án TP.Hồ Chí Minh-Chơn Thành, dự án vành đai 4 thành phố Hà Nội, dự án vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh; dự án Châu Đốc-Cần Thơ-Trần Đề; dự án Buôn Ma Thuột-Vân Phong.

Đến hết tháng Bảy này, cả 3 dự án cao tốc được đầu tư theo hình thức PPP (gồm Diễn Châu-Bãi Vọt, Nha Trang-Cam Lâm, Cam Lâm-Vĩnh Hảo) đều sẽ được ký kết hợp đồng và bước sang giai đoạn thu xếp tín dụng để triển khai thi công.

Đối với 2 dự án cao tốc chuyển đổi đầu tư công là Quốc lộ 45-Nghi Sơn, Nghi Sơn-Diễn Châu, Bộ Giao thông Vận tải đã hoàn thành công tác đấu thầu lựa chọn nhà thầu thi công và đã triển khai thi công trên hiện trường từ đầu tháng 7/2021.

Chủ động kịch bản vừa thi công vừa ứng phó dịch COVID-19

Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nhìn nhận, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, chuẩn bị bước vào mùa mưa bão sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quá trình thi công và tiến độ các dự án, trong đó sẽ ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân đầu tư công.

Bộ trưởng giao Vụ Kế hoạch Đầu tư phải thường xuyên rà soát, kiểm điểm các dự án giải ngân chậm, để điều hòa vốn cho các dự án có tiến độ giải ngân tốt hơn hoặc thiếu vốn; mục tiêu phải hoàn thành kế hoạch giải ngân năm 2021, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết 63 của Chính phủ.

Người đứng đầu ngành GTVT cho biết, hiện nay, Quốc hội khóa XV đã phê duyệt kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021- 2025, Vụ Kế hoạch Đầu tư, Vụ Đối tác công tư phối hợp với các cơ quan liên quan của các bộ, ngành, địa phương hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đối với 6 dự án quan trọng quốc gia để trình Chính phủ xem xét, báo cáo Quốc hội.

Trong đó, chú trọng rà soát quá trình triển khai đang gặp những vướng mắc gì, vướng ở địa phương nào để báo cáo để kịp thời có ý kiến cảnh báo các địa phương.

“Đối với 11 dự án chuyển tiếp trọng điểm quốc gia, các Ban QLDA phải tăng cường trao đổi với địa phương để tháo gỡ những vướng mắc hiện tại. Ngoài ra, hai dự án đường băng sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài và dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ cũng phải xem là các dự án trọng điểm. Lãnh đạo các ban QLDA phải “lăn xả”, sát sao hiện trường để đảm bảo hiệu quả giải ngân và tiến độ dự án”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.

Liên quan đến công tác chuẩn bị đầu tư, Bộ trưởng cho biết, hiện có 6 dự án giao thông đã được Quốc hội bấm nút thông qua, đã được bố trí vốn ngân sách cần phải trình chủ trương đầu tư báo cáo Quốc hội.

Trong đó, theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, ngay trong tháng 10/2021, 3 dự án trọng điểm phải trình chủ trương đầu tư để báo cáo Quốc hội, gồm: Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, dự án Vành đai 4 Hà Nội và dự án đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh.

Bộ trưởng yêu cầu các Ban Quản lý dự án, chủ đầu tư phải hết sức nghiêm túc trong việc phòng chống dịch, xây dựng phương án 3 tại chỗ cho cán bộ, công nhân công trường; kiểm soát chặt chẽ phương tiện ra vào công trường; tập trung đôn đốc, chỉ đạo các nhà thầu thi công tăng cường trang thiết bị, nhân lực, bổ sung các mũi thi công để đẩy nhanh tiến độ các công trình, đặc biệt là đối với các dự án trọng điểm quốc gia.

Bên cạnh tiến độ, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh chất lượng vẫn là ưu tiên số một đối với các dự án xây dựng cơ bản của ngành, giao Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông tăng cường kiểm tra, giám sát tiến độ, chất lượng các công trình do Bộ là chủ đầu tư, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia; xử lý ngay tồn tại, vướng mắc nhất là vướng mắc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, nguồn cung ứng vật liệu cho dự án; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm quy định, yêu cầu về kỹ thuật, chất lượng, tiến độ công trình.

Để đảm bảo công tác vận tải phục vụ phát triển kinh tế, lưu thông hàng hóa và nhu cầu của nhân dân, ông Thể cũng chỉ đạo Vụ Vận tải, Tổng cục Đường bộ và Các Cục chuyên ngành phải chủ động lên kịch bản, phương án tổ chức giao thông để kịp thời ứng phó những diễn biến của dịch bệnh;

Thường xuyên trao đổi, phối hợp với các Bộ, ngành, các địa phương để rút kinh nghiệm những phát sinh, vướng mắc từ thực tế để thống nhất quan điểm, cách làm, triển khai một cách đồng bộ với mục tiêu đảm bảo hoạt động giao thông vận tải, đặc biệt là vận tải hàng hóa thông suốt, thuận tiện và phù hợp với nguyên tắc phòng chống dịch của Chính phủ và Ban chỉ  đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19.

“Các đơn vị tiếp tục cập nhật, kịp thời đề xuất cơ chế chính sách hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; tiếp tục rà soát, xử lý ngay bất cập phát sinh liên quan đến kết cấu hạ tầng, tổ chức giao thông, xử lý các điểm úng ngập trên đường bộ, chuẩn bị kỹ lưỡng các phương án, vật tư để ứng phó với mùa mưa, bão sắp đến,” Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói./.