Sáng 30/11, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắngchủ trì cuộc họp giao ban tháng 11/2022 về hoạt động của ngành giao thông vận tải. Một trong những vấn đề được Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đặc biệt quan tâm và nhiều lần đề cập là cơ chế thu hút nguồn vốn phát triển hạ tầng giao thông.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, nguồn lực Chính phủ phân bổ phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt hạ tầng giao thông đường bộ trong giai đoạn 2021 - 2025 lên đến hơn 300.000 tỷ đồng, song, để hoàn thành được quy hoạch đã được phê duyệt vẫn cần nguồn lực xã hội rất lớn.

Nhiệm vụ đặt ra là ngay từ bây giờ, các đơn vị phải bắt tay vào xây dựng chính sách/đề án thu hút tối đa nguồn lực xã hội thực hiện các dự án của Bộ GTVT theo hình thức đối tác công - tư (PPP).

“Từ các dự án BOT đã triển khai cho thấy, hiện có thực tế khi làm dự án, phương án tài chính rất ổn, nhà đầu tư rất yên tâm. Tuy nhiên, sau đó lại có thêm các dự án khác được đầu tư bằng vốn ngân sách phân lưu dòng phương tiện, gây hụt doanh thu của dự án BOT. Chúng ta phải sòng phẳng với nhà đầu tư. Những vướng mắc hiện tại cần được đặt lên bàn cân tính toán, tìm phương án tháo gỡ, tính đúng, tính đủ cho nhà đầu tư. Trường hợp doanh thu các dự án BOT bị tác động cần được đánh giá kỹ. Tránh tình trạng những vấn đề vướng mắc là quyền nhà đầu tư được hưởng lại phải đi xin”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói.

Bộ trưởng Bộ GTVT cũng yêu cầu các cơ quan liên quan nghiên cứu nhượng quyền thu phí tại các dự án cao tốc đầu tư công.

“Phải rà soát, đánh giá cơ chế này có đủ cơ sở thực hiện không? Phương thức nhượng quyền nếu thực hiện được sẽ có ý nghĩa rất quan trọng, giúp nhà nước thu hồi được vốn ngay để tiếp tục đầu tư các dự án giao thông khác. Cơ chế phải có sự đột phá và đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Đột phá thì phải bền vững, ổn định hoặc nếu có thay đổi phải có điều khoản chuyển tiếp”, Bộ trưởng nói.

Không thỏa mãn với kết quả giải ngân cao

Cũng tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng ghi nhận, đánh giá cao kết quả giải ngân Bộ GTVT đã đạt được từ đầu năm (34.900 tỷ đồng, đạt 63,4% kế hoạch vốn được giao). Mặc dù vậy, ông cũng lưu ý các đơn vị không được thỏa mãn với kết quả này. Vì trong bối cảnh ngành GTVT quản lý nguồn vốn lớn, mỗi đồng giải ngân của Bộ GTVT sẽ có vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế, mục tiêu cuối cùng là phải giải ngân được nhiều nhất có thể.

“Để đạt được mục tiêu này, những dự án lớn như 4 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020 (Mai Sơn - QL45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây) phải phấn đấu hoàn thành theo kế hoạch. Riêng với 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 phải rốt ráo hơn nữa công tác chuẩn bị. “Tinh thần là khởi công càng nhiều càng tốt, cứ có mặt bằng là phải đẩy nhanh thủ tục khởi công. Khởi công nhanh, giải ngân mới có thể tăng tốc”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói.

Cũng theo ông, hiện Thủ tướng Chính phủ đã thống nhất để Bộ GTVT điều chỉnh thời gian điều hòa kế hoạch vốn đến trước ngày 31/12/2022. Đây là điều kiện thuận lợi để các đơn vị, ban QLDA có thời gian triển khai các phương án để có thể giải ngân 100% kế hoạch vốn được giao.

Về công tác trật tự an toàn giao thông và hoạt động vận tải, bắt đầu từ tháng 12 hoạt động vận tải bắt đầu nhộn nhịp, đặc biệt là thời điểm Tết Dương lịch và Tết Âm lịch 2023.

Do đó, ông yêu cầu Vụ Vận tải và các Cục quản lý chuyên ngành liên quan đến hoạt động vận tải đặc biệt là lĩnh vực đường bộ, hàng không tập trung trách nhiệm, thực hiện quyết liệt các giải pháp với 2 yêu cầu gồm vận chuyển hàng hóa, hành khách phải thuận tiện và an toàn nhất có thể./.